Diễn biến giá cả một số mặt hàng tháng 3/2015
Theo thông tin từ trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, do nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên thị trường dồi dào, phong phú, đáp ứng nhu cầu khiến hàng hóa trên thị thường trong và sau Tết cơ bản ổn định trên phạm vi cả nước. Một số nhóm hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như thực phẩm tươi sống, hàng công nghệ (bia, nước giải khát…) tăng nhẹ vào một số thời gian cao điểm theo quy luật Tết hàng năm, nhưng không có hiện tượng sốt giá.
Tháng 3/2015 là thời điểm của lễ hội, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình tăng, khiến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,36% so với tháng trước; giá thóc gạo có xu hướng tăng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long do tác động của việc mua tạm trữ. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng 10% từ 11/3 và giá điện tăng 7,5% từ 16/3 cũng đã tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước được giữ vững, nhu cầu tiêu dùng đối với nhiều mặt hàng sau Tết trở lại bình thường; công tác quản lý giá, bình ổn giá được tăng cường, do đó CPI tháng 3/2015 tăng nhẹ 0,15% so với tháng trước.
Mặc dù CPI tháng 3 đã tăng so với tháng trước, song mức giảm mạnh của CPI hai tháng đầu năm (tháng 1, tháng 2) khiến CPI tới thời điểm này vẫn âm 0,1%. Nếu so với cùng kỳ tháng 3/2014 thì CPI tháng 3/2015 vẫn tăng 0,93%, nếu tính trung bình 3 tháng/2015 so với cùng kỳ 3 tháng/2014 thì mức tăng là 0,74%. CPI thấp là yếu tố để Chính phủ điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu sát với giá thị trường, đồng thời vẫn đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Thời gian qua giá cả thấp chưa phải do cải thiện được năng suất, chất lượng… mà chủ yếu do giá xăng dầu giảm, sức mua yếu, hàng tồn kho nhiều khiến doanh nghiệp phải giảm giá bán. Sang tháng 4/2015, dưới tác động từ sự điều chỉnh giá điện, dự báo CPI sẽ tăng cao hơn. Như vậy, so với những năm trước, CPI giai đoạn đầu năm nay có diễn biến trái ngược khi giảm vào tháng cận Tết và tháng Tết (tháng 1, tháng 2) nhưng lại tăng vào tháng sau Tết (tháng 3, tháng 4).
Dựa trên những phân tích của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, kết hợp với kết quả tính toán của phần mềm dự báo, dự báo CPI tháng 4/2015 sẽ tăng khoảng 0,26% so với tháng trước.
Diễn biến cung cầu mặt hàng xăng dầu
Do giá dầu thế giới liên tục tăng trong tháng 2/2015, dầu Brent ở mức 62,14 USD/thùng (18/2) so với mức 47,43 USD/thùng (12/1), tăng 31%, dầu WTI ở mức 52,14% USD/thùng (18/2) so với mức 46,07 USD/thùng (12/1), tăng 13,17%. Từ ngày 11/3, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng thêm từ 713 đồng – 1616 đồng/lít, kg tùy từng loại xăng dầu; đồng thời để bù đắp chênh lệch âm còn lại, Liên Bộ cũng cho phép doanh nghiệp tiếp tục chi từ Quỹ bình ổn nhưng mức chi giảm xuống. Đây là lần đầu tiên giá xăng dầu tăng trở lại sau 2 lần liên tiếp giữ giá trước đó và 14 lần giảm giá liên tục suốt 6 tháng qua.
Trên thị trường Singapore, giá bình dân trong tháng 3/2015: xăng RON92 tăng 5%, diesel ổn định, các mặt hàng còn lại giảm từ 4 – 6%.
Dự báo:Giá dầu thô thế giới có xu hướng tương đối ổn định. Báo cáo về tình hình kinh tế tại các nền kinh tế lớn và mới nổi, và báo cáo tồn kho dầu thô toàn cầu sẽ tiếp tục là yếu tố tác động đến giá dầu thô trên thị trường thế giới. Dự kiến giá dầu thế giới sẽ dao động trong khoảng từ 48 – 53 USD/thùng dầu WTI, từ 55 – 64 USD/thùng dầu Brent.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)
VINPA làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ(10/12/2023)
VINPA đề xuất các giải pháp giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện thuế nhập khẩu ưu đãi và tăng thuế BVMT(01/04/2015)