Bất cập trong việc xử phạt người vi phạm tại cây xăng
Trước hết, dựa trên những tài liệu thu thập được, chúng tôi xin phân tích những yếu tố khiến ĐTDĐ bị cấm sử dụng tại các cây xăng. Mặc dù việc sử dụng ĐTDĐ có thể gây cháy xăng hay không vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định hay phủ định hành vi này.
Về mặt lý thuyết, khả năng gây cháy tại cây xăng do việc sử dụng điện thoại vẫn có thể xảy ra. Khi có sóng điện thoại, nguồn nhiệt phát sinh từ điện thoại rất lớn, có thể gây chập mạch dẫn đến phát sinh tia lửa điện. Khi đó, tại các vòi bơm xăng nếu có rò rỉ sẽ rất dễ gây ra nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, xác suất gây cháy nổ do sóng điện thoại vô cùng thấp, khó có thể xảy ra trong thực tế vì cường độ của sóng không thể đủ mạnh để tạo ra tia lửa điện.
Yếu tố thứ hai chính là nhiệt độ bất thường của chiếc ĐTDĐ. Khi gọi hoặc nhận cuộc gọi, kết nối internet hay chơi game, nhiệt độ của chiếc ĐTDĐ sẽ tăng lên rất nhanh. Trong khi đó, chiếc ĐTDĐ lại thường dùng giải pháp tản nhiệt thông qua vỏ máy, từ vỏ nhựa cho đến vỏ bằng hợp kim. Nếu các linh kiện bên trong máy không đảm bảo chất lượng, có thể nhiệt độ sẽ truyền qua vỏ, nhất là vỏ hợp kim. Hiện tượng nóng bất thường, cộng với ma sát với vải quần có thể gây cháy, nhưng khả năng gây cháy nổ cũng rất thấp.
Một yếu tố được chú ý nhiều nhất là do pin trong chiếc ĐTDĐ. Có thể pin kém chất lượng hay do dùng quá lâu đã làm mòn điểm tiếp xúc giữa pin và ĐTDĐ. Nếu lỡ tay làm rơi máy xuống đất sẽ gây ra tia lửa điện từ chính cục pin.
Hầu hết tài liệu hướng dẫn sử dụng của các hãng sản xuất ĐTDĐ như Nokia, Motorola… đều cảnh báo người dùng phải tắt thiết bị khi ở trong bất kỳ khu vực nào có khả năng gây nổ như tại các trạm tiếp nhiên liệu.Trên thực tế, những yếu tố tác động từ chiếc ĐTDĐ như trên khó là nguyên nhân để gây ra hiện tượng cháy nổ ở các cây xăng. Mặc dù trên thế giới chưa có kết luận cuối cùng về việc sử dụng điện thoại có khả năng gây cháy nổ tại các cây xăng hay không, song cách an toàn nhất là không nên nghe hoặc gọi ĐTDĐ khi bạn đang ở trong khu vực cây xăng, bởi một lý do “phòng cháy” vẫn hơn “chữa cháy”.
Ảnh: Internet
Trường hợp nghe điện thoại tại các cây xăng vẫn diễn ra khá phổ biến tại nhiều cây xăng trên khắp cả nước. Điều này cho thấy việc xử phạt hành vi sử dụng điện thoại tại các cây xăng gặp khó vì nhiều nội dung trong Nghị định 52/2012/NĐ-CP về PCCC còn khá mập mờ, thiếu thông tư hướng dẫn và bất khả thi.Nghị định 52/2012/NĐ-CP: Bất cập từ quy định đến thực tế
Thứ nhất, phạt ai?
Đã thành thói quen, ngay cả khi vào các cây xăng nhiều người dân vẫn vô tư dùng ĐTDĐ bất chấp biển báo và các quy định về xử phạt đã được áp dụng. Như chúng ta thường nói vui rằng “Việt Nam cái gì không quản lí được thì cấm, cấm không được thì phạt”. Hơn nữa, việc nghe gọi điện thoại thường diễn ra rất nhanh, có khi chỉ chưa đầy một phút nên lực lượng chức năng khó mà có mặt kịp tại hiện trường để lập biên bản hay ra quyết định xử phạt. Nhân viên bán xăng chỉ có thể nhắc nhở người vi phạm chứ không có thẩm quyền bắt giữ, ngăn cản hay xử phạt họ. Muốn phạt người vi phạm xem ra khá nan giải!
Thứ hai, ai phạt?
Theo Nghị Định 52, lực lượng có thẩm quyền xử phạt đối với trường hợp sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng là Chủ tịch UBND, trưởng công an cấp xã, huyện; cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, CSGT đường bộ – đường sắt, cảnh sát đường thủy, cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội…
Như vậy, người có thẩm quyền xử phạt hành chính thì khá đông, nhưng thực tế bất cập ở chỗ, lực lượng này không thể lúc nào cũng có mặt tại các cây xăng để xử phạt. Đội PCCC sẽ là cơ quan chính thực hiện việc xử phạt người vi phạm những cũng chỉ có thể kiểm tra định kỳ chứ không thể túc trực thường xuyên. Bởi lẽ đội ngũ này hiện rất mỏng, lại phải ưu tiên những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hơn.
Thứ ba, phạt như thế nào?
Hành vi nghe và gọi ĐTDĐ tại cây xăng là vi phạm, không phân biệt chủng loại và nhãn hiệu điện thoại, nhưng lại với mức phạt tiền rất khác nhau. Luật quy định xử phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng, vậy khi nào thì xử phạt 2 triệu, khi nào thì xử phạt 5 triệu cũng không ai biết?
Như vậy, ai là người định mức phạt tiền đối với người vi phạm khi mà chỉ với cùng một hành vi là nghe hay gọi ĐTDĐ tại cây xăng, mức phạt chênh lệch lên tới 3 triệu đồng, căn cứ nào đảm bảo cho việc xử phạt ở mức đó là khách quan, công bằng? Tuy rằng mức phạt rất cao nhằm hạn chế những nguy hiểm cháy nổ ở cây xăng nhưng nếu để xảy ra việc sử dụng điện thoại, có thể là do không biết hoặc sơ suất cũng phạt đến 5 triệu đồng, đã bằng thu nhập cả tháng lương của họ, liệu có quá nặng hay không?
Hơn nữa, khó khăn khác trong việc phát hiện xử lý vi phạm là thiếu chế tài. Làm thế nào để người vi phạm phải nộp phạt? Nếu cảnh sát giao thông có quyền giữ xe, bằng lái của người vi phạm thì cảnh sát PCCC lại không có chế tài nào bắt buộc người dân chấp hành, chẳng lẽ lại thu điện thoại của họ.
Ngoài những câu hỏi trên vẫn còn rất nhiều vấn đề trong Nghị định chưa làm sáng tỏ. Những hướng dẫn cụ thể vẫn còn thiếu sót. Chẳng hạn người mua xăng có phải tắt ĐTDĐ trước khi vào mua xăng hay không, nhân viên bán xăng có được sử dụng ĐTDĐ hay mang theo ĐTDĐ nhưng vẫn để ở chế độ sử dụng hay không? Nếu có hoặc không thì ai là người kiểm tra và xác định?
Rõ ràng, một Nghị định được ban hành mà “cấm không được, phạt không xong” thì sớm hay muộn cũng “chết yểu”. Thiết nghĩ, điều nên làm có lẽ không chỉ ban hành các quy định mà quan trọng và cấp thiết hơn cả vẫn là tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ tại cây xăng. Để người dân tham gia tích cực vào việc không sử dụng ĐTDĐ thì các nhà quản lý, chủ cây xăng, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền ý thức chấp hành quy định phòng cháy chữa cháy trong nhân dân và tổ chức. Bên cạnh đó, quy định cần phải được thông tin nhiều lần/ ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng như radio, tivi, đài phát thanh và kể cả các bản tin của khu phố.
Hạ Vy
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)
VINPA làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ(10/12/2023)
Hiện thực hóa lộ trình xăng sinh học(01/10/2013)