Sáng nay, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm 'Cơ chế kinh doanh và an ninh năng lượng trong lĩnh vực xăng dầu'.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cho biết, ngày 11.2.2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đặt ra mục tiêu: “Phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập quốc tế; nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng; kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng”. Nghị quyết cũng đã đưa ra các giải pháp với những chính sách ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng hiệu quả và bền vững.
Là một trong những trụ cột quan trọng của an ninh năng lượng quốc gia, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo hết sức sát sao và quyết liệt đối với mặt hàng chiến lược này. Cụ thể, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP và nhiều chỉ đạo quan trọng khác, qua đó tạo môi trường pháp lý căn bản đối với sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường xăng dầu Việt Nam. Nhấn mạnh điều này, Phó Tổng Biên tập Lê Thanh Kim cho rằng, tọa đàm hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần hoàn thiện chính sách về kinh doanh xăng dầu và an ninh năng lượng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh và quốc phòng của đất nước.
Tham dự tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về thực trạng hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay, nhận diện những “nút thắt” trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, giải pháp để hoạt động kinh doanh xăng dầu phát huy hiệu quả.
Các đại biểu đều nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng có vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng, mang tầm chiến lược trong bảo đảm ổn định và giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là bảo đảm về an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của người dân. Theo đó, những biến động của thị trường xăng dầu sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và an sinh xã hội. Chính vì vậy, việc đảm bảo nguồn cung và giá cả ổn định đối với mặt hàng xăng dầu có ý nghĩa rất quan trọng.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đề nghị, việc điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, đó là nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
TIN KHÁC
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 14/11/2024(14/11/2024)
Dự kiến từ 1/1/2025 áp dụng lộ trình mới về tiêu chuẩn khí thải ô tô, xe máy(14/11/2024)
Bộ Công Thương làm việc với Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu về phát triển nhiên liệu sinh học(14/11/2024)
VCCI tán thành đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu(13/11/2024)
Ông Lương Hồ Anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex(13/11/2024)