Kết thúc tuần giao dịch 2/10 – 8/10, giá dầu lao dốc hơn 8%, gần như xoá bỏ mọi mức tăng tích luỹ kể từ đầu tháng 9. Nguyên nhân chính là do các sức ép từ yếu tố kinh tế vĩ mô và nhu cầu suy yếu lấn át lo ngại nguồn cung thu hẹp. Ngoài ra, thị trường cũng đón nhận tín hiệu cho thấy sản lượng từ một số quốc gia sản xuất gia tăng, bù đắp một phần sự thiếu hụt trên thị trường.
Cụ thế, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 11 giảm 8,81% trong tuần qua xuống 82,79 USD/thùng. Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 12 chốt phiên tại mức giá 84,58 USD/thùng, giảm 8,26%.
Trong tuần trước, tâm điểm cuộc họp trực tuyến của Bộ trưởng năng lượng các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) kết thúc mà không có bất ngờ nào đáng chú ý. Saudi Arabia và Nga sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp cắt giảm nguồn cung tự nguyện, tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 12/2023.
Thông tin này không mang lại sự bất ngờ cho thị trường. Do đó, nhiều nhà đầu tư đã phản ứng với một số tín hiệu cho thấy nhu cầu có dấu hiệu chững lại ở một số quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn.
Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho xăng của Mỹ bất ngờ tăng mạnh 6,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 29/9, cao hơn nhiều so với mức dự đoán tăng 200.000 thùng theo khảo sát từ Reuters. Lượng xăng thành phẩm được cung cấp cho động cơ, đại diện cho nhu cầu, cũng đã giảm hơn 600.000 thùng/ngày trong tuần trước xuống khoảng 8 triệu thùng/ngày, đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm nay.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC tại New York, dự đoán rằng nhu cầu xăng sẽ không vượt quá 8,5 triệu thùng/ngày trong ngắn hạn. Trong khi đó, Andy Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates LLC, cho biết các vị thế mua dựa trên dự đoán giá dầu đạt 100 USD/thùng đang được thanh lý.
Bên cạnh sự suy yếu từ phía nhu cầu, giá dầu cũng chịu sức ép từ yếu tố kinh tế vĩ mô. Dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ trong tháng 9 đang tạo thêm không gian cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, hoặc giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn nhằm kiểm soát lạm phát.
Cụ thể, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy tổng số việc làm trong bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 9 của Mỹ tăng 336.000, cao hơn nhiều so với mức dự báo 170.000. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm tăng 22 điểm cơ bản lên 4,7% trong tuần qua, thể hiện kỳ vọng lãi suất cao còn duy trì dài hạn. Điều này đã làm gia tăng áp lực tới giá dầu.
Về phía nguồn cung, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, Alparslan Bayraktar, cho biết đường ống dẫn dầu thô từ Iraq qua Thổ Nhĩ Kỳ với công suất vận chuyển khoảng 0,5% tổng sản lượng dầu thế giới, tương đương khoảng 400.000 đến 500.000 thùng/ngày đã sẵn sàng hoạt động.
Trong bối cảnh thị trường đang trong trạng thái thắt chặt, sự bổ sung nguồn cung từ đường ống dẫn dầu Iraq – Thổ Nhĩ Kỹ góp phần làm giảm bớt áp lực thâm hụt, gây sức ép lên giá dầu.
Về phía Saudi Arabia và Nga, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Saudi Arabia đã tăng hơn 800.000 thùng/ngày trong tháng 9. Trong khi đó, lưu lượng từ các cảng Baltic và Biển Đen quan trọng của Nga tăng khoảng 325.000 thùng/ngày.
Theo thông tin cập nhật mới nhất, sáng nay, giá dầu mở cửa tăng vọt hơn 3 USD/thùng trong bối cảnh lo ngại rằng một cuộc tấn công lớn và bất ngờ của phiến quân Hamas vào Israel có thể sẽ leo thang, đe dọa dòng chảy năng lượng trong khu vực. Theo các nhà quan sát thị trường, mặc dù Israel và Palestine không phải là những nhà sản xuất hoặc tiêu thụ dầu lớn, nhưng cuộc xung đột vẫn có thể đe dọa dòng chảy dầu của khu vực Trung Đông nếu kéo dài.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng vọt gần 14% trong tuần qua, bởi kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng cao tại khu vực Trung Tây và Đông Bắc nước Mỹ trước dự báo về không khí lạnh giữa tháng 10. Trong khi đó, đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Permian thường xuyên bảo trì trong tuần, ảnh hưởng tới nguồn cung cấp khí đốt.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật giá dầu, trước thông tin cơ bản mới nhất về xung đột giữa Israel và phiến quân Hamas tại khu vực Trung Đông, đã kéo giá dầu gap-up phiên mở cửa sáng nay, vượt lên trên đường SMA của dải Bollinger Band trên khung H4, đạt trên 85 USD/thùng.
Điều này trước hết có thể đưa giá dầu trở lại vùng kháng cự 87,5 USD, cũng là kiểm tra lại đường EMA50. Nhưng giá có thể sẽ dần lấp gap khi thực tế vẫn chưa có thiệt hại liên quan tới thị trường dầu. Các nhà giao dịch có thể mua ngắn tới vùng kháng cự trên, nhưng nên đặt trạng thái dừng lỗ tối thiểu 1 USD. Tuy nhiên, sẽ không khuyến khích mở trạng thái mới trong điều kiện tình hình tương đối biến động hiện nay.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại nguồn cung(10/07/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)