Kết thúc tuần giao dịch 2/1 – 8/1, giá dầu lao dốc mạnh, cắt đứt chuỗi tăng 3 tuần liên tiếp trước đó. Giá dầu WTI giảm 8,09% xuống 73,77 USD/thùng, trong khi Brent cũng đánh mất 8,4%, chốt phiên tại mức giá 78,69 USD/thùng.
Sức nặng từ bài toán về nhu cầu tiêu thụ kém sắc là nhân tố chính chi phối giá dầu trong tuần qua. Việc nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới là Trung Quốc vẫn còn đang vật lộn vì số ca nhiễm Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và chưa có dấu hiệu đã đạt đỉnh, trong bối cảnh mở cửa trở lại đang là lực cản lớn với thị trường dầu. Mặc dù các thông tin tích cực hơn vào cuối tuần, khi nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có thể cắt giảm lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) nhằm kích thích kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách sẽ cần thời gian để có được hiệu quả, và trước mắt, dịch bệnh vẫn đang là trở ngại cho việc tiêu thụ dầu và các sản phẩm của dầu phục vụ hoạt động kinh tế và tiêu dùng, gây sức ép tới giá. Saudi Arabia cũng đã giảm giá bán chính thức (OSP) đối với loại dầu thô tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Á với mức giảm khoảng 1,5 USD/thùng trong tháng Hai, phản ánh bức tranh tiêu thụ vẫn còn hạn chế.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) trong tuần qua cũng phản ánh mức tiêu thụ yếu, với các sản phẩm được cung cấp, một thước đo về nhu cầu đã giảm mạnh 4,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/12, xuống hơn 18 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4 năm và cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động lọc dầu của Mỹ cũng suy yếu trở lại trong tuần, với nhu cầu đầu vào giảm 2,3 triệu so với tuần trước đó.
Trong bối cảnh này, nguồn cung khó gia tăng tại Mỹ cũng không hỗ trợ được quá nhiều cho giá dầu trong phiên cuối tuần. Theo dữ liệu của hãng dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ giảm 7 xuống 772 giàn đang hoạt động trong tuần kết thúc ngày 06/01. Trước đó, chính phủ Mỹ ước tính sản lượng dầu đá phiến tăng trung bình từ 300.000 – 400.000 thùng/ngày vào năm 2023, mức tăng tương đối khiêm tốn.
Yếu tố có thể hỗ trợ đáng kể cho giá dầu trong thời gian tới là vấn đề về tiêu thụ tại Trung Quốc, nhất là khi mới đây, Chính phủ nước này đã liên tục có những biện pháp kích thích nền kinh tế mạnh tay. Tuần này, loạt dữ liệu lạm phát của cả Trung Quốc và Mỹ sẽ được công bố và giá dầu có thể rung lắc mạnh. Trong trường hợp lạm phát tại Trung Quốc ở mức không quá cao, PBOC có thể hạ lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Theo Bloomberg, các nhà dự báo hàng đầu đang cho rằng ngay cả với nền tảng kinh tế vĩ mô yếu kém trong năm nay, nhu cầu dầu có thể tăng hơn 4 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 4%, gần gấp đôi so với dự kiến nếu các nền kinh tế châu Á mở cửa trở lại hoàn toàn, và giá dầu có thể vượt qua 140 USD/thùng trong năm nay trước kịch bản này.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên lao dốc hơn 17% trong tuần qua, ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Thời tiết ôn hòa trong mùa đông, với một loạt các nhà cung cấp mới và nỗ lực giảm nhu cầu đang giúp khu vực EU giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga và tạm thời tránh được một cuộc khủng hoảng năng lượng. Dự trữ vẫn ở mức cao. Tại Đức, các cơ sở lưu trữ đã lấp đầy khoảng 91%, so với mức 54% một năm trước. Trong khi đó, dự báo từ các chuyên gia kinh tế cho rằng mức tiêu thụ tại EU dự kiến sẽ thấp hơn khoảng 16% so với mức trung bình 5 năm trong suốt năm 2023.
Phân tích kỹ thuật và khuyến nghị
Về mặt kỹ thuật, giá dầu đang có xu hướng phục hồi từ vùng giá 72,5 USD/thùng và hướng trở lại cạnh giữa dải Bollinger Band. Lực mua dù đang chiếm ưu thế nhưng cũng có xu hướng yếu dần. Các nhà đầu tư có thể mở vị thế mua ở khoảng 74 USD/thùng với kỳ vọng chốt lời tại 75,5 USD/thùng.
TIN KHÁC
Thị trường năng lượng và kim loại phản ứng với quyết định của FED(23/09/2024)
Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu(09/09/2024)
Giá dầu nối đà hồi phục(28/06/2024)
Giá dầu bật tăng do chi phối bởi áp lực nguồn cung(18/06/2024)
Giá dầu giảm 3 ngày liên tiếp(23/05/2024)