Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không cấp hóa đơn điện tử (HĐĐT) cho khách hàng sẽ bị xử lý. Theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, áp dụng HĐĐT là hoạt động chuyển đổi số, cần phải có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
PV: Thủ tướng Chính phủ đã ấn định, thời điểm cuối cùng bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu phải áp dụng HĐĐT là ngày 31/12/2023, đến nay đã chậm mấy tháng, thưa ông?
Tôi khẳng định một lần nữa, việc áp dụng HĐĐT đối với tất cả hoạt động giao dịch hàng hóa, mua bán dịch vụ được thực hiện kể từ ngày 1/7/2022 theo Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Vì kể từ thời điểm này, hóa đơn giấy truyền thống đã trở thành dĩ vãng. Tuy nhiên, ngành bán lẻ xăng dầu quá đặc thù, do đây là mặt hàng liên quan đến sự sống còn của hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là giao thông, vận tải và việc di chuyển của người dân; đối tượng áp dụng quá lớn; lượng hóa đơn phải xuất ra lên đến cả chục tỷ hóa đơn mỗi năm, nên hầu hết cửa hàng bán lẻ xăng dầu cứ dây dưa, lần lữa mãi.
Tuy nhiên, hóa đơn giấy đã không còn tồn tại, trong hoạt động kinh doanh bắt buộc phải có hóa đơn, chứng từ mới có thể xác nhận được doanh thu, chi phí, kế toán, chính vì vậy, ngày 1/12/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1284/CĐ-TTg yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan và UBND cấp tỉnh triển khai ngay các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu đơn vị kinh doanh xăng dầu lập HĐĐT theo từng lần bán hàng tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế ngay trong tháng 12/2023.
PV: Một công việc rất phức tạp và tác động đến hàng vạn đơn vị kinh doanh xăng dầu thì khó có thể hoàn thành trong thời gian ngắn?
Như tôi đã nói, việc thực hiện HĐĐT là bắt buộc kể từ ngày 1/7/2022, vì thế, nếu doanh nghiệp nào chủ động đầu tư trang thiết bị, máy móc, kết nối đường truyền với cơ quan thuế thì trong vòng 1 tháng có thể hoàn thành. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chưa đầu tư, chưa hề chuẩn bị phương án chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang HĐĐT và bắt buộc phải cấp hóa đơn cho khách hàng mỗi lần bán lẻ xăng dầu nên không thể thực hiện được. Chính vì vậy, trong công điện này, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đối với HĐĐT, đảm bảo việc tiếp nhận, kết nối thông tin HĐĐT của cơ quan thuế được thông suốt, thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; hoàn thành chậm nhất trong quý I/2024.
Trước thời điểm cuối quý I/2024, Bộ Công thương tập trung chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường thực hiện giám sát chặt chẽ, tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu; phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về HĐĐT theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh xăng dầu.
PV: Thưa ông, quý I/2024 sắp hết, nhưng hiện tại mới có khoảng 50% số cửa hàng bán lẻ xăng cấp HĐĐT cho người đổ xăng?
Việc sử dụng HĐĐT là bắt buộc, vì Nghị quyết 02/NQ-CP (ngày 5/3/2024) về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024 đã yêu cầu UBND cấp tỉnh trong tháng 3 phải tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra và quyết liệt thực hiện quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chính quyền các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương, Bộ Tài chính để chỉ đạo lực lượng chức năng xem xét xử lý doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến hết ngày 31/3/2024 không thực hiện quy định về HĐĐT.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp sai phạm, không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện việc phát hành HĐĐT, không kết nối điện tử với cơ quan thuế. Việc xử lý đối với doanh nghiệp không chấp hành HĐĐT sau thời điểm 31/3/2024 rất nghiêm, trong đó có cả việc tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
PV: Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa, bắt buộc cửa hàng bán lẻ phải cấp HĐĐT cho khách hàng. Nhưng thưa ông, trên thực tế thì ngay trong địa bàn nội thành Hà Nội, các cửa hàng cũng không cấp HĐĐT nếu khách hàng không yêu cầu?
Kinh doanh xăng dầu là hoạt động kinh doanh có điều kiện, trong đó việc cấp HĐĐT từng lần bán hàng cho khách hàng là một trong các điều kiện bắt buộc. Doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện bị tạm dừng kinh doanh cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện, thậm chí rút giấy phép kinh doanh.
Doanh nghiệp xăng dầu bắt buộc phải sử dụng HĐĐT như tất cả các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh khác, nhưng chắc cũng không thể yêu cầu hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm dừng hoạt động, rút giấy phép kinh doanh nếu chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, Nhà nước cần có ngay cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, vì việc đầu tư trụ bơm xăng để đáp ứng yêu cầu truyền dữ liệu với cơ quan thuế, phát hành HĐĐT từng lần cho khách hàng rất lớn, chưa kể hàng loạt chi phí khác.
Xin cảm ơn ông!