LTS: Ngày 6-1-2020, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã trao quyết định và công bố các sáng kiến xếp loại đặc biệt và loại A cấp Tập đoàn. Những sáng kiến này làm lợi cho các đơn vị thuộc Tập đoàn gần 1.000 tỉ đồng. Trong đó, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có 5 sáng kiến đạt loại A, tiết kiệm cho BSR 401 tỉ đồng. Tạp chí Năng lượng Mới giới thiệu loạt bài về 5 sáng kiến này.
Tối ưu hóa công suất
Phân xưởng KTU tại Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất được thiết kế vận hành để xử lý dòng kerosene từ phân xưởng CDU thành sản phẩm JetA1 với công suất 10.000 BPSD (tương đương 66.37 Sm3/h).
Những sáng kiến làm lợi 400 tỉ đồng tại BSR (Bài 1)
Nhu cầu JetA1 của thị trường trong nước ngày càng cao, trong khi sản lượng sản xuất JetA1 bị hạn chế do công suất thiết kế của KTU. Ngoài ra, chênh lệch giá bán ra giữa JetA1 và DO/xăng khá lớn.
Nhóm tác giả của BSR đã đề xuất ý tưởng vận hành KTU cao hơn công suất thiết kế ban đầu. Nhóm tác giả đã nghiên cứu, đánh giá và thử nghiệm nhằm tối ưu, tối đa hóa điều kiện vận hành của phân xưởng KTU hiện tại và các cải hoán nhỏ để có thể sản xuất được tối đa lượng sản phẩm JetA1 cao hơn công suất thiết kế ban đầu, nhằm tháo gỡ nút thắt kỹ thuật về việc xử lý thành phần dầu nhẹ ở hiện tại và tương lai.
Kỹ sư Nguyễn Nhanh, Ban Nghiên cứu phát triển BSR - một thành viên của nhóm tác giả - cho biết, đây là đề tài có thời gian nghiên cứu, thực hiện tương đối dài. Bắt đầu từ năm 2016, nhóm tác giả đã nghiên cứu, tận dụng tính chất hỗn hợp dầu thô chế biến để đưa ra ý tưởng tăng tối đa phân đoạn kerosene, nhằm tăng tối đa công suất KTU. Nhóm tác giả đã xây dựng, mô phỏng tinh chỉnh trên phần mềm PetroSim để dự đoán sự thay đổi điều kiện vận hành, sự thay đổi về chất lượng dòng sản phẩm kerosene đã xử lý khi KTU vận hành ở công suất cao hơn thiết kế.
Sau đó, nhóm tác giả mạnh dạn đề xuất vận hành ở công suất vượt xa công xuất thiết kế (130%), được nhà cung cấp bản quyền Merichem đánh giá rất cao. Ngoài ra nhóm tác giả cũng mạnh dạn nghiên cứu và đề xuất tăng áp suất suction P-1406 từ 1.7bar lên 2.8-3.5bar giúp duy trì ổn định công suất KTU ở mức 130%. Giá trị áp suất này vẫn nằm trong ngưỡng vận hành an toàn của các bơm, của áp suất thiết kế các bình tách, thiết bị.
“Điều thú vị nhất của sáng kiến chính là chúng tôi tự thực hiện, không cần thuê chuyên gia tư vấn. Bằng vốn kiến thức của chính mình, chúng tôi tự tìm tòi tất cả các tài liệu để thuyết minh, minh chứng về khả năng vận hành phân xưởng KTU ở công suất cực cao mà không gây nguy hại gì đến phân xưởng KTU nói riêng và của nhà máy nói chung để thuyết phục lãnh đạo công ty chấp thuận chạy thử nghiệm và vận hành thành công như hiện tại”, kỹ sư Nhanh cho biết.
Theo đánh giá, sáng kiến này giúp BSR làm lợi 35 tỉ đồng ngay trong năm đầu tiên. Khi vận hành với công suất tối đa 130% công suất thiết kế, ước tính tổng lượng JetA1 có thể sản xuất thêm lên đến 1.097.069 thùng. Nhưng, ngoài những giá trị kinh tế mang lại, sáng kiến còn có những giá trị về bảo vệ môi trường và hiệu ứng xã hội.
Đa dạng hóa nguyên liệu đầu vào
NMLD Dung Quất được thiết kế để chế biến những loại dầu ngọt nhẹ giống như dầu Bạch Hổ và các mỏ khác trong nước như Rồng, Chim Sáo, Đại Hùng... Theo thời gian, trữ lượng dầu Bạch Hổ đang dần cạn kiệt và đang ở giai đoạn cuối của quá trình khai thác. Sản lượng dầu Bạch Hổ khai thác đã giảm từ 13,5 triệu tấn năm 2002 xuống chỉ còn khoảng 4,1 triệu tấn năm 2018. Do đó, để NMLD Dung Quất duy trì vận hành ở dải công suất cao từ 105-110%, BSR đã mạnh dạn nghiên cứu, tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn và chế biến các dầu ngoại nhập nhằm “tiết giảm” việc khai khác nguồn dầu thô Bạch Hổ và các loại dầu nội khác... Tuy nhiên, đặc điểm hóa học của các loại dầu ngoại gây quá tải khu vực đỉnh tháp chưng cất dầu thô của CDU, gây nhiều khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng phân đoạn kerosene, là tiền chất của nhiên liệu phản lực JetA1.
Anh Nguyễn Sơn Lâm, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển của BSR, cho biết, việc nghiên cứu nâng công suất và vận hành thành công phân xưởng KTU lên 130% công suất thiết kế đã giải quyết được giới hạn kỹ thuật tại khu vực đỉnh tháp chưng cất dầu thô, giúp cho nhà máy chế biến thành công các loại dầu thô ngoại nhập có sản lượng cung ứng lớn, ổn định, có khả năng phối trộn cao với dầu Bạch Hổ.
Từ ngày 10 đến 13-2-2020, tại NMLD Dung Quất, phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU) đã chế biến hỗn hợp dầu thô nhập khẩu bao gồm 12% dầu WTI (Mỹ) + 40% dầu Azeri Light (Azerbaijan) + 1% dầu Champion (Brunei) ở công suất nhà máy 109%. Riêng dầu Azeri Light, trước đây NMLD Dung Quất đã chế biến với khối lượng lên tới 60% tại công suất nhà máy 105%.
Theo kế hoạch, kể từ năm 2020 cho đến năm 2024, nhà máy sẽ tăng dần tỷ trọng dầu thô nhập khẩu để thay thế dầu thô trong nước. Đến nay, BSR đã xác định được 67 loại dầu thô tiềm năng có thể phối trộn với dầu thô Bạch Hổ, trong đó có 9 loại dầu Việt Nam và 58 loại dầu nhập khẩu. Trên thực tế, nhà máy đã chế biến được 19 loại dầu thô khác nhau ngoài dầu Bạch Hổ, góp phần bảo đảm nguồn nguyên liệu dầu thô cho NMLD Dung Quất đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Việc này có ý nghĩa quan trọng trong việc đa dạng hóa nguồn dầu thô cho NMLD Dung Quất, đáp ứng chiến lược chế biến dầu thô ngoại nhập trên 50% thể tích kể từ năm 2020 của BSR”, anh Nguyễn Sơn Lâm khẳng định.
Xem tiếp kỳ sau
TIN KHÁC
Biến 20.000 tấn rác thải nhựa thành dầu thô(09/08/2024)
Dung Quất - nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam(17/07/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)