Trước sự quan tâm của dư luận, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước trả lời báo chí về Dự thảo sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu.
Bà Nguyễn Thúy Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương đã có những chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.
Thưa bà, hiện nay Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, doanh nghiệp để hoàn thành Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu sửa đổi từ Nghị định 83, 95, 80 của Chính phủ, nhằm có được phương án quy định về kinh doanh xăng dầu và điều kiện kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam phù hợp nhất trong tình hình hiện nay. Xin bà cho biết những điểm mới của dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cũng như minh bạch trong quản lý kinh doanh xăng dầu?
Để đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu, dự thảo lần này đã xác định rõ mục tiêu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và nguyên tắc điều hành là theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, hài hòa các lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước, người tiêu dùng kinh doanh xăng dầu.
Về điểm mới trong dự thảo Nghị định, có 6 điểm mới:
Thứ nhất,về cơ chế điều hành xăng dầu, dự thảo Nghị định đã đưa ra công thức cho doanh nghiệp tự tính toán và sau đó doanh nghiệp tự công bố và kê khai giá với cơ quan quản lý để cơ quan quản lý giám sát.
Thứ hai là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, dự thảo Nghị định quy định Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo Luật Giá 2023. Trong Luật Giá cũng đã quy định những trường hợp và biện pháp thực hiện bình ổn giá.
Thứ ba là bổ sung một số điều kiện với các doanh nghiệp thương nhân đầu mối xăng dầu. Cụ thể, các thương nhân đầu mối khi tham gia thị trường phải có kinh nghiệm ít nhất 36 tháng; thực hiện kết nối mạng với cơ quan quản lý nhà nước để cơ quan quản lý giám sát tổng nguồn cung và tồn kho của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng phải đảm bảo tổng nguồn tối thiểu là 100.000 m3,tấn/năm.
Thứ tư, Dự thảo Nghị định loại bỏ quy định thương nhân phân phối phải dự trữ xăng dầu 5 ngày, loại bỏ 1 số quy định về kho chứa…
Thứ năm, để tránh mua bán qua nhiều tầng nấc trung gian, thương nhân phân phối được quy định là không được mua bán xăng dầu của nhau.
Thứ sáu, Dự thảo Nghị định bỏ đi quy định về dịch vụ kinh doanh xăng dầu vì qua rà soát, dịch vụ kinh doanh xăng dầu không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên chúng tôi loại bỏ.
Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Công Thương, hiện có hơn 30 thương nhân đầu mối. Đây là nơi tạo nguồn nhập khẩu xăng dầu đầu vào, mua từ các nhà máy, đưa vào hệ thống phân phối của chính mình và bán cho các nhà phân phối khác. Bên cạnh đó có gần 280 thương nhân tham gia khâu phân phối, được quyền mua của tất cả các nhà đầu mối mà không bị hạn chế để bán trong hệ thống bán lẻ của mình. Gần 280 doanh nghiệp này giúp thị trường sôi động và cạnh tranh hơn. Song chúng ta phải lường trước các rủi ro như thế nào, thưa bà?
Thời gian qua, việc thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng về cơ chế, chính sách trong kinh doanh xăng dầu đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào cung ứng xăng dầu. Đã có nhiều thương nhân phân phối phát triển và họ có đóng góp cho đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sử dụng trong nước.
Tuy nhiên hoạt động của thương nhân phân phối trong thời gian vừa qua cũng được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra chỉ ra mốt số điểm cần chấn chỉnh.
Thứ nhất khi cho thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau sẽ tạo ra tầng nấc trung gian và từ đó làm tăng chi phí. Việc đó là nguyên nhân khiến chiết khấu tại các khâu bán lẻ thấp và không khuyến khích bán lẻ ra thị trường.
Thứ hai là việc mua bán xăng dầu lẫn nhau trên thực tế đã tạo ra số lượng tiêu thụ ảo, khiến cơ quan quản lý nhà nước không nắm được tổng nguồn để điều hành nguồn cung xăng dầu.
Thứ ba, các thương nhân khi mua bán lẫn nhau, trên thực tế còn phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, tạo doanh thu cho thương nhân phân phối xăng dầu để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng, không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Nhiều ý kiến cho rằng việc thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau khiến cơ quan quản lý khó nắm bắt được nguồn cung thực tế. Bà chia sẻ gì về điều này?
Thời gian vừa qua, việc mua bán xăng dầu lẫn nhau có nhiều thời điểm đã tạo ra số lượng tiêu thụ ảo, khiến cơ quan quản lý nhà nước không nắm được tổng nguồn. Trong khi đó, nếu giao tổng nguồn cho các doanh nghiệp đầu mối để họ chủ động mua bán xăng dầu trong nước hoặc nhập khẩu về thì cơ quan quản lý sẽ giám sát được tổng nguồn cung và tiêu thụ thực tế, từ đó ban hành được kế hoạch và phân giao tổng nguồn hàng năm cho các doanh nghiệp thực hiện, cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế, giúp minh bạch thị trường và kiểm soát được kế hoạch tiêu thụ đầu ra, đầu vào.
Ưu điểm là vậy, tuy nhiên có ý kiến cho rằng việc quy định thương nhân phân phối không được mua xăng dầu lẫn nhau là trái quy định và vi phạm pháp luật kinh doanh, không đảm bảo nguyên tắc của thị trường. Quan điểm của bà về vấn đề này?
Khi dự thảo nghị định quy định các thương nhân phân phối không được mua bán lẫn nhau, có ý kiến cho rằng điều này hạn chế pháp luật cạnh tranh và không đảm bảo sự công bằng theo nguyên tắc thị trường. Các thương nhân phân phối cho rằng mình bị phân biệt đối xử.
Tuy nhiên xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Khi doanh nghiệp tham gia kinh doanh xăng dầu thì phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu do cơ quan quản lý nhà nước quy định. Bên cạnh đó, việc quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu của nhau cũng không làm mất đi tính cạnh tranh vì các thương nhân phân phối xăng dầu trong phân khúc của họ vẫn cạnh tranh với nhau bình thường.
Thêm nữa, chúng tôi cho rằng, quy định này cũng tạo điều kiện cho các thương nhân phân phối làm tốt có thể nỗ lực để tiến tới một bước cao hơn là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu phát triển mạnh song vẫn bị đánh giá rằng có quá nhiều tầng nấc, gây đội chi phí. Vậy dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu sẽ khắc phục điểm yếu này ra sao, thưa bà?
Trước đây, hệ thống kinh doanh xăng dầu bao gồm: Thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ, cửa hàng nhượng quyền.
Theo Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu, chúng tôi đã thiết kế 3 cấp trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Cấp 1 là thương nhân đầu mối, thứ 2 là thương nhân phân phối và thứ 3 là bán lẻ. Với mỗi cấp, chúng tôi cũng quy định về điều kiện tham gia thị trường, quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tham gia phân khúc nào thì họ phải duy trì điều kiện, thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ tại phân khúc đó.
Thực hiện kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, tại khâu trung gian phân phối, chúng tôi bỏ quy định thương nhân được mua bán lẫn nhau, từ đó bỏ số liệu ảo trên thị trường. Việc này cũng giúp thương nhân đầu mối tính toán được lượng tiêu thụ thực tế, từ đó lên kế hoạch vụ thể để mua của doanh nghiệp trong nước hoặc nhập khẩu. Đồng thời, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước xác định rõ được lượng tiêu thụ, xây dựng được tổng nguồn để phân giao cho doanh nghiệp với mục tiêu cao nhất là cung ứng đủ xăng dầu cho nhu cầu sử dụng trong nước.
TIN KHÁC
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 19/12/2024(19/12/2024)
Hà Nội lập vùng phát thải thấp ở 2 quận, cấm nhiều loại ô tô, xe máy lưu thông từ 2025(13/12/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 12/12/2024(12/12/2024)
Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2024(12/12/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra và giám sát hóa đơn điện tử trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu(11/12/2024)