Giá dầu thô giảm mạnh thời gian gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói riêng, nền kinh tế nói chung. Ở khía cạnh khác, Bộ Tài chính đã chính thức công bố tăng thuế nhập khẩu xăng dầu. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thế Ruệ- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.
Xin ông cho biết, việc giá dầu thô thế giới giảm sâu thời gian qua ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu?
Giá dầu giảm sâu và liên tục khiến các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu thiệt hại lớn do không thể dự báo được nhưng vẫn phải nhập xăng dầu để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng cũng như bảo đảm an ninh năng lượng. Đơn cử như việc xăng dầu chưa nhập về đến cảng trong nước mà giá đã giảm (nhập ở nguồn 90 USD nhưng về đến cảng giá thị trường chỉ còn 60 USD), lúc này doanh nghiệp sẽ lỗ nặng. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu càng lớn thì càng lỗ nhiều.
Bên cạnh đó, theo quy định, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải dự trữ lưu thông 30 ngày. Ngoài việc chịu lỗ do giá xăng dầu giảm, các doanh nghiệp còn phải “gánh” hao hụt, lãi suất ngân hàng, chịu chi phí bảo quản…
Một khó khăn nữa là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gặp phải là lượng tiêu thụ giảm. Theo khảo sát của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, có cửa hàng xăng dầu giảm tới 40 - 50% sản lượng bán ra. Nguyên nhân là cùng với xu hướng của thế giới, tổng cầu về xăng dầu của cả nước giảm, dự kiến năm nay giảm khoảng 25%.
Người tiêu dùng được hưởng lợi như thế nào khi giá xăng dầu giảm mạnh, thưa ông?
Đối với người tiêu dùng, về ngắn hạn họ được hưởng lợi khi giá giảm sâu. Nhưng có thể nói rằng, người được hưởng lợi lớn ở đây là đối tượng tiêu thụ xăng dầu cao bởi họ làm dịch vụ nhưng khi xăng dầu giảm giá, họ không giảm giá dịch vụ cung cấp. Vì thế, có thể khẳng định, giá xăng dầu giảm, không phải mọi người dân đều có thể hưởng lợi như nhau.
Trong dài hạn, nếu giá xăng dầu giảm tiếp thì vừa xuất hiện mặt “tích cực” và “tiêu cực”, tuy nhiên, mặt tiêu cực sẽ lớn hơn bởi lợi ích người tiêu dùng và nhà nước gắn chặt với nhau, khi lợi ích nhà nước bị ảnh hưởng (hụt thu ngân sách) thì cũng ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.
Từ ngày 6/12/2014, thuế nhập khẩu xăng từ mức 18% tăng lên mức 27%, dầu diezen từ mức 14% tăng lên mức 23%, dầu hỏa từ mức 16% tăng lên mức 26%, dầu mazut từ mức 15% tăng lên mức 24%. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, khi giá xăng dầu thế giới tăng giảm bất thường thì Chính phủ phải có giải pháp. Vì vậy, tôi cho rằng việc Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu xăng dầu là hoàn toàn đúng đắn và là biện pháp cần thiết. Bộ Tài chính xử lý vấn đề trên theo hướng vĩ mô, đây là quyết định bảo vệ đất nước lâu dài.
Tăng thuế, người tiêu dùng và doanh nghiệp không ai mong muốn bởi tăng thuê, giá xăng dầu sẽ không giảm được như mong muốn.
Nhưng trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chia sẻ với nhà nước.
Ông Phan Thế Ruệ- Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam.
Một số chuyên gia dự báo, giá dầu thô có thể giảm xuống nữa, thậm chí có thể còn xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng. Các doanh nghiệp trong Hiệp hội có phương án, giải pháp nào trong trường hợp trên nhằm hài hòa tối đa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia?
Theo tôi, giá dầu thô khó có thể xuống thấp hơn so với giá hiện nay, bởi theo dự báo của nhiều tổ chức kinh tế, giá dầu thô thế giới sẽ “bật” trở lại. Dù vậy, nếu kịch bản không mong muốn xảy ra là giá dầu thô tiếp tục giảm thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần đẩy mạnh sản lượng bán ra. Thế nhưng, làm được điều này không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện được. Doanh nghiệp phải có hệ thống bán lẻ tốt, thương hiệu uy tín… Bên cạnh đó, Chính phủ ngoài việc có thể nâng mức thuế nhập khẩu xăng dầu, có tính toán trong việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu thì còn phải có nhiều biện pháp kết hợp thì mới hạn chế được các tác động tiêu cực đến nền kinh tế và hài hòa giữa lợi ích quốc gia cũng như lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Xin cảm ơn ông!
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)
VINPA làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ(10/12/2023)