Khép lại phiên giao dịch ngày 10/10, giá dầu suy yếu khi tâm lý thị trường dần ổn định trở lại sau phiên tăng mạnh đầu tuần, do triển vọng nguồn cung tích cực lấn át rủi ro chính trị. Giá dầu WTI chấm dứt chuỗi 2 phiên tăng liên tiếp khi giảm 0,47% xuống 85,97 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 0,57% xuống 87,65 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 9/10, giá dầu tăng vọt hơn 4% khi các nhà đầu tư lo ngại rằng cuộc đụng độ quân sự giữa Israel và nhóm Hồi giáo Palestine Hamas sẽ lan rộng, ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ Trung Đông. Cụ thể, giá dầu WTI ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp khi tăng 4,34% lên 86,38 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent tăng 4,22% lên 88,15 USD/thùng.
Kết thúc tuần giao dịch 2/10 – 8/10, giá dầu lao dốc hơn 8%, gần như xoá bỏ mọi mức tăng tích luỹ kể từ đầu tháng 9. Nguyên nhân chính là do các sức ép từ yếu tố kinh tế vĩ mô và nhu cầu suy yếu lấn át lo ngại nguồn cung thu hẹp. Ngoài ra, thị trường cũng đón nhận tín hiệu cho thấy sản lượng từ một số quốc gia sản xuất gia tăng, bù đắp một phần sự thiếu hụt trên thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/10, giá dầu tiếp tục giảm mạnh do lo ngại triển vọng nhu cầu tiêu thụ yếu, bên cạnh một số tín hiệu bổ sung từ phía nguồn cung. Giá dầu WTI nối dài đà giảm sang phiên thứ 2 liên tiếp khi giảm 2,27% xuống 82,31 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 2,03% xuống 84,07 USD/thùng.
Giá dầu ghi nhận mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ giữa tháng 7 năm ngoái trong phiên giao dịch ngày 4/10 hôm qua. Sức ép kinh tế vĩ mô, cùng rủi ro nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sụt giảm sau khi giá liên tục tăng cao trước đó, đã xoá bỏ hoàn toàn mức tăng tích luỹ của dầu thô kể từ đầu tháng 9.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/10, dầu thô cắt đứt chuỗi giảm 3 phiên liên tiếp trước đó do lo ngại cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) sẽ quyết định duy trì việc cắt giảm tự nguyện, khiến thị trường dầu tiếp tục thâm hụt cuối năm nay. Tuy nhiên, các áp lực kinh tế vĩ mô gần đây đã hạn chế đà tăng mạnh.