Petrolimex, Vietcombank nêu bất cập khi giao dịch hóa đơn điện tử
08:48 SA @ Thứ Hai - 27 Tháng Năm, 2024

Sau thời gian áp dụng việc xuất hóa đơn điện tử, cả Petrolimex và Vietcombank đều gặp không ít khó khăn, bất cập dẫn đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

 Lấy hóa đơn mua xăng dầu mất nhiều thời gian và tăng khối lượng công việc cho hệ thống bán lẻ như Petrolimex. Ảnh: VGP.
Lấy hóa đơn mua xăng dầu mất nhiều thời gian và tăng khối lượng công việc cho hệ thống bán lẻ như Petrolimex. Ảnh: VGP.

Học viện Cảnh sát Nhân dân mới đây đã tổ chức hội thảo khoa học “Quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử - Những vấn đề đặt ra trong công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong tình hình hiện nay”.

Tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp, ngân hàng đã chia sẻ về những vướng mắc trong việc xuất hóa đơn điện tử trong các giao dịch với khách hàng hiện nay.

Cụ thể, đại diện Petrolimex cho biết hiện nay, trên thị trường có một số đơn vị cung cấp giải pháp lập hóa đơn không cần xuất phát từ tín hiệu truyền thông của cột bơm xăng dầu như: camera thông minh, lập hóa đơn từ máy tính tiền, có thể đọc thủ công...

Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng các giải pháp này vẫn còn khoảng trống do ảnh hưởng bởi sự can thiệp của con người đối với thông tin, cơ sở dữ liệu để lập hóa đơn điện tử và có thể chưa chính xác theo đúng quy định.

Gặp nhiều sai sót

Cũng theo lãnh đạo Petrolimex, việc cá nhân lấy hóa đơn mua xăng dầu mất rất nhiều thời gian làm tăng khối lượng công việc cho hệ thống bán lẻ và có thể xảy ra sai sót do cập nhập thông tin liên quan mã số thuế hoặc mã định danh.

Về phía ngân hàng, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa có quy định cụ thể về một số nghiệp vụ đặc thù với hóa đơn điện tử.

Đơn cử như đối với hóa đơn có dấu hiệu rủi ro, Vietcombank đều đã kiểm tra cả về hóa đơn và bên bán trước khi thanh toán, kê khai thuế để đảm bảo hóa đơn hợp pháp, hợp lệ. Tuy nhiên, việc bên bán có kê khai thuế và nộp thuế đối với hóa đơn đó hay không lại phụ thuộc vào bên bán.

"Sau khi ngân hàng đã kê khai thuế đầu vào, bên bán có thể không kê khai thuế đầu ra tương ứng, bỏ khỏi địa chỉ đã đăng ký kinh doanh và việc phát hiện, thông báo trên website phải mất một thời gian. Điều này phát sinh khó khăn cho bên mua trong việc kiểm soát hóa đơn đầu vào", bà Yến đưa ví dụ.

Bên cạnh đó, do số lượng hóa đơn lớn, Vietcombank không tránh khỏi phát sinh một số hóa đơn rủi ro.

Bà nhận định đây không phải là gian lận hay vi phạm có chủ đích từ ngân hàng. Tuy nhiên, việc bị chặn kê khai bổ sung sẽ dẫn đến việc ngân hàng bị phạt vi phạm hành chính khi cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra. Điều này sẽ ảnh hưởng đến xếp loại tổ chức tín dụng và hình ảnh của ngân hàng.

Đề xuất hóa đơn mua xăng được giảm trừ khi quyết toán thuế

Với những khó khăn trên, lãnh đạo Vietcombank đề nghị Chính phủ sớm bổ sung quy định cụ thể về các nội dung này để các ngân hàng thương mại có cơ sở thực hiện.

Bà Yến cho rằng cơ quan thuế nên ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát hiện sớm các doanh nghiệp có rủi ro cao về hóa đơn nhằm cập nhật lên website để bên mua từ chối thanh toán và không kê khai thuế. Đồng thời, không thực hiện cấp mã cho các doanh nghiệp này lập hóa đơn đầu ra.

Ngoài ra, lãnh đạo Vietcombank còn đề xuất không thực hiện chặn kê khai bổ sung tờ khai thuế đối với các doanh nghiệp có rủi ro thấp về thuế, có số thuế nộp lớn.

 Vietcombank đề xuất sớm bổ sung quy định cụ thể về các nội dung này để các ngân hàng thương mại có cơ sở thực hiện. Ảnh: Nam Khánh.
Vietcombank đề xuất sớm bổ sung quy định cụ thể về các nội dung này để các ngân hàng thương mại có cơ sở thực hiện. Ảnh: Nam Khánh.

Trong khi đó, Petrolimex kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp tích hợp dữ liệu khách hàng để phát hành hóa đơn chính xác cho từng cá nhân mua xăng dầu. Đồng thời, bổ sung quy định giảm trừ gia cảnh khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân nếu có hóa đơn xăng dầu, hoặc quay số trúng thưởng... nhằm khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua xăng dầu.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần quản lý và ban hành phí phát hành hóa đơn hoặc hỗ trợ các đơn vị kinh doanh xăng dầu khi phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng vì đơn giá hóa đơn hiện nay các đơn vị cung cấp dịch vụ phần mềm hóa đơn điện tử là khác nhau.

Song song đó, cơ quan quản lý cũng cần kiểm soát các giải pháp phần mềm phát hành hóa đơn hiện nay để đảm bảo tính chính xác của giải pháp, tránh sự can thiệp của con người.

Petrolimex còn đề xuất Nhà nước bổ sung trong Nghị định kinh doanh xăng dầu việc phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng là điều kiện tiên quyết để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Nguồn: