Xuất hoá đơn điện tử khi bán lẻ xăng dầu: Cần thiết nhưng phải có lộ trình
02:39 SA @ Thứ Ba - 14 Tháng Mười Một, 2023

Các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia đồng thuận với quy định xuất hoá đơn điện tử khi bán lẻ xăng dầu, song kiến nghị cần có lộ trình thích hợp.

Yêu cầu cấp thiết

Mới đây, Bộ Công Thương đã có tờ trình gửi Chính phủ đề nghị bổ sung quy định về lộ trình triển khai hoá đơn điện tử trong dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu.

Xuất hoá đơn điện tử khi bán lẻ xăng dầu:Cần thiết nhưng phải có lộ trình
Theo quy định, cửa hàng xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo xăng dầu bảo đảm kết quả đo xăng dầu được kết nối, chuyển vào hệ thống hóa đơn điện tử theo pháp luật về hóa đơn, chứng từ (Ảnh: Cấn Dũng)

Theo tờ trình, cửa hàng xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo xăng dầu bảo đảm kết quả đo xăng dầu được kết nối, chuyển vào hệ thống hóa đơn điện tử theo pháp luật về hóa đơn, chứng từ. Sau khi trao đổi với các doanh nghiệp, Bộ Công Thương cho biết họ đều ủng hộ chủ trương và đề nghị cần có thời gian và nguồn lực để thực hiện.

Về vấn đề này, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chia sẻ, đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên toàn quốc, việc phải thực hiện xuất hoá đơn điện tử bắt đầu từ ngày 1/7/2022 thống nhất trên toàn quốc cho đến nay. Mặt hàng xăng dầu cũng không phải là ngoại lệ khi yêu cầu áp dụng hoá đơn điện tử tại tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

“Việc áp dụng hoá đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là cần thiết và phù hợp để ngăn chặn xăng dầu lậu, kém chất lượng, trốn thuế với những doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc, giúp cho thị trường lành mạnh hơn và doanh nghiệp cũng có công cụ quản lý hàng hóa hiệu quả hơn” – ông Bùi Ngọc Bảo nói.

Đồng ý kiến, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Giang cho biết, từ ngày 1/7/2023, hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã thực hiện xuất hóa đơn điện tử ngay sau từng đơn hàng.

Việc làm này góp phần minh bạch hóa, công khai các hoạt động kê khai thuế; tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong tra cứu hóa đơn, tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Đồng thời, tăng cường công tác quản trị rủi ro trong quá trình kinh doanh. Đặc biệt, việc phát hành hoá đơn điện tử ngay sau từng lần bán khẳng định tính chuyên nghiệp của trong tổ chức điều hành, quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, đảm bảo tính minh bạch, chính xác, an toàn và hiệu quả.

Ở góc độ chuyên gia, ông Vũ Vinh Phú – Chuyên gia kinh tế, cho rằng, ở nhiều quốc gia trên thế giới, hoá đơn điện tử là một yêu cầu bình thường, kể cả đối với các hàng hoá khác chứ không riêng gì xăng dầu. Bên cạnh đó, thời gian qua, hoạt động kinh doanh xăng dầu còn một số vấn đề chưa minh bạch. Do đó, áp dụng hoá đơn điện tử là cần thiết.

Cần thiết có lộ trình

Xác định việc xuất hoá đơn khi bán lẻ xăng dầu là cần thiết, song các ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội đều cho rằng cần có lộ trình. Bởi hiện nay, cả nước có đến 17.000 cây xăng, mỗi ngày có đến hàng nghìn lượt người mua xăng dầu lẻ. Nếu áp dụng đại trà đòi hỏi khoản chi phí lớn cũng như sự thay đổi căn bản thói quen của người tiêu dùng.

Ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, để làm được việc này, các doanh nghiệp xăng dầu cần có sự đầu tư, bỏ ra chi phí duy trì thường xuyên nên các khoản chi phí này cần được tính toán, hạch toán vào giá thành ở mức tương ứng, gắn với các hỗ trợ ban đầu, đặc biệt là các hệ thống xăng dầu nhỏ lẻ có năng lực tài chính còn hạn chế.

Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng sẽ khó khăn và đòi hỏi sự kiên trì. Người tiêu dùng sẽ cần thích nghi với nền kinh tế số. Và doanh nghiệp, bên cạnh mục tiêu tối thượng doanh thu thì cũng phải có trách nhiệm cùng với Nhà nước và người tiêu dùng trong việc bảo đảm thị trường xăng dầu cả nước vận hành ổn định, lành mạnh, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng cũng như các mục tiêu lớn khác như: Doanh thu, nghĩa vụ thuế và có cả chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Ông Bùi Ngọc Bảo cũng đề xuất thêm, để triển khai việc xuất hoá đơn điện tử cho người đổ xăng cần phải đưa chi phí đầu tư hạ tầng thiết bị đo kiểm, kết nối dữ liệu với hoá đơn điện tử vào các chi phí đầu tư, hạch toán các chi phí thường xuyên khi duy trì hoạt động này trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu với tỉ trọng khoảng 0,5%.

Ông Bùi Đức Thiện - Đại diện Trạm xăng dầu 233 (Đồng Nai) chia sẻ, việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp thị trường xăng dầu minh bạch, cây xăng được kiểm soát lượng xăng vào, lượng xăng ra cụ thể. Tuy nhiên, với các cửa hàng bán lẻ, việc áp dụng đồng bộ sẽ là bài toán không đơn giản.

Theo ông Thiện, nếu quy định 100% người dân mua xăng đều phải xuất hóa đơn và chuyển dữ liệu về cơ quan thuế, sẽ rất khó để các cửa hàng đáp ứng bởi khối lượng hóa đơn cực kỳ lớn. Nếu cứ mỗi lần bán hàng là một lần xuất hóa đơn trong khi vào giờ cao điểm, lượng phương tiện xếp hàng chờ rất lâu, mỗi xe 50.000 - 100.000 đồng/lần đổ xăng sẽ dễ dẫn đến ách tắc tại các cây xăng. Bên cạnh đó, trong trường hợp nghẽn mạng sẽ khiến khách hàng chờ đợi, có thể dẫn tới tình trạng "hỗn loạn" nếu khách hàng phản ứng.

Song song với đó, thực tế, đa số người mua xăng dầu ở các cửa hàng bán lẻ là khách sử dụng xe máy nên người mua không mấy quan tâm đến việc nhận lại hóa đơn. Trong khi đó, để ban hành được hóa đơn điện tử với khách hàng, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư chi phí lớn hạ tầng công nghệ, thiết bị in hóa đơn... với chi phí lớn. Điều này gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp.

"Để lắp đặt thiết bị đo bồn bể để kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, chi phí bỏ ra lên tới hàng trăm triệu đồng. Còn việc đầu tư thiết bị để in biên lai bán lẻ tại trụ bơm xăng, chi phí cho mỗi trụ bơm cũng hàng chục triệu đồng, cộng thêm giấy in rất tốn kém, nên chưa hiệu quả với doanh nghiệp mà không phải khách hàng nào cũng cần nhu cầu hóa đơn", ông Thiện chia sẻ và cho biết thêm: “Trước đây, cũng có quy định xuất hóa đơn cho khách hàng đổ xăng từ 200.000 đồng trở lên. Tuy nhiên, thực tế, chỉ có một số ít khách hàng là tài xế doanh nghiệp mới lấy hóa đơn, còn lại đa số người dân không lấy hóa đơn. Cho nên việc xuất hoá đơn này cần có lộ trình để thay đổi thói quen của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng”.

Khẳng định câu chuyện quản lý mua bán xăng dầu bằng hoá đơn điện tử là câu chuyện vừa cấp bách, vừa lâu dài, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, sẽ không thể thực hiện ngay lập tức mà cần phải có lộ trình từ 1-2 năm. Đồng thời phải chọn các thành phố lớn để thí điểm thực hiện trước, vì nhiều cây xăng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa thể ngay lập tức đáp ứng các tiêu chí này.

Bên cạnh đó, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, các chính sách, thuế, phí, mua sắm thiết bị, quản lý phần mềm… phải được tính toán thực hiện sao cho phát sinh chi phí cho doanh nghiệp ở mức thấp nhất. Chưa kể, cái khó nhất là hoạt động đổ xăng của người tiêu dùng là liên tục, đòi hỏi nhanh nên việc áp dụng phần mềm và quản lý cần làm sao để không ách tắc, không gây bức xúc cho người tiêu dùng.

“Kinh nghiệm của nhiều quốc gia là có thể triển khai chương trình xổ số hoá đơn, tức là cứ sau 1,3 hoặc 6 tháng sẽ tổ chức quay thưởng để tìm ra các hoá đơn trúng thưởng. Đây là bài học các doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam có thể áp dụng nhằm tạo cho người tiêu dùng có hứng thú với việc lấy hoá đơn, tạo thói quen lấy hoá đơn sau mỗi lần mua xăng, đặc biệt trong giai đoạn đầu tiên”– chuyên gia Vũ Vinh Phú nói.

Ngoài ra, ở các cây xăng có diện tích rộng, nằm ở các cao tốc hoặc các khu vực ngoại thành, có thể áp dụng mở các điểm bán hàng, điểm vui chơi để người tiêu dùng không ngại ngần với việc dừng lại lấy hoá đơn. Doanh nghiệp cũng cần có biện pháp đánh giá, có đường dây nóng, hòm thư góp ý để người tiêu dùng phản ánh những vấn đề nảy sinh. Nhìn chung, các giải pháp cần được triển khai đồng bộ và cần thời gian để áp dụng sao cho hiệu quả nhất.

Nguồn: