Theo ông Phan Thế Ruệ, điểm tích cực của Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu là sẽ có thị trường cạnh tranh, loại bỏ được tình trạng các DN xăng dầu bắt tay nhau tăng giá. Đồng thời, thị trường xăng dầu cũng có nhiều mức giá khác nhau và người tiêu dùng sẽ được lợi khi có thể tự do lựa chọn mua của DN nào.
Liên quan đến Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu sẽ có hiệu lực từ ngày 1.11, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương về những điểm tích cực và những hạn chế trong Nghị định mới này.
Xin ông cho biết những điểm tích cực trong Nghị định 83 - Nghị định (NĐ) mới về kinh doanh xăng dầu sẽ có hiệu lực từ 1.11?
Tôi cho rằng, điểm mới mang tính tích cực đầu tiên trong NĐ mới này là đã tăng thêm 2 thành phần được tham gia kinh doanh xăng dầu. Trước đây chỉ có 3 thành phần được tham gia vào thị trường này là đầu mối, tổng đại lý, đại lý bán lẻ hoặc cửa hàng bán lẻ. Nhưng bây giờ đã thêm 2 thành phần nữa là thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền. Và thương nhân phân phối ở đây có quyền và nghĩa vụ không kém gì so với đầu mối, chỉ kém ở chỗ là không được nhập khẩu, không được mua xăng dầu từ đầu mối.
Chính sự tham gia của nhiều thành phần đã tạo tính đa dạng cho thị trường và thị trường sẽ có sự cạnh tranh. Trước đây, việc điều chỉnh giá là do DN đầu mối nhưng lần này không những DN đầu mối được quyết định giá mà kể cả thương nhân phân phối cũng được quyền quyết định giá bán lẻ của mình. Từ đó, thị trường sẽ có nhiều giá và đúng là cơ chế thị trường. Đây là điểm rất tốt.
Tiếp theo, DN sẽ được phép điều chỉnh giá trong khoảng 3% và giá bình quân cơ sở được rút ngắn xuống 15 ngày, không như trước kia là 30 ngày. Nghị định 84 trước đây quy định khi có sự biến động giá trong khoảng 7% thì mới được điều chỉnh, cho nên mới có chuyện các DN liên kết với nhau để tăng giá, nhưng bây giờ NĐ 83 rút xuống chỉ còn 3% nên sẽ tránh được việc các DN bắt tay nhau tăng giá.
Ví như khi biến động 1% là đã có DN tăng hoặc giảm giá, nhưng có khi biến động 2-3% mới có DN tăng/giảm giá. Có nghĩa là mức độ tăng giảm không lớn cho nên DN tự điều chỉnh chứ không cần phải đợi rồi liên kết với nhau tăng giá như Nghị định 84.
Điểm thứ ba là nguyên tắc trích và sử dụng quỹ bình ổn cũng minh bạch hơn, khác với NĐ 84. Khi nào được trích, khi nào được sử dụng quỹ này cũng đều có quy định.
Theo tôi, những điểm mới này rất tốt để xăng dầu Việt Nam vận hành theo cơ chế thị trường, tiếp cận dần thị trường xăng dầu khu vực và thế giới. Những điểm mới này cũng đã đáp ứng được chỉ thị xuyên suốt của Thủ tướng là phải đưa thị trường xăng dầu Việt Nam sát với thị trường xăng dầu thế giới, dưới sự quản lý của Nhà nước.
Vậy theo ông, những điểm chưa hợp lý trong Nghị định mới này là gì?
Mặc dù NĐ 83 có nhiều điểm tích cực, nhưng khi nghiên cứu kỹ và đưa vào áp dụng ngay thì lại có rất nhiều điểm không có hướng dẫn thì không thực hiện được. Ví dụ như việc ổn định thuế nhập khẩu, không nói rõ là ổn định bao lâu, mức thuế như thế nào.
Hay như biên độ điều chỉnh giá 3%, 7% và trên 7% cũng cần phải có hướng dẫn cụ thể. Trong NĐ 83 ghi rằng biên độ giữa hai lần điều chỉnh không quá tối thiểu 15 ngày với tăng giá và tối đa 15 ngày với giảm giá mà không có hướng dẫn thì sẽ rất khó. Và tôi cho rằng đã cho DN tự quyết điều chỉnh giá dưới 3% thì Nhà nước không nên can thiệp vào là phải đợi bao nhiêu ngày mới được tăng giảm, nên cho DN tự điều chỉnh theo giá của thị trường, khi đấy thị trường sẽ tạo ra nhiều giá khác nhau và người dân có thể tự lựa chọn mua của ai.
Vấn đề về quỹ bình ổn cũng còn bất cập. Thế nào là trích, xả quỹ liên tục, thường xuyên? Nếu liên tục trích quỹ thì người tiêu dùng sẽ thiệt thòi, còn nếu liên tục xả quỹ thì DN chết, cho nên phải có hướng dẫn, mà hướng dẫn vấn đề này là cực khó.
'
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương (Ảnh VNE)
Đối với những điểm tích cực trong Nghị định mới, theo ông, người tiêu dùng sẽ được lợi như thế nào?
Thứ nhất, người dân sẽ được hưởng lợi ở chỗ giá xăng dầu sẽ theo giá thế giới, tức là khi giá thế giới tăng hoặc giảm thì giá xăng dầu trong nước cũng tăng hoặc giảm theo. Thứ hai là thị trường xăng dầu sẽ minh bạch hơn, trong hoạt động của mỗi DN cũng phải tự minh bạch, công khai. Trong NĐ 83 cũng có hẳn một chương về minh bạch hóa, từ các bộ ngành quản lý cho đến các DN.
Trong Nghị định mới không đề cập đến chi phí kinh doanh, chiết khấu cho các đại lý. Vậy hiện nay, các đại lý đang được chiết khấu bao nhiêu % thưa ông?
Trong NĐ 84 trước đây cũng không nói gì đến chi phí kinh doanh và dẫn chứng là căn cứ theo Luật giá. Còn hiện nay, theo quy định thì DN đang được hưởng chiết khấu 850 đồng/lít xăng, nhưng thực tế, không có DN nào được hưởng mức này cả.
Tôi cho rằng sắp tới, không nên có quy định về chi phí mà nên giao cho các DN tự thỏa thuận với nhau sẽ tốt hơn, còn Bộ Tài chính sẽ khống chế định mức chi phí. Thông qua các đợt đi thực tiễn, Hiệp hội xăng dầu thấy rằng phải nâng mức chi phí kinh doanh lên 1.150-1.200 đồng thì các cửa hàng bán lẻ mới được hưởng khoảng 650-700 đồng/lít mới sống được, còn nếu không sẽ không thể chịu nổi chi phí.
Quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng phải gắn liền với quản lý chất lượng. Theo ông, Nghị định 83 ra đời có đảm bảo được vấn đề chất lượng của xăng dầu?
Khi có nhiều thành phần tham gia thị trường xăng dầu thì việc quản lý chất lượng sẽ rất khó. Trước đây, tổng đại lý chỉ mua của một đầu mối và đầu mối đó sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu của mình. Nhưng bây giờ được mua của nhiều đầu mối thì rõ ràng quản lý chất lượng của các thương nhân phân phối là cực kỳ khó, vì các thương nhân phân phối còn bán cho các thương nhân nhận quyền và tổng đại lý. Cho nên Thông tư liên tịch cũng cần phải hướng dẫn vấn đề này. Các Bộ như Công thương, Tài chính phải kết hợp với Bộ KH&CN, Bộ TN&MT cùng bán bạc trên cơ sở luật pháp để đưa ra hướng dẫn hợp lý, đảm bảo chất lượng xăng dầu.
Nhất là tới đây, tôi kỳ vọng Bộ Công thương và Bộ Tài chính sẽ liên kết với nhau để làm một Thông tư liên bộ. Nếu không có Thông tư liên bộ mà của anh nào anh ấy hướng dẫn thì lại đi vào con đường của NĐ 84.
Bây giờ cũng không phải sớm nữa, chỉ còn 1 tháng nữa thôi nên chưa chắc đã kịp. Mà Thông tư liên bộ không ra kịp thì sẽ gây ách tắc cho NĐ 83, vì đến ngày 3.12 là các DN đầu mối phải nhập khẩu xăng dầu mà chưa có sự ổn định về thuế suất thì rất khó.
Còn chế tài xử phạt các DN vi phạm theo ông cần phải quy định như thế nào?
Các chế tài xử phạt ở Nghị định mới là không có và tôi cho rằng cần phải có một chương về chế tài xử phạt về kinh doanh xăng dầu. Còn nếu không có một chương thì phải có một Nghị định xử phạt về kinh doanh xăng dầu. Nếu Thông tư hướng dẫn mà có quy định xử phạt thì cũng không đủ tính pháp lý. Tất nhiên, chế tài xử phạt cần phải quy định ở mức cao.
Xin cảm ơn ông!
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)