Trước hết, tôi hoan nghênh Hiệp hội Xăng dầu Việt nam đã mở mục Diễn đàn “Tạm nhập tái xuất” trên trang thông tin điện tử VINPA để tiếp nhận những ý kiến khác nhau về cùng một vấn đề đang được xã hội quan tâm. Bằng những hiểu biết của mình, tôi cho rằng những luận cứ được đưa ra trong bài: “Cái gọi là căn cứ pháp lý” rất có tính thuyết phục trong việc chứng minh việc truy thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết chuyển sang tiêu thụ nội địa là trái với luật định hiện hành.
Nhân bài viết này cũng cho phép tôi thể hiện lòng khâm phục trước “ khí phách và sự dũng cảm” của Cục Kiểm tra Văn bản Qui phạm Pháp luật – Bộ Tư pháp - trong việc cương quyết đề nghị Bộ Tài chính thu hồi Công văn số 17060 trước đây, đề nghị Bộ Công An hủy văn bản 1042 cấm chụp hình cảnh sát giao thông và văn bản đề nghị Bộ xây dựng kiểm tra và xử lý văn bản qui định về cách tính diện tích căn hộ chung cư mới đây … . Giá như các cơ quan công quyền của Việt nam đều công tâm và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao như vậy thì đất nước này không đến nỗi tụt hậu quá xa so với các nước trong khu vực.
Trở về câu chuyện tạm nhập tái xuất, tôi có số một câu hỏi kính nhờ Hiệp hội giải thích:
1- Trong thời gian qua, với danh nghĩa xăng dầu tạm nhập tái xuất, không ít các công ty nhập khẩu xăng dầu đã vận dụng qui chế ưu đãi sau 180 ngày mới phải nộp thuế nhập khẩu với mức thuế suất tính tại thời điểm nhập khẩu để thu lợi. Ai cũng biết điều đó nhưng tại sao các cơ quan chức năng lại không có sự điều chỉnh kịp thời sự bất hợp lý này để tránh thất thu ngân sách?.
2- Căn cứ luật định hiện hành có thể qui cho những công ty nhập khẩu xăng dầu tội danh “lách luật” làm thất thu ngân sách nhà nước hay không?
3- Có kiến cho rằng việc cố tình không điều chỉnh luật là phục vụ lợi ích nhóm. Vậy theo ý kiến Hiệp hội có lợi ích nhóm trong trường hợp cụ thể này hay không?.
4- Theo tôi được biết, Hiệp hội đã có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ, gửi công văn trực tiếp cho Thủ tướng chính phủ về câu chuyện tạm nhập tái suất nhưng “quả bóng” cuối cùng lại được đá về cho Bộ Tài chính. Vậy bước tiếp theo của Hiệp hội là gì để thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên theo đúng Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Hiệp hội Xăng dầu Việt nam đã được Bộ nội vụ phê duyệt?
Mong sớm nhận được câu trả lời từ Hiệp hội.
P/S.Vì lý do tế nhị, tôi không thể cung cấp tên của mình, mong Hiệp hội thông cảm
Quan điểm của Hiệp hội:
Trước hết cho phép tôi xin cảm ơn tác giả của bài viết “lách luật hay không lách luật” đã tham gia diễn đàn “Tạm nhập tái xuất” và sau đây là quan điểm của Hiệp hội về những vấn đề có liên quan:
Thứ nhất, thực tế cho thấy, qui chế ưu đãi trong việc nộp và xác định mức thuế suất ít nhiều cũng tạo khe hở mà nhiều công ty xăng dầu đã sử dụng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Chính vì thế, ngày 09 tháng 10 năm 2013, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 139/2013/TT-BTC qui định thủ tục hải quan đối với xăng dầu nhập xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu … . Mặc dù là quá muộn nhưng thà muộn còn hơn không và văn bản này đã khắc phục khe hở nói trên.
Thứ hai, để qui trách nhiệm, chúng ta cần thống nhất ở chỗ việc vận dụng điều luật này của các doanh nghiệp đầu mối không thể ghép cho cái tội danh “lách luật” mà các cơ quan chuyên chính của chúng ta thường sử dụng trong những năm gần đây. Trong bộ luật hình sự của Việt nam và các nước trên thế giới không có hành vi cấu thành tội phạm nào mang tên “lách luật”. Trường đại học Harvard nổi tiếng trên thế giới còn có khoa dạy cách hạch toán có lợi nhất cho doanh nghiệp trên cơ sở luật định hiện hành mà thực chất là dậy cách “trốn thuế” cho doanh nghiệp. Về mặt nguyên tắc, những nhà làm luật phải lường hết các tình huống có thể xẩy ra trong quá trình thực thi luật. Việc thường xuyên kiểm tra việc thực hiện pháp luật là công việc rất quan trọng không thể thiếu đối với các nhà lập pháp để đưa ra các điều chỉnh kịp thời đối với những “khe hở” còn bỏ sót. Còn việc không đưa ra các điều chỉnh kịp thời là trách nhiệm của các nhà lập pháp. Với chức năng kinh doanh, doanh nghiệp phải biết tận dụng mọi điều khoản có lợi nhất trong khuôn khổ luật định hiện hành để tạo ra lợi nhuận. Lợi nhuận là điều kiện tất yếu để doanh nghiệp tái sản xuất hoạt động sản xuất kinh doanh của mình theo chiều rộng và chiều sâu cũng như thực hiện trách nhiệm đóng thuế đối với Ngân sách Nhà nước.
Thứ ba, việc xác định có lợi ích nhóm trong việc chậm điều chỉnh bất hợp lý trong Thông tư 194 hay không là một điều rất khó, vượt chức năng và quyền hạn của Hiệp hội vì thế chúng tôi xin nhượng lại câu trả lời cho Bộ Tài chính và mong rằng Bộ Tài chính sẽ có câu trả lời trước công luận về vấn đề này để tránh những nghi kỵ trong dư luận làm giảm xút lòng tin với các cơ quan công quyền.
Thứ tư, chúng tôi hoàn toàn ý thức được rằng đây là một vấn đề khá tế nhị và thực không đơn giản, nhưng trong khuôn khổ luật định hiện hành, Hiệp hội Xăng dầu Việt nam sẽ luôn đồng hành và sát cánh cùng các hội viên của mình làm sáng tỏ những vấn đề có liên quan.
Một lần nữa chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự tham gia của Quí độc giả.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)