Sở Công thương TP.HCM đề nghị doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp, bảo đảm đủ nguồn cung đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Ngày 22-10, Sở Công Thương TP.HCM có công văn gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện và doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Cụ thể, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cần phối hợp với Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường TP.HCM và các sở ngành liên quan để tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc kinh doanh tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn.
Việc này nhằm đảm bảo việc bán hàng không bị gián đoạn, nhất là trước chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu.
Trường hợp phát hiện các cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng khi chưa được chấp thuận của Sở Công Thương theo quy định, có dấu hiệu găm hàng, giảm thời gian bán hàng trái quy định nhằm trục lợi, cần kịp thời báo cáo Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường TP.HCM để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện cũng cần phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát, yêu cầu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm các quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND TP.HCM.
Sở Công Thương TP.HCM đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu rà soát, đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh theo quy định, tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu.
Các doanh nghiệp cần chủ động nguồn hàng, cung ứng đủ xăng dầu cho hệ thống phân phối, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.
Đồng thời, thực hiện duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đảm bảo đủ nguồn cung đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 123/2020 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có liên quan.
Ngày 27-9, Bộ Công thương ban hành Chỉ thị 08 nhằm triển khai thực hiện Công điện 99 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, DN. Cụ thể, Bộ Công thương yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc Bộ, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các thương nhân đầu mối sản xuất và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, yêu cầu các thương nhân đầu mối xăng dầu chủ động sản xuất, nhập khẩu, mua xăng dầu từ các nhà máy trong nước bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống. Thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và duy trì dự trữ lưu thông xăng dầu theo quy định. Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ. Bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường. Theo Bộ Công thương tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện là 28.437.856 m3/tấn xăng dầu các loại. |
TIN KHÁC
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 19/12/2024(19/12/2024)
Hà Nội lập vùng phát thải thấp ở 2 quận, cấm nhiều loại ô tô, xe máy lưu thông từ 2025(13/12/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 12/12/2024(12/12/2024)
Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2024(12/12/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra và giám sát hóa đơn điện tử trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu(11/12/2024)