(VINPA)- Để quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu theo “cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”, đã đến lúc trong các văn bản pháp quy do các cơ quan chức năng ban hành trong lĩnh vực này nên tránh những quy định quá cụ thể và cứng nhắc gây ảnh hưởng đến quyền chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình. Rất tiếc rằng, trong vòng 5 tháng qua, Bộ Tài chính đã ban hành hai Thông báo chưa phù hợp với cơ chế quản lý mới. Sau đây chúng tôi xin đi sâu phân tích nội dung của hai Thông báo này.
Việc khống chế mức thù lao đối với các tổng đại lý và đại lý trong phạm vi 50km trong Thông báo 308 là thiếu tính thực tiễn. Ảnh: Internet
Ngày 28 tháng 03 năm 2013, Bộ Tài chính ban hành Thông báo 135/TB-BTC về việc điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu định mức. Chúng tôi được biết, ngay sau khi Thông báo 135 được ban hành, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có cuộc làm việc trực tiếp với Thứ trưởng Trần Văn Hiếu về những bất cập trong văn bản và sau 5 tháng thực hiện, ngày 28 tháng 08 năm 2013, Bộ Tài chính buộc phải có Thông báo số 308/TB-BTC về việc điều chỉnh nội dung của Thông báo 135 nhưng rất tiếc rằng Thông báo này cũng chẳng có gì tiến bộ hơn.
Thứ nhất, xét về khía cạnh pháp lý mà nói, các quy định trong cả hai văn bản này đều trái với các quy định vẫn còn hiệu lực tại Thông tư 36/2009/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành ngày 14 tháng 12 năm 2013 và Thông tư 234/2009/TT-BTC do chính Bộ Tài chính ban hành ngày 09 tháng 12 năm 2009 và nhất là những quy định quá cụ thể trong hai Thông báo này lại vi phạm quyền hạn của doanh nghiệp khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, liệu hai Thông báo nói trên của Bộ Tài chính có vi phạm Luật ban hành văn bản pháp quy và Luật doanh nghiệp hay không? Câu hỏi này dành cho Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật của Bộ Tư Pháp xem xét.
Thứ hai, về nội dung mà nói, theo kết quả điều tra hàng trăm cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn cả nước thì để đại lý có thể bù đắp đủ các chi phí và thu nhận được khoản lợi nhuận hợp lý (khoảng 30-50 đồng/lít xăng dầu) thì mức thù lao phải trên 500 đồng/lít xăng dầu (chưa kể chi phí vận chuyển). Bất kỳ mộtdoanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính nào đều không thể phủ nhận kết quả điều tra này. Điều đó có nghĩa là việc khống chế mức thù lao đối với các tổng đại lý và đại lý trong phạm vi 50km trong Thông báo 308 là thiếu tính thực tiễn.
Thứ ba, việc khống chế mức thù lao cho Tổng đại lý và Đại lý sẽ làm giảm sút khả năng cạnh tranh vốn đã quá ít ỏi giữa các doanh nghiệp đầu mối trong bối cảnh Bộ Tài chính quyết định giá bán lẻ xăng dầu như hiện nay. Thêm vào đó, đã đến lúc, trong văn bản pháp quy không nên có những điều khoản lập lờ, thiếu minh bạch và tiềm ẩn cơ chế “xin-cho” vốn đang là mảnh đất màu mỡ cho các vấn nạn xã hội đã và đang gây bất bình trong xã hội.
Thứ tư, đã đành rằng hiện nay có những thương nhân đầu mối giao mức thù lao “bất thường” làm ảnh hưởng đến thị phần của một số doanh nghiệp khác, nhưng mong muốn chỉ bằng một Thông báo khống chế mức thu lao để giải quyết sự cạnh tranh thiếu lành mạnh này là điều khó thực hiện. Thêm vào đó, những đầu mối có mức giao thù lao bất thường nói trên lại giao cho các Tổng đại lý và đại lý có khoảng cách trên 50km và có nghĩa là nó nằm ngoài những quy định trong Thông báo 308. Điều quan trọng ở đây là cơ quan có thẩm quyền có muốn và cương quyết làm rõ “nguồn gốc của các lô hàng” đó hay không? Còn để xử lý hiện tượng “bất thường” này thì chúng ta đã có đầy đủ căn cứ pháp lý được quy định rất rõ trong hệ thống các văn bản pháp quy hiện hành mà không cần đến một Thông báo như Quý Bộ vừa ban hành.
Theo ý kiến chúng tôi, việc quan trọng nhất trong phương thức quản lý theo cơ chế thị trườngcó sự quản lý của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh xăng dầu là các cơ quan chức năng phải hoạch định được chiến lược quản lý hữu hiệu để tạo điều kiện cho hệ thống phân phối xăng dầu Việt Nam phát triển bền vững. Hệ thống phân phối xăng dầu gồm 17 thương nhân đầu mối, khoảng 400 Tổng đại lý và hơn 13.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu là tài sản vô giá của đất nước mà chúng ta đã phải mất gần 40 năm mới xây dựng được. Nếu không có một chiến lược hữu hiệu thì nó sẽ cùng chung số phận như hệ thống bán lẻ của Việt Nam bị rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài khi chúng ta buộc phải mở cửa thị trường xăng dầu vào năm 2018 theo đúng cam kết với các tổ chức quốc tế. Nhưng để làm được việc đó thật không đơn giản, nó đòi hỏi phải có một đội ngũ chuyên gia thực sự có trình độ, không chỉ am hiểu các vấn đề vi mô và vĩ mô mà còn phải thực sựcó tâm với đất nước. Còn cái gọi là “quản lý” bằng cách tung ra các văn bản mang nặng tính quan liêu như hiện nay thì đất nước khó có thể phát triển trong tương lai.
Thế mới biết “nghệ thuật vị nghệ thuật” không chỉ tồn tại trong lĩnh vực nghệ thuật đầu những năm 40 của thế kỷ trước mà trong hoạt động quản lý kinh tế đầu thế kỷ vẫn 21 vẫn tồn tại hiện tượng“quản lý vị quản lý” hay nói cách khác quản lý là để quản lý chứ không phải quản lý để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
Hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu áp dụng hóa đơn điện tử(20/03/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
VINPA làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ(10/12/2023)