Trước những kiến nghị xem xét việc truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính vừa có văn bản khẳng định quyết định truy thu thuế là đúng quy định.
Hầu hết các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đều không đồng tình với quyết định truy thu thuế tạm nhập tái xuất xăng dầu của Bộ Tài chính.
Câu chuyện này bắt đầu tư khi Kiểm toán Nhà nước có kiến nghị Bộ Tài chính truy thu 470 tỉ đồng tiền thuế với xăng dầu tạm nhập tái xuất của một số doanh nghiệp đầu mối như Công ty TNHH MTV xăng dầu Quân đội (Mipec) bị truy thu gần 20 tỉ đồng, Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil) 66 tỉ đồng, Công ty lọc hóa dầu Nam Việt 26 tỉ đồng, nhiều nhất là Petrolimex 170 tỉ đồng... Số tiền này theo Kiểm toán Nhà nước là do Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 194 năm quy định thời điểm tính thuế phải nộp với hàng tạm nhập không tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa không đúng với Nghị định 154 của Chính phủ, làm giảm thu ngân sách gần 470 tỉ đồng.
Từ thực tế trên, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng mình không sai khi đã tuân thủ đầy đủ quy định của Thông tư 194 và cho rằng việc truy thu thuế này là không đúng nguyên tắc.
Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng văn bản số 17060/BTC-VP của Bộ Tài chính hướng dẫn các cục, chi cục Hải quan thực hiện Nghị đinh 154/2005/NĐ-CP không thể thay thế được các thông tư do Bộ Tài chính ban hành và đã được các cục hải quan tổ chức thực hiện trước đó về vấn đề này. Vì vậy, không thể căn cứ vào đó để truy thu đối với DN khi đã thực hiện nghiêm chỉnh thông tư 194. Đại diện của Petrolimex khi đưa quan điểm về vấn này với báo chí cũng khẳng định việc làm này là không đúng nguyên tắc, cũng như các quy định của pháp luật.
Được biết, nếu quyết định này của Bộ Tài chính được thực hiện, Petrolimex sẽ chịu thiết hại thêm 170 tỉ đồng. Như vậy, tính chung cả năm 2012, Petrolimex có thể lỗ tới 295 tỉ đồng.
Mới đây, Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Nam Việt cũng có văn bản gửi Tổng cục Hải quan và các cơ quan chức năng đề nghị xem xét thu hồi lại quyết định ấn định thuế đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa của Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Nam Việt. Tuy nhiên, Bộ Tài chính một lần nữa khẳng định việc truy thu thuế này là đúng quy định.
Trước đó, lý giải việc này, Bộ Tài chính cho biết: Việc truy thu thuế đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết mà chuyển tiêu thụ nội địa của năm 2012 được cơ quan Hải quan thực hiện đúng quy định của pháp luật có liên quan và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. Và căn cứ để Bộ Tài chính tính truy thu là số liệu khai báo của doanh nghiệp tại Hải quan theo diện tạm nhập tái xuất từ đầu năm 2012, nhưng đến cuối năm khi rà soát lại thì còn một khối lượng lớn đã không được tái xuất mà doanh nghiệp đã chuyển đổi mục đích sử dụng để tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Cách làm này của Bộ Tài chính đang vấp phải sự không đồng tình của đại bộ phận doanh nghiệp nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn nghiêm túc thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Nam Việt là chưa nộp số tiền mà Bộ Tài chính đưa ra. Tuy nhiên, theo đại diện của Petrolimex, mặc dù Tập đoàn này đã nộp số tiền truy thu mà Bộ Tài chính đưa ra nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục kiến nghị để làm rõ trong thời gian tới.
Quan điểm của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam:
Xin đính chính là sự việc bắt đầu không phải từ khi “Kiểm toán Nhà nước có kiến nghị Bộ Tài chính truy thu 470 tỉ đồng tiền thuế với xăng dầu tạm nhập tái xuất” mà bắt đầu sau khi Bộ Tài chính có Công văn số 17060/BTC-VP gửi Tổng cục Hải quan và các Cục Hải quan trên địa bàn cả nước về việc thay đổi tờ khai hải quan đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa..
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)