Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nghiên cứu bài “Doanh nghiệp xăng dầu lãi lớn” của tác giả Hồng Quý đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 21/7/2015. Để có thêm thông tin nhiều chiều cho bạn đọc, chúng tôi xin được trao đổi nhằm làm rõ những nội dung mà báo Tuổi trẻ đã nêu.
Ảnh: Hữu Khoa - Báo Tuổi trẻ
Thứ nhất:nếu nói về lãi của mặt hàng này, theo cách tính của tác giả, chúng tôi thấy có một số điểm không thỏa đáng, không hiểu tác giả lấy nguồn số liệu ở đâu mà lại cho rằng:“...Giá cơ sở cũng giảm tương ứng, thời gian qua doanh nghiệp (DN) đầu mối lãi khoảng 1.065 đồng/lít, nếu tính cả lãi định mức 300 đồng/lít, DN đầu mối lãi đến 1.365 đồng/lít. Với mức giảm 260 đồng/lít từ chiều 20-7, DN xăng dầu về lý thuyết đang lãi 1.105 đồng/lít…”
Theo cách tính của VINPA, số liệu của tác giả cần phải được xem xét kỹ hơn vì tính đến ngày 20/7 giá xăng thành phẩm Platts Singapore bình quân 15 ngày từ 05/7-19/7 (74,06$/thùng) so với giá trung bình kỳ trước từ 19/6-03/7 (78,08$/thùng) chỉ giảm 4,02$/thùng chứ không phải 6,95$/thùng như tác giả đã nêu. Giá cơ sở của xăng ngày 19/7 (ngày cuối cùng của chu kỳ 15 ngày tính giá gần nhất) là 20.120đồng/lít, nếu so với giá bán lẻ 20.380đồng/lít, doanh nghiệp lãi 260đồng/lít, cộng thêm 527đồng/lít quỹ BOG và 300đồng/lít lợi nhuận định mức thì số lãi của chu kỳ này cũng chỉ lên tới 1.087đồng/lít chứ không phải 1.365đồng/lít mà tác giả đã nêu.
Mặt khác, nếu xét cả quá trình kinh doanh có lúc tăng lúc giảm, thì không thể lấy thời điểm lãi của chu kỳ này để suy ra lãi suất xăng dầu rất cao cho cả năm. Chẳng hạn, chu kỳ từ ngày 05/5 đến 20/5/2015 các doanh nghiệp đang lỗ gần 1.000đồng/lít xăng (sau khi đã được chi sử dụng quỹ BOG).
Như số liệu phân tích bên trên, sau khi trừ đi mức chi quỹ BOG 527đồng/lít, doanh nghiệp chỉ còn lãi 260đồng/lít. Số lãi này đã được giảm về mức 0đồng/lít sau khi Liên Bộ điều chỉnh giảm tương ứng 260đồng/lít vào ngày 20/7 vừa qua. Vậy tính riêng mặt hàng xăng, doanh nghiệp chỉ còn 300đồng/lít lợi nhuận định mức, tương ứng với 1,49% giá bán lẻ. Mức lợi nhuận này theo chúng tôi không hề cao. Như vậy lấy đâu ra “lãi suất tới 60% một năm” như theo tính toán của TS Nguyễn Hồng Nga?
Thứ hai:tác giả cho rằng “…do dừng xả quỹ bình ổn (trước điều chỉnh, quỹ bình ổn đang bù đắp cho xăng là 527 đồng/lít) nên giá xăng không giảm được như mức giảm tương ứng của giá thế giới…”
Theo Hiệp hội, quỹ BOG không phải tùy tiện sử dụng như tác giả viết mà phải theo quy định cụ thể tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83CP) và Điều 7-Cơ chế sử dụng quỹ BOG của Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC (Thông tư LT số 39). Mặt khác, chu kỳ tính giá đã được quy định tại Nghị định 83CP nên không thể tăng, giảm tùy ý được. Hiệp hội dẫn chứng điều hành giá của Liên Bộ để làm rõ thêm việc sử dụng quỹ BOG theo đúng các quy định tại Nghị định 83CP và Thông tư LT số 39.
Đợt điều hành giá ngày 24/2/2015 (mùng 6 Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015), Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước bằng biện pháp chi sử dụng quỹ BOG để hỗ trợ các mặt hàng xăng dầu với mức chi là 2.448đồng/lít xăng, 1.350đồng/lít dầu diesel, 1.693đồng/lít dầu hỏa, 2.015đồng/kg dầu mazut.
Đợt điều hành giá ngày 05/5/2015, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến (thời điểm ngày 04/5/2015, giá xăng RON92 đã tăng lên mức 80,89$/thùng) khiến cho giá cơ sở mặt hàng xăng RON92 kỳ tính giá ngày 05/5/2015 cao hơn so với giá bán 3.387đồng/lít. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vì vượt quá thẩm quyền của Liên Bộ, nhằm hỗ trợ giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đời sống của người dân, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định chi sử dụng quỹ BOG 1.437đồng/lít và tăng giá 1.950đồng/lít đối với xăng RON92.
Như vậy, việc sử dụng quỹ BOG của Liên Bộ là đúng với các quy định, không thể nói do dừng xả quỹ BOG nên giá xăng không giảm được như mức giảm tương ứng của giá thế giới.
Thứ ba: Bài báo có đoạn viết “Có thể nói kinh doanh xăng dầu đang hưởng mức siêu lợi nhuận. Có điều siêu lợi nhuận ấy có được từ đâu, nếu không phải là chuyển từ túi người tiêu dùng qua?”, ông Nga đặt vấn đề, đồng thời đề nghị Nhà nước nên tính toán để lợi nhuận trong kinh doanh xăng dầu chỉ nên ở khoảng 10-20%, thay vì để DN xăng dầu tự tính, tự kê.”
Hiệp hội cho rằng cách đặt vấn đề của ông Nga là không đúng. Thời gian qua, Liên Bộ Công Thương-Tài chính đã điều hành giá xăng dầu theo đúng tinh thần của Nghị định 83CP về kinh doanh xăng dầu và Thông tư LT số 39 quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng quỹ BOG và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định 83CP. Tư tưởng chủ đạo của Nghị định và Thông tư là đảm bảo hài hòa lợi ích 3 bên của Nhà nước-Người tiêu dùng-Doanh nghiệp. Về lợi nhuận trong kinh doanh xăng dầu, chúng tôi đã đề cập ở trên; còn việc điều hành giá xăng dầu hiện nay do Liên Bộ Công Thương-Tài chính quy định và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chấp hành quy định điều hành giá của Liên Bộ. Cho nên, không có chuyện “doanh nghiệp xăng dầu tự tính, tự kê” như TS Nguyễn Hồng Nga đã đề cập.
TIN KHÁC
Hà Nội lập vùng phát thải thấp ở 2 quận, cấm nhiều loại ô tô, xe máy lưu thông từ 2025(13/12/2024)
PLC xin điều chỉnh giảm lợi nhuận và cổ tức tối thiểu năm 2024(11/12/2024)
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề xuất 5 phương án xây dựng hệ thống cảng, kho, tuyến ống cấp xăng dầu cho Sân bay Long Thành(05/12/2024)
Tp. Hồ Chí Minh 'đốc' doanh nghiệp xăng dầu phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng(05/12/2024)
Công bố quyết định Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc PVOIL(03/12/2024)