Kho xăng dầu. Ảnh: Internet |
Sau khi Bộ Tài chính nêu lên những bất cập trong hoạt động tạm nhập- tái xuất, ngày 5/9/2012, Tổng cục Hải quan tiếp tục cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến tạm nhập tái xuất xăng của 13 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đến một số báo.
Tạm nhập nhiều tái xuất ít: khó kiểm soát
Tại buổi họp báo, Tổng cục Hải quan đã công bố những số liệu tạm nhập-tái xuất của 13 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu. Theo đó, từ 1/1/2009 đến 31/6/2012, chỉ riêng Petrolimex là có lượng tạm nhập- tái xuất còn lại dưới 10% đúng theo quy định của pháp luật về hoạt động này, còn hầu hết các DN đều có lượng tái xuất xăng dầu ít hơn lượng tạm nhập: Riêng đối với mặt hàng xăng tạm nhập mà chưa tái xuất của Petrolimex là hơn 136 nghìn tấn; Công ty cổ phần dầu khí Mê Kông là 48,5 nghìn tấn, lượng dầu diesel đơn vị này tạm nhập nhưng chưa tái xuất cũng ở mức hơn 110 nghìn tấn; Công ty TNHH một thành viên Hàng không Việt Nam: 10,9 nghìn tấn, xăng máy bay là 164,8 nghìn tấn.Các DN đầu mối khác như Công ty cổ phần hóa dầu Quân đội, Tổng công ty xăng dầu Quân đội, Tổng công ty dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty cổ phần lọc hóa dầu Nam Việt... cũng có trong danh sách những đơn vị tạm nhập nhiều tái xuất ít. Đặc biệt, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà tạm nhập 13 ngàn tấn xăng nhưng không xuất đi tấn nào.
Cùng với đó Tổng cục Hải quan cũng cung cấp số liệu nợ thuế của các DN đầu mối. Theo đó, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có số nợ thuế tạm nhập- tái xuất lớn nhất, hơn 82 tỷ đồng; Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Hàng không Việt Nam 42,6 tỷ đồng; Tổng công ty Xăng dầu Quân đội gần 51 tỷ đồng; Tổng công ty Dầu Việt Nam nợ 15,66 tỷ đồng...
Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2006 đến tháng 10/2011 đã xảy ra nhiều vụ việc, như Cục Hải quan Quảng Ninh phát hiện 13 vụ vận chuyển dầu diezel tạm nhập- tái xuất không đúng tuyến đường với số lượng 660,76 tấn. Đặc biệt, ngày 28/7/2012, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đã bắt giữ 1.360 tấn xăng tạm nhập từ kho xăng Vũng Áng, tái xuất đi Trung Quốc nhưng lại tiêu thụ ngay trên biển; lô hàng vi phạm trị giá 40 tỷ đồng, đã tạm giữ 4 tàu và 27 thuyền viên.
Từ những con số tạm nhập- tái xuất và những vụ việc vi phạm cụ thể, Tổng cục Hải quan quy kết loại hình kinh doanh này đang có vấn đề, khó kiểm soát, làm thất thu ngân sách, tạo kẽ hở cho buôn lậu, lợi ít, hại nhiều nên kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ loại bỏ hoạt động tạm nhập- tái xuất qua đường biển đối với xăng dầu.
Nghi ngờ doanh nghiệp gian lận
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Cẩn- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan- cho biết, theo Nghị định 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 04/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), Thông tư 165/2010/TT-BTC và Thông tư 126/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính, hàng hóa tạm nhập- tái xuất được lưu ở Việt Nam 120 ngày và được 2 lần gia hạn, mỗi lần là 30 ngày, thêm 15 ngày tờ khai còn giá trị hiệu lực, như vậy hàng hóa tạm nhập được lưu tổng cộng là 195 ngày. Tuy nhiên, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng đặc thù, như đối với xăng có nhiều chủng loại: A92, A95, dầu DO... khác với kiểm soát hàng khô tạm nhập lô hàng nào thì tái xuất đúng lô đó. Khi xăng dầu tạm nhập vào Việt Nam lưu ở các DN thì hầu hết 13 DN đầu mối đều đổ chung xăng tạm nhập- tái xuất và xăng kinh doanh vào một bể, điều đó rất khó cho công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan. “Ranh giới để có đủ chứng cứ và tài liệu chứng minh là DN buôn lậu rất khó”- ông Cẩn nói.
Ông Cẩn cho rằng, vì không phân biệt được xăng dầu tạm nhập- tái xuất và xăng dầu nhập về nội địa vì để cùng một bể nên mới có chuyện DN xăng dầu nhập về không tái xuất chuyển sang tiêu thụ nội địa để trốn thuế. “Ví dụ như thời điểm này nếu một DN tạm nhập xăng dầu thì thuế suất là 12%, nhưng do chưa thanh khoản các lô hàng trước ở thời điểm thuế suất bằng 0% hoặc 5% nên khi DN chuyển lượng xăng dầu chưa tái xuất sang tiêu thụ nội địa sẽ được hưởng lợi từ chênh lệch thuế suất giữa 12% (lô hàng thực nhập) và thuế suất 0% hoặc 5%, tức là trốn thuế 12% hoặc 7%. Mà lẽ ra nếu đúng là tạm nhập thì lô hàng nào phải tái xuất đúng lô hàng ấy. Vì thế, chúng tôi đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Bộ Công Thương là nếu cho tạm nhập- tái xuất xăng dầu thì phải còn nguyên tàu, nguyên chủng loại, phải được kẹp chì, được giám sát về kỹ thuật thì mới cho xuất”- ông Cẩn nói.
Ông Cẩn cũng cho rằng, DN còn có thể được hưởng lợi do chính sách thời gian lưu hàng tạm nhập ở Việt Nam quá dài. “Lẽ ra 30 ngày thì DN phải nộp thuế ngay nhưng do được phép lưu hàng tạm nhập 195 ngày, trong thời gian này DN có thể bán hàng đi và lấy tiền nộp thuế, mà trong thời điểm đó lãi suất ngân hàng cao so với tiền phạt chậm thuế. Vì thế, DN tính toán tiền lãi ngân hàng còn có lợi hơn tiền phạt chậm nộp. Có khả năng DN chiếm dụng vốn tiền thuế của Nhà nước”- ông Cẩn quy kết.
Lỗ hổng chính sách
Theo Tổng cục Hải quan, việc kinh doanh tạm nhập- tái xuất như hiện nay không đúng bản chất tạm nhập- tái xuất (hàng hóa phải giữ nguyên trạng) là do doanh nghiệp được chia nhỏ lô hàng để vận chuyển khi tái xuất hoặc được để lại tiêu thụ nội địa (điểm 5, mục V Thông tư 04/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại; điểm 4, Điều 2 thông tư 126/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính) làm cho công tác giám sát, quản lý của cơ quan hải quan gặp nhiều khó khăn.
Hơn nữa, thời gian hàng tạm nhập- tái xuất được phép lưu tại Việt Nam quá dài (tối đa lên tới 180 ngày). Đối với hàng tạm nhập- tái xuất thông thường DN có thể mang hàng về bảo quản trong thời gian lưu giữ tại Việt Nam cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cơ quan Hải quan trong việc giám sát, quản lý tính nguyên trạng của hàng hóa, đặc biệt là khâu thanh khoản, theo dõi nợ thuế.
Tổng cục Hải quan nhận xét, cơ chế, chính sách quản lý và thủ tục hải quan, chính sách thuế đối với hàng tạm nhập- tái xuất quá thông thoáng nên cũng rất khó quản lý.
Ông Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh: “Từ những sai phạm xảy ra trong hoạt động tạm nhập- tái xuất, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng xăng dầu tạm nhập- tái xuất đối với đường biển. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo và Tổng cục Hải quan yêu cầu các chi cục kiên quyết làm đúng quy định pháp luật. Chúng tôi chấp nhận hàng quá thời hạn sẽ không cho tái xuất. Những tờ khai đã hết hiệu lực không có giá trị thì số hàng ấy coi là không có chứng từ. Nếu hàng đáng phải nộp thuế thì chúng tôi yêu cầu nộp thuế, hàng cấm thì sẽ đưa về xử lý vi phạm, hàng phải tịch thu sẽ bị tịch thu. Chúng tôi đã kiến nghị với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính sửa đổi những sơ hở bất cập trong chính sách. Trong đó đề nghị Bộ Công Thương tuyệt đối không cho tạm nhập- tái xuất đối với hàng cấm”.
Tái diễn chuyện khó quản là cấm?
Giải thích nguyên nhân vì sao có chuyện xăng dầu tạm nhập nhiều, tái xuất ít, ông Trần Ngọc Năm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)- cho biết: Đặc thù của mặt hàng xăng dầu là lỏng, dễ bay hơi, hao hụt nhiều, hơn nữa, theo quy định của Bộ Tài chính khi xăng dầu tạm nhập thì tính theo dung tích (m3), nhưng khi xuất lại quy đổi ra khối lượng (tấn), vì thế mà Bộ Tài chính cho phép DN được chuyển từ hàng tạm nhập sang hàng tiêu thụ nội địa tối đa là 10% đối với mỗi lô hàng, nếu để lại nội địa quá 10% thì bị phạt. Vì thế lượng tái xuất thường ít hơn 10% so với tạm nhập là đúng quy định.
“Nếu tôi tạm nhập 10 thì có quyền nhập lại nội địa 1, đây là quy định của Bộ Tài chính vì đối với mặt hàng lỏng, 10% lô hàng DN chuyển sang tiêu thụ nội địa theo nguyên tắc phải nộp đầy đủ thuế nhập khẩu tại thời điểm mở tờ khai hải quan. Nhưng nếu DN tái xuất không tốt, ví dụ tạm nhập 10 mà chỉ tái xuất được 8, còn lại 2 thì DN phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định đối với hàng nhập khẩu kinh doanh. Tuy nhiên, đối với lượng chuyển sang nội địa vượt quy định 10% (ở đây là 1) thì ngoài thuế nhập khẩu DN còn phải chịu phạt thuế tính theo ngày, chứ không phải để lại tiêu thụ nội địa là thuế bằng 0%, là hình thức buôn lậu trốn thuế như nhiều người lầm tưởng. Vì thế, thông thường các DN phải tính toán, để lại lượng tạm nhập không quá 10% để không phải chịu phạt, không ai dại gì chịu phạt cả”- ông Năm giải thích.
Ông Năm cho biết, đối với Petrolimex, những năm trước, số lượng tạm nhập chuyển sang tiêu thụ nội địa đều đúng quy định là dưới 10%. Tuy nhiên năm nay, lượng nhập lại hàng tái xuất của Petrolimex có tăng lên, khoảng 24%. Nguyên nhân do tập đoàn không để kéo dài thời gian theo dõi hàng tạm nhập- tái xuất như trước. Hiện nay, tập đoàn thực hiện với mỗi lô hàng tạm nhập- tái xuất là cứ mở tờ khai trong phạm vi 30 ngày. “Ví dụ, tôi tạm nhập 10 mà trong vòng 30 ngày tái xuất được 8 thì tôi nhập lại nội địa 2 luôn, thuế bao nhiêu chịu luôn, bởi vì thời gian tái xuất cho 1 lô là 180 ngày là quá dài, phải theo dõi dai dẳng, rất mệt và phức tạp”.
Bình luận về nghi vấn của Tổng cục Hải quan cho rằng, DN đầu mối chuyển lượng xăng dầu sang tạm nhập- tái xuất để trốn thuế, ông Trần Ngọc Năm khẳng định: DN không được lợi gì trong việc chuyển hàng tạm nhập sang tiêu thụ nội địa: Nhà nước điều hành giá xăng dầu bằng công cụ thuế, khi giá thế giới cao hay thấp đều dùng thuế can thiệp. Chẳng hạn, lúc DN nhập xăng dầu theo hình thức tạm nhập- tái xuất ở mức 18.000 đồng/lít, Liên Bộ cho rằng giá cao quá phải điều chỉnh thuế xuống thuế nhập khẩu bằng 0%, Nhưng thời gian sau, giá thế giới giảm xuống, DN nhập 16.000 đồng/lít, “ông” bảo giá nhập thấp rồi đưa thuế vào, mà mức thuế đó cũng tương đương 2.000 đồng/lít. Như vậy, tại hai thời điểm tính cả giá nhập và thuế đều tương đương 18.000 đồng/lít, đầu vào xêm xêm nhau, như vậy hỏi DN lợi vào đâu? Nói như Tổng cục Hải quan thì DN kinh doanh mà chỉ biết ngồi “phục” chờ thuế tăng hay sao? Hơn nữa, công cụ thuế là của Nhà nước, DN không thể dự liệu trước thuế tăng hay giảm được. Nếu vậy, lúc thuế giảm thì sao?
Khi được hỏi về việc Tổng cục Hải quan công bố số nợ thuế hàng tạm nhập- tái xuất, một giám đốc DN đầu mối kinh doanh xăng dầu phản ứng: “Khi ông công bố số nợ thuế thì phải chỉ rõ nợ đó là ở đâu, là nợ trong thời hạn quy định hay quá thời hạn quy định mà chây ì không nộp, ở tờ khai nào thì DN mới tâm phục. Nếu thống kê số nợ khi mới lập tờ khai xong mà tính nợ ngay thì chẳng có DN nào không nợ theo cách tính ấy.Mà trước khi công bố nợ phải có kiểm tra, kiểm toán. Không thể lấy tư cách cơ quan nhà nước mà công bố thông tin một chiều trong khi doanh nghiệp không hề biết số liệu ấy lấy từ đâu vì cơ quan thuế chưa thông báo cho DN mà đã công bố thông tin. Cơ quan quản lý nhà nước mà còn công bố thông tin kiểu này thì trách gì người dân cũng không tin. Tôi phải khẳng định, không ai dại gì đi nợ thuế cả, đã nói đến ngân sách nhà nước thì không ai dại gì đụng chạm vào mà làm sai”.
Đề cập đến đề nghị cấm tạm nhập- tái xuất xăng dầu qua đường biển, một tổng giám đốc công ty đầu mối cho rằng: “Nếu chính sách có kẽ hở thì phải sửa, phải hoàn thiện, quản lý chưa tốt thì phải làm cho tốt. Nhưng ở ta thường có câu chuyện khi quản lý, kiểm soát chưa được thì lại cấm. Tư duy như thế không phải kinh doanh! Chúng ta thường lấy một vài hiện tượng xấu để phủ nhận cái tốt mà cả một quá trình các DN đã làm được. Lẽ ra, chúng ta phải xử lý số ít xấu đó và khuyến khích hiệu quả đã làm được, mang lại lợi nhuận cho DN cũng là làm lợi cho đất nước, chứ không phải lúc nào cũng nghi ngờ DN làm sai, gian lận. Nếu cấm tạm nhập- tái xuất bằng đường biển là rất nguy hiểm”.
“Chúng ta đang tận dụng lợi thế chiều dài đường biển, có chính sách thu hút tàu nước ngoài cập cảng, muốn thế phải phát triển dịch vụ, trong đó có việc bán xăng dầu (theo hình thức tạm nhập tái xuất). Nếu bây giờ không cho bán xăng dầu cho tàu nước ngoài nữa thì họ phải mua ở nước khác, như vậy không thuận lợi thì chắc chắn tàu nước ngoài sẽ hạn chế vào”- vị tổng giám đốc cho biết quan điểm.
Trước những lý lẽ của cơ quan quản lý nhà nước và thông tin từ các doanh nghiệp, cho thấy, việc cấm tạm nhập- tái xuất xăng dầu qua đường biển phải cần cân nhắc kỹ giữa lợi và hại, cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách và tăng cường quản lý, không để tái diễn câu chuyện "không quản được thì cấm".
Quan điểm của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam:
Do còn bị ảnh hưởng nặng nề của phương thức quản lý “xin cho” còn rơi rớt lại từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung nên các cơ quan quản lý chức năng cái gì cũng muốn quản, nếu không quản được thì cấm, gây ra không biết bao nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Để có thể trị được căn bệnh trầm kha này, các nhà lập pháp nên cụ thể hóa nội dung hai vế của phương thức quản lý mới “cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)