Chốt phiên hôm qua, giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 6 trong bối cảnh rủi ro địa chính trị bên cạnh áp lực nguồn cung. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 2,4% lên 80,33 USD/thùng, dầu Brent tăng 1,97% lên 84,25 USD/thùng.
Đà tăng của giá dầu được hỗ trợ khi xung đột tại chảo lửa Trung Đông vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt, bất chấp nỗ lực hòa giải quốc tế. Mới đây nhất, phát ngôn viên quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari cho biết, hỏa lực xuyên biên giới tăng cường từ phong trào Hezbollah của Lebanon vào Israel có thể gây ra sự leo thang nghiêm trọng và phía Israel sẵn sàng đưa ra các biện pháp đáp trả.
Trong khi đó, ông Philippe Lazzarini, người đứng đầu UNRWA, tổ chức chính cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza nói rằng, các hoạt động quân sự của Israel vẫn tiếp tục diễn ra, bất chấp thông báo của quân đội nước này về việc tạm dừng chiến thuật trong các hoạt động quân sự vào hôm Chủ nhật vừa rồi.
Áp lực nguồn cung cũng đã khiến giá dầu bật tăng mạnh mẽ khi Đan Mạch đang xem xét các biện pháp để ngăn chặn “đội tàu chở dầu bóng tối” vận chuyển dầu của Nga qua Biển Baltic. Nga vận chuyển khoảng 1/3 lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển, tương đương 1,5% nguồn cung toàn cầu, qua eo biển Đan Mạch, cửa ngõ vào Biển Baltic, vì vậy bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn nguồn cung đều có thể khiến giá dầu tăng cao.
Bên cạnh đó, theo tổ chức nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cắt giảm sản lượng sẽ khiến tăng trưởng nguồn cung dầu toàn cầu chậm lại không chỉ trong năm nay mà còn kéo dài sang 2025. Cụ thể, Rystad cho biết tổng tăng trưởng nguồn cung dầu dự kiến hiện chỉ đạt gần 80.000 thùng/ngày cho năm 2024, giảm mạnh so với ước tính tăng 900.000 thùng/ngày trước đó, đánh dấu năm đầu tiên kể từ 2020 tăng trưởng nguồn cung dầu thế giới gần như bằng 0.