Ngày 25/11/2024, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã ký kết “Hợp đồng tư vấn thu xếp vốn cho Dự án Nâng cấp mở rộng (NCMR) Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất”.
Tham dự lễ ký có ông Lê Ngọc Sơn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; các Thành viên HĐTV Tập đoàn: Nguyễn Văn Mậu, Trần Bình Minh và Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dương Mạnh Sơn. Về phía BSR, có ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT, ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc cùng các ông trong HĐQT, Ban Tổng Giám đốc BSR. Về phía PVcomBank có ông Nguyễn Đình Lâm - Chủ tịch HĐQT cùng các ông trong HĐQT, Ban Tổng Giám đốc PVcomBank.
Đại diện cho hai bên, ông Nghiêm Đức Dương - Phó Tổng Giám đốc BSR kiêm Trưởng Ban Quản lý Dự án NCMR NMLD Dung Quất và ông Dương Xuân Quang - Phó Tổng Giám đốc PVcomBank đã tiến hành ký kết Hợp đồng trước sự chứng kiến của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn và Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam.
Thông qua Hợp đồng này, PVcomBank sẽ tư vấn, hỗ trợ BSR thu xếp nguồn vốn vay với tỷ lệ 40% tổng mức đầu tư của Dự án, tương đương khoảng 526 triệu USD từ nhiều nguồn vốn vay khác nhau trên thị trường tài chính trong nước và quốc tế; trong đó, ưu tiên nguồn vốn vay tín dụng hỗ trợ xuất khẩu (ECA) từ các tổ chức tín dụng quốc tế. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò quan trọng trong tài trợ nguồn vốn vay thương mại kịp thời đáp ứng theo tiến độ triển khai tổng thể của Dự án NCMR NMLD Dung Quất.
Tại lễ ký kết, ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc BSR cho biết: Đến nay, Dự án đã hoàn thành công tác đền bù giải phóng mặt bằng cùng các hạng mục phụ trợ liên quan, đang triển khai thiết kế kỹ thuật tổng thể - FEED và công tác lựa chọn tổng thầu EPC sẽ được tiến hành trong năm 2025 để đảm bảo đưa dự án vào vận hành theo tiến độ phê duyệt.
Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau khi hoàn thành, BSR sẽ nâng tổng công suất sản xuất, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để đảm bảo duy trì nguồn cung ổn định, lâu dài, giúp tối ưu hóa chi phí đầu vào, bảo đảm khả năng cạnh tranh và đáp ứng tiêu chuẩn khí thải EURO V, đồng thời góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp hóa dầu tại Việt Nam cũng như đảm an ninh năng lượng quốc gia và là động lực để trở thành hạt nhân của Trung tâm năng lượng và lọc hóa dầu Quốc gia tại khu vực miền Trung.
TIN KHÁC
Một số thông tin về việc điều hành giá xăng dầu ngày 19/12/2024(19/12/2024)
Hà Nội lập vùng phát thải thấp ở 2 quận, cấm nhiều loại ô tô, xe máy lưu thông từ 2025(13/12/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 12/12/2024(12/12/2024)
Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2024(12/12/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra và giám sát hóa đơn điện tử trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu(11/12/2024)