Diễn biến giá cả một số mặt hàng tháng 1/2015
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1/2015 giảm 0,2% so với tháng 12/2014, đây là mức giảm CPI khá bất thường vào dịp cận tết so với thông lệ hàng năm. Trong cơ cấu CPI tháng 1, các nhóm có mức tăng cao là nhóm may mặc, giày dép, thực phẩm và hàng hóa dịch vụ khác do đây là những nhóm hàng nhu cầu cao trong dịp gần tết với mức tăng từ 0,42% - 0,53%; các nhóm khác chỉ tăng từ 0,03% và 0,37%; Riêng các nhóm giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng giảm lần lượt 3,96 và 1,19% do tác động của nhóm xăng dầu tiếp tục giảm khá mạnh; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,07% do các chương trình khuyến mại.
Nhóm thực phẩm có nhu cầu cao trong dịp cận Tết
Điều đáng lưu ý là mặc dù giá xăng dầu giảm mạnh, cùng với các chi phí nguyên vật liệu đầu vào cũng giảm đáng kể nhưng giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng ở trong nước hầu như không giảm, hoặc giảm nhỏ giọt.
Giá xăng dầu giảm mạnh (hiện giảm gần 40% so với đầu năm 2014) sẽ có tác động tích cực đến sức mua tiêu dùng trong nước trong năm 2015. Tuy nhiên, nếu như giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng khác giảm không thỏa đáng thì tác động tích cực lan tỏa từ việc giảm giá xăng dầu đối với nền kinh tế nói chung và sức mua tiêu dùng trong nước cũng sẽ bị hạn chế.
Ngoài ra, kinh tế tuy có phục hồi song chưa thực sự mạnh mẽ, các kênh tạo thu nhập trầm lắng và giảm sút sẽ khiến cho sức mua tiêu dùng nội địa tiếp tục yếu. Đây là một thách thức lớn cho tăng trưởng kinh tế năm 2015.
Dự báo chỉ số CPI tháng 2/2015
Theo dự báo của Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, tháng 2/2015 dù trùng với tết nguyên đán Ất Mùi, dự báo CPI có thể sẽ tăng trở lại, nhưng mức tăng sẽ thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước bởi các lý do:
- Nguồn cung hàng hóa dồi dào.
- Tác động lan tỏa từ giá xăng dầu giảm mạnh.
- Người tiêu dùng vẫn thắt chặt chi tiêu khi thu nhập còn eo hẹp.
Dựa trên những phân tích của Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, kết hợp với kết quả tính toán của phần mềm dự báo. Dự báo CPI tháng 2/2015 sẽ chỉ tăng khoảng 0,1-0,2%.
Diễn biến cung cầu mặt hàng xăng dầu
Giá dầu thô bình quân trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng giảm so với tháng 12/2014 và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu do lo ngại nguồn cung dầu thô gia tăng, trong khi đó tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2015 chưa có dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tại New York đã giảm mạnh từ mức 53,27 USD/thùng (31/12) về mức 45,59 USD/thùng (23/1). Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm từ mức 57,33 USD/thùng (31/12) về mức 46,47 USD/thùng (23/1) và hiện chốt ở mức 48,79 USD/thùng (25/1).
Trên thị trường Singapore, giá xăng dầu thế giới bình quân tháng 1/2015 giảm từ 18% -21% so với bình quân tháng 12/2014.
Về giá bán lẻ trong nước: tháng 1/2015 giá bán lẻ xăng dầu đã được điều chỉnh giảm liên tiếp 2 lần (xăng giảm 2.210 đồng/lít, diesel giảm 1.820 đồng/lít, dầu hỏa 1.790 đồng/lít, mazut giảm 1.280 đồng/kg).
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước liên tục giảm
Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nguồn cung dầu thô của các nước ngoài OPEC năm 2015 có thể giảm 350.000 thùng/ngày. IEA nâng ước tính nhu cầu toàn cầu đối với dầu OPEC trong năm 2015 thêm 300.000 thùng/ngày lên 29,2 triệu thùng/ngày – vẫn thấp hơn so với sản lượng 30,48 triệu thùng/ngày của khối trong tháng 12/2014.
Dự báo: giá dầu thế giới thời gian tới chưa có nhiều cải thiện do triển vọng kinh tế vẫn còn bấp bênh trong khi nguồn cung dư thừa.
TIN KHÁC
VINPA làm việc với Phòng Thương vụ Iran(30/08/2024)
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Các doanh nghiệp góp ý gì?(08/05/2024)
VINPA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2024 VÀ CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH XĂNG DẦU(23/01/2024)
Xây dựng cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu tiệm cận với kinh tế thị trường(23/01/2024)
VINPA làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ(10/12/2023)