Những số liệu ban đầu theo công bố chiều nay (5.9) của Tổng cục Hải quan đang hé mở dần nguyên nhân vì sao lượng xăng dầu tạm nhập tái xuất chuyển sang tiêu thụ nội địa tăng lên đột biến gần đây.
Tạm nhập xăng dầu tăng đột biến
Nếu năm 2009, Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) chỉ tạm nhập 240.000 tấn xăng, năm 2010 tạm nhập 245.400 tấn xăng, năm 2011 là 242.900 tấn, thì chỉ riêng 6 tháng đầu năm đã tạm nhập tới 170.800 tấn xăng (bằng 70% lượng tạm nhập năm 2011). Tương tự, Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) năm 2009 chỉ tạm nhập 47.000 tấn, năm 2010 là 4.000 tấn, năm 2011 là 15.400 tấn thì chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2012 đã tạm nhập tới 10.500 tấn (bằng 68% lượng tạm nhập năm 2011). Câu chuyện tương tự cũng diễn ra ở các đầu mối còn lại.
Đáng chú ý, chênh lệch giữa con số tạm nhập và tái xuất, hay nói cách khác tạm nhập mà không tái xuất của các đầu mối khá lớn. Cụ thể, với Petrolimex, năm 2010, tập đoàn này đã không tái xuất 31.200 tấn xăng, năm 2011 không tái xuất 23.300 tấn xăng, và chỉ 6 tháng đầu năm 2012 lượng xăng tạm nhập mà không tái xuất đã lên tới 65.600 tấn xăng.
Trước đó, Hải quan TP.HCM đã phát hiện lượng xăng dầu chuyển từ tạm nhập thành kinh doanh nội địa trong năm 2012 tăng mạnh, đặc biệt trong 8 tháng đầu năm khi thuế nhập khẩu biến động liên tục (từ 0% - 12%). Nhiều đầu mối đã chuyển tới 60 - 80% lô hàng từ tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa để hưởng phần chênh lệch thuế (do thuế với lô hàng tạm nhập tái xuất được áp dụng tại thời điểm mở tờ khai hải quan). Đây là lý do hải quan đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tạm ngưng việc tạm nhập tái xuất xăng dầu bằng đường biển.
Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex tỏ ra rất ngạc nhiên và đề nghị: “Bộ Tài chính phải có con số giá mua bao nhiêu, thuế suất bao nhiêu, nhập lại giá cao bao nhiêu mới ra con số là DN có lãi từ việc này hay không”. Mặt khác, lãnh đạo Petrolimex cũng lý giải, với mặt hàng chất lỏng như xăng dầu, không thể có chuyện nhập về bao nhiêu xuất hết bấy nhiêu, vì đơn vị tính của hải quan là tấn, phải quy đổi ra từ dung tích, nên có sai số (được quy định theo Thông tư 165 của Bộ Công thương). Cũng theo ông Năm, khi xây dựng Nghị định 84 về quản lý xăng dầu, Petrolimex từng 2 lần đề nghị nộp thuế tạm nhập tái xuất như hàng nhập khẩu kinh doanh nội địa, sau đó thực tái xuất bao nhiêu sẽ làm thủ tục hoàn. Nhưng đề xuất này không được áp dụng vì nhiều lý do.
Người dân gánh chịu hết mọi biến động của thị trường xăng dầu trong khi các DN xăng dầu có đủ cách để hưởng lợi - Ảnh: D.Đ.M
Nhiều kẽ hở để hưởng lợi
Ông Năm cho biết, theo quy định nếu DN tái xuất không hết sẽ phải nhập lại, cụ thể nếu sản lượng không tái xuất trong 10% sẽ nhập lại và nộp thuế nhập khẩu bình thường, vượt quá 10% ngoài nộp thuế nhập khẩu còn phải chịu phạt, nên các đầu mối không có lợi gì từ việc chuyển tạm nhập tái xuất sang kinh doanh nội địa.
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan VN lại cho biết một “chiêu” lách luật để hưởng lợi của DN. Do thuế suất thay đổi liên tục, nên ví dụ một DN tạm nhập vào thời điểm thuế nhập khẩu là 12% (DN này chưa thanh khoản lô xăng nhập trước đó vào thời điểm thuế 0% hoặc 5%), sau đó DN lấy lô xăng này tiêu thụ nội địa, báo với hải quan là tiêu thụ nội địa thời điểm thuế suất 0%, 5% để hưởng chênh lệch thuế.
Về thời hạn nộp thuế, theo quy định tạm nhập tái xuất, DN có 195 ngày tính cả thời gian gia hạn. “DN có thể kinh doanh nội địa với lô hàng tạm nhập, bán đi lấy tiền nộp thuế hoặc tiền phạt chậm nộp. Trước hết, DN có thể đã chiếm dụng được tiền thuế của nhà nước”, ông Cẩn phân tích. Cụ thể hơn, chính sách thuế với hàng tạm nhập tái xuất khá thông thoáng, thời hạn nộp thuế là 15 ngày kể từ ngày hết hạn tạm nhập (tổng thời gian ân hạn thuế là 195 ngày), hàng tạm nhập không thuộc đối tượng chịu thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, nên có DN lợi dụng khai loại hình tạm nhập tái xuất, nhưng thực chất là tiêu thụ nội địa. Sau đó khai bổ sung chuyển loại hình nhập khẩu để kéo dài thời gian phải nộp thuế (bán hàng xong mới có tiền nộp thuế). Vào những thời điểm lãi suất ngân hàng cao, đây là khoản chiếm dụng lớn rất đáng kể, DN vẫn có lợi dù phải nộp tiền phạt.
Theo một số liệu khác được Tổng cục Hải quan công bố, chỉ riêng Petrolimex đã nợ 82,6 tỉ đồng tiền thuế tạm nhập tái xuất xăng dầu, TCT dầu VN nợ 15,6 tỉ đồng, Công ty TNHH MTV xăng dầu hàng không VN nợ 42,6 tỉ đồng, TCT xăng dầu Quân đội nợ 50,9 tỉ đồng thuế.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng tỏ ra băn khoăn về hạn ngạch nhập khẩu đã không được Bộ Công thương quy định chặt chẽ, khi chỉ khống chế hạn ngạch tối thiểu, mà không tính tới lượng tạm nhập chuyển sang tiêu thụ nội địa. “Bộ Tài chính đã 2 lần kiến nghị với Chính phủ và đề nghị Bộ Công thương sửa chữa những sơ hở, bất cập dẫn đến không quản lý được với tạm nhập tái xuất xăng dầu. Những vụ bắt giữ được đã chứng minh các thủ đoạn gian lận trong tạm nhập tái xuất xăng dầu hiện nay. Đáng lẽ DN nhập loại nào phải tái xuất đúng loại đó. Hải quan đã kiến nghị với Chính phủ và Bộ Công thương nếu cho tạm nhập tái xuất còn phải nguyên kẹp chì, giám sát và kỹ thuật mới cho đi”, ông Cẩn cho biết.
Trong báo cáo kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kiến nghị rút ngắn thời gian hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được phép lưu giữ tại VN không quá 30 ngày, để tránh những sơ hở dẫn tới DN chuyển sang tiêu thụ nội địa. Đồng thời đề xuất Bộ Công thương có quy định chặt chẽ yêu cầu DN phải thông báo kế hoạch giao hàng, nhận hàng và thông tin liên quan đến cơ quan chức năng trước khi hàng về VN.
Quan điểm của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam :
Thực tế cho thấy, qui chế ưu đãi trong việc nộp và xác định mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất là khe hở mà nhiều công ty xăng dầu đã sử dụng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Chính vì thế, ngày 09 tháng 10 năm 2013, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 139/2013/TT-BTC qui định thủ tục hải quan đối với xăng dầu nhập xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu … . Mặc dù là quá muộn nhưng thà muộn còn hơn không văn bản này đã khắc phục khe hở nói trên.
Để qui trách nhiệm, chúng ta cần thống nhất rằng việc vận dụng điều luật chưa chặt chẽ này của các doanh nghiệp nói trên không thể ghép cho cái tội danh “lách luật” mà các cơ quan chuyên chính của chúng ta thường sử dụng trong những năm gần đây. Trong bộ luật hình sự của Việt nam và các nước trên thế giới không có hành vi cấu thành tội phạm nào mang tên “lách luật”. Trường đại học Harvard tiếng trên thế giới còn có khoa dạy cách hạch toán có lợi nhất cho doanh nghiệp trên cơ sở luật định hiện hành mà thực chất là dạy cách “trốn thuế” cho doanh nghiệp. Về mặt nguyên tắc, những nhà làm luật phải lường hết các tình huống có thể xẩy ra trong quá trình thực thi luật. Việc thường xuyên kiểm tra việc thực hiện luật pháp là công việc rất quan trọng không thể thiếu đối với các nhà lập pháp để đưa ra các điều chỉnh kịp thời. Còn việc không đưa ra các điều chỉnh kịp thời là trách nhiệm của các nhà lập pháp và cơ quan hành pháp.
Mục tiêu tối thượng của một doanh nghiệp trong nền sản xuất hàng hóa là lợi nhuận trên cơ sở tuân thủ đúng luật định hiện hành. Nếu doanh nghiệp không biết tận dụng những “ưu đãi” mà luật định cho phép thì đó là lỗi của chủ doanh nghiệp, còn trong trường hợp ngược lại thì không thể qui cho doanh nghiệp đó tội danh “lách luật” được (xin tham khảo bài viết “Lách luật hay không lách luật” được đăng trên Trang thông tin điện tử của Hiệp hội).
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)