HĐQT Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex-CTCP (mã chứng khoán PLC) xin ý kiến cổ đông điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và tỷ lệ chia cổ tức tối thiểu năm 2024 do những khó khăn gặp phải.
Cụ thể, HĐQT PLC xin ý kiến cổ đông cho điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 từ mức 140 tỷ đồng xuống còn 65 tỷ đồng; cổ tức từ mức tối thiểu 10% xuống còn tối thiểu 5%.
Theo tờ trình của HĐQT PLC, cùng với các tác động bất lợi của nền kinh tế thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh của PLC còn gặp nhiều thách thức do các yếu tố tác động từ thị trường trong nước.
Cụ thể, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu lớn; chỉ số giá tiêu dùng tăng. Sức ép lạm phát còn lớn, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam tiếp tục suy giảm, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước cho sản xuất còn hạn chế. Các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản biến động khó dự đoán và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Biến động tỷ giá diễn ra nhanh và mạnh ngay từ sau Tết Nguyên đán. Cụ thể, tại ngày 1/1/2024, tỷ giá USD/VND là 24.420 đồng thì tại thời điểm ngày 30/6/2024, con số này là 25.464, tương ứng với mức tăng lên tới 4,28%; tỷ giá tiếp tục duy trì ở mức cao, mới bắt đầu hạ nhiệt từ đầu tháng 8/2024 và hiện nay đang xu hướng biến động tăng lên.
Đáng chú ý nhu cầu nhựa đường của thị trường sụt giảm sau khi các dự án giao thông trọng điểm được hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2022 và 2023. Theo số liệu thống kê 9 tháng năm 2024, tổng sản lượng nhập khẩu nhựa đường xá (là mặt hàng kinh doanh chính của Công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex thuộc PLC) vào thị trường Việt Nam chỉ bằng 55% so với cả năm 2023 và bằng 77% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 chỉ đạt 43% kế hoạch và chỉ đạt 48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Mặt khác, thị trường có sự cạnh tranh mạnh của yếu tố nguồn hàng nhập về Việt Nam có xuất xứ từ UAE với giá thấp hơn so với các nguồn khác (thấp hơn từ 9-14% so với thị trường Singapore) và khối lượng nhập về Việt Nam tăng mạnh trong năm 2024 (tăng tỷ trọng sản lượng nhập từ 13,6% vào năm 2021 lên trên 34% chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024). Các yếu tố khách quan này đã tác động mạnh tới sản lượng tiêu thụ, giá bán và lãi gộp của ngành hàng nhựa đường.
Trong 9 tháng của năm 2024, giá dầu và giá dung môi liên tục biến động khó lường. Giá dầu cao nhất vào tháng 4 ở mức 92.18 USD/thùng và thấp nhất vào tháng 9 ở mức 68.68 USD/thùng, đã giảm hơn 25% so với mức giá ở vùng đỉnh của năm. Theo xu hướng giá dầu, giá dung môi, hóa chất đã giảm liên tục với mức biến động giảm ghi nhận là từ 25%-30% cho mỗi loại; bên cạnh các nhà sản xuất thuộc các lĩnh vực sử dụng dung môi hóa chất như sản xuất sơn gỗ, sản xuất mực in, sản xuất keo giầy da may mặc, sản xuất keo gỗ,... vẫn chật vật duy trì sản xuất, một số nhà sản xuất đặc biệt là đồ gỗ nội thất còn rơi vào trạng thái ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng đã làm nhu cầu dung môi hóa chất cho các lĩnh vực này sụt giảm, chỉ bằng 70 - 80% so với cùng kỳ 2023; cạnh tranh khốc liệt của thị trường dung môi, hóa chất năm 2024 đã làm suy giảm sản lượng tiêu thụ, giá bán, tỷ lệ lợi nhuận gộp, kết quả kinh doanh của Công ty TNHH Hóa chất Petrolimex thuộc PLC.
Đây là các yếu tố tác động bất khả kháng vượt ra ngoài khả năng dự báo khi xây dựng kế hoạch của PLC, vì vậy việc điều chỉnh kế hoạch là cần thiết để phù hợp và sát với tình hình thực tế của năm 2024. Việc điều chỉnh kế hoạch dựa trên nguyên tắc đặt mục tiêu phấn đấu để giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng; đảm bảo giữ vững và ổn định thị phần của từng ngành hàng kinh doanh; làm cơ sở cho việc xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của PLC năm 2025.