Cho rằng việc truy thu gần 350 tỷ thuế tạm nhập tái xuất xăng dầu là không có cơ sở, song các doanh nghiệp vẫn phải nộp để được thông quan các lô hàng tiếp theo.
Đầu tháng 6/2013, 7 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) yêu cầu truy thu gần 350 tỷ đồng tiền thuế, trong đó Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 170 tỷ đồng, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) là 66 tỷ đồng, Xăng dầu Đồng Tháp (Petimex) là 56,5 tỷ đồng, Lọc hóa dầu Nam Việt (NamViet Oil) là 26 tỷ đồng, Xăng dầu quân đội 19,7 tỷ đồng và Công ty Vận tải Đường bộ Hải Hà 650 triệu đồng.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu cho biết, trừ NamViet Oil, 6 doanh nghiệp đã nộp lại thuế cho ngân sách. “Họ buộc phải cắn răng nộp lại để được thông quan các lô hàng tiếp theo nhưng vẫn rất ấm ức với yêu cầu của Tổng cục hải quan - Bộ Tài chính”, vị này cho hay.
Ông lớn xăng dầu cho rằng việc truy thu thuế ảnh hưởng lớn đến uy tín và kết quả sản xuất kinh doanh. Ảnh: Anh Quân.
Đại diện Petrolimex, đơn vị phải nộp số thuế lớn nhất xác nhận đã nộp lại 170 tỷ đồng. Ông Trần Ngọc Năm – Phó tổng giám đốc Tập đoàn, cho rằng: “Cơ quan quản lý quyết định như nào thì doanh nghiệp phải thực thi, nhưng quan điểm là doanh nghiệp nộp thì cứ nộp, sẽ kiến nghị sau”, ông thẳng thừng.
Chuyện doanh nghiệp “miễn cưỡng” nộp lại hàng trăm tỷ đồng tiền thuế bắt nguồn từ việc Bộ Tài chính ban hành văn bản 17060 ngày 7/12/2012 yêu cầu Tổng cục Hải quan phải thay tờ khai hải quan với các lô hàng xăng dầu chuyển từ tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa. Thời điểm tính thuế sẽ là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thay thế.
Trước đó, các doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp thuế theo Thông tư 194 có hiệu lực từ 20/1/2011, tức không cần đăng ký tờ khai mới, chỉ cần khai và nộp thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng theo quy định và thời hạn nộp thuế sẽ là 30 ngày.
Thống kê cho thấy, đầu năm 2012, thuế nhập khẩu xăng dầu dao động trong khoảng 0-3% nhưng đến cuối năm đã tăng lên 10-12%. Với việc phải thay tờ khai hải quan, mà bản chất là thay đổi thời điểm tính thuế nhập khẩu doanh nghiệp xăng dầu phải nộp bổ sung hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho năm 2012.
“Do thuế xuất nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam thường xuyên điều chỉnh nên việc phải thay tờ khai khải quan, mà bản chất là thay đổi thời điểm tính thuế nhập khẩu dẫn đến việc phải nộp bổ sung tiền thuế cho năm 2012”, lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu nhận định.
Hiệp hội và các doanh nghiệp cho rằng văn bản 17060 không thể có hiệu lực pháp lý cao hơn Thông tư 194 do chính Bộ Tài chính ban hành. Ngày 16/7, Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có công văn gửi Bộ Tài chính khẳng định việc truy thu thuế với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu là “không có cơ sở pháp lý” và kiến nghị hủy bỏ công văn 17060.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan cho biết Bộ Tài chính vẫn kiên quyết truy thu thuế đối với các đơn vị này.
Những bất cập trong việc ban hành chính sách nêu trên cũng được Kiểm toán Nhà nước đề cập trong Báo cáo kiểm toán Chuyên đề quản lý hàng tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập năm 2012 của Tổng cục Hải quan.Theo Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Hoàng Quân, quy định về thời điểm tính thuế phải nộp với hàng tạm nhập tái xuất chuyển tiêu thụ nội địa như Thông tư 194 của Bộ Tài chính không đúng với Nghị định 154 của Chính phủ. Việc này theo Kiểm toán Nhà nước đã làm giảm thu ngân sách gần 470 tỷ đồng và đề nghị truy thu thuế. Ngoài ra, cơ quan này cũng kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi quy định chưa hợp lý trên.
Không riêng quy định này, Kiểm toán Nhà nước cho rằng Thông tư 62 của Bộ Tài chính cũng không đúng với một số điều của Luật Thương Mại và Luật Hải quan về tạm nhập tái xuất xăng dầu đẫn đến việc không thu thuế đúng ở khâu nhập khẩu, gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp xăng dầu. Do đó, Kiểm toán Nhà nước xác định số thuế xăng dầu nhập khẩu tương ứng với với lượng xăng dầu đã tái xuất của Dung Quất tại thời điểm kiểm toán là hơn 21 tỷ đồng.
Theo các doanh nghiệp, việc truy thu thuế của Bộ Tài chính ảnh hưởng lớn tới họ. Đại diện Hiệp hội xăng dầu cho biết, việc truy thu này có thể khiến người dân hiểu lầm rằng doanh nghiệp trốn thuế. Ngoài ra, năm 2012 nhiều doanh nghiệp lỗ (Petrolimex lỗ khoảng 125 tỷ, Petimex lỗ 135 tỷ đồng), nếu tiến hành truy thu sẽ khiến họ thêm khó khăn. Hơn nữa, việc truy thu được đưa ra khi doanh nghiệp đã quyết toán xong các chỉ tiêu tài chính năm 2012 nên chi phí này bắt buộc phải đẩy vào năm 2013. "Nếu cổ đông vặn vẹo thì còn ảnh hưởng đến công tác điều hành nữa", đại diện Hiệp hội xăng dầu cho hay.
Quan điểm của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam:
Theo quan điểm của chúng tôi, Thông tư 194/2010/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 06 tháng 12 năm 2010 cũng không hẳn trái với Nghị định 154/2005/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 12 năm 2005. Cụ thể là:
- Tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định 154/2005/NĐ-CP quy định: “Trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hoá hoặc quyết định miễn kiểm tra thực tế hàng hoá, nếu người khai hải quan có lý do chính đáng, có văn bản đề nghị và được Chi cục trưởng Hải quan chấp nhận thì được bổ sung, sửa chữa tờ khai hải quan đã đăng ký; trường hợp thay đổi loại hình xuất khẩu, nhập khẩu thì được thay tờ khai hải quan khác”.
- Tại Khoản 3 Điều 37 Thông tư 194/2010/TT-BTC hướng dẫn: "Trường hợp hàng hoá tạm nhập nhưng không tái xuất hết, doanh nghiệp đề nghị được chuyển tiêu thụ nội địa thì phải có văn bản gửi cơ quan hải quan. Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập hàng giải quyết thủ tục nhập khẩu và thanh khoản tờ khai tạm nhập, không đăng ký tờ khai mới, doanh nghiệp chỉ khai và nộp thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng (nếu có) theo quy định. Thời hạn nộp thuế, phạt chậm nộp thuế thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 18 Thông tư này”.
Hay nói cách khác, căn cứ vào nội dung Khoản 3 Điều 9 Nghị định 154/2005/NĐ-CP việc thay tờ khai hải quan khác không mang tính bắt buộc đối với doanh nghiệp (về mặt ngữ nghĩa thì được và phải là hai trợ động từ trong tiếng Việt hoàn toàn khác nhau). Để cụ thể hơn tại Khoản 3 Điều 37 trong Thông tư 194/2010/BTC-TT quy định rất rõ việc “được” này là: “không đăng ký tờ khai mới” vì thế việc buộc “Các doanh nghiệp xăng dầu phải thay tờ khai hải quan và thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thay thế”trong Công văn 17060 của Bộ Tài chính là trái với luật định hiện hành.
Thực tế cho thấy, qui chế ưu đãi trong việc nộp và xác định mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu đối với xăng dầu tạm nhập tái xuất là khe hở mà nhiều công ty xăng dầu đã sử dụng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Chính vì thế, ngày 09 tháng 10 năm 2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 139/2013/TT-BTC qui định thủ tục hải quan đối với xăng dầu nhập xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu … . Mặc dù là quá muộn nhưng thà muộn còn hơn không văn bản này đã khắc phục khe hở nói trên.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)