Trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, Hiệp hội xăng dầu.
Về cơ bản, các ý kiến thống nhất với nội dung dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung mang tính quan điểm, Bộ Công Thương xin chia sẻ như sau:
1. Ý kiến liên quan đến cơ chế điều hành giá xăng dầu
a) Theo quy định hiện hành, công tác điều hành giá xăng dầu do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, cụ thể là Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá xăng dầu. Bộ Tài chính xác định các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu, rà soát điều chỉnh các khoản chi phí cấu thành giá cơ sở, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền hàng Quý… và thông báo cho Bộ Công Thương để áp dụng vào công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu. Bộ Công Thương căn cứ vào phương pháp tính giá cơ sở do Bộ Tài chính hướng dẫn, các yếu tố hình thành giá cơ sở do Bộ Tài chính thông báo, văn bản tham gia ý kiến về phương án điều hành giá của Bộ Tài chính tại từng kỳ điều hành giá xăng dầu để tính toán, công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo chu kỳ 7 ngày/lần. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu căn cứ giá cơ sở do Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính công bố định kỳ để quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình.
Với cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện qua nhiều bước, thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động trong quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước công bố rồi thực hiện theo. Như vậy, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa bảo đảm thực hiện theo cơ chế thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể là: áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp.
b) Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu xây dựng cơ chế điều hành giá xăng dầu theo hướng:
Xăng dầu là một trong chín loại hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá nên cần có cơ chế quản lý. Đồng thời, thực hiện các Nghị quyết nêu trên, dự thảo Nghị định quy định nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự tính toán và quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát. Cụ thể:
Nhà nước công bố công thức tính, giá sản phẩm xăng dầu thế giới bình quân 7 ngày/lần và chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, các chi phí về thuế, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố đầu vào do nhà nước công bố tự tính toán và công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Giá bán lẻ xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định.
Qua quá trình lấy ý kiến về dự thảo Nghị định còn có ý kiến khác, theo đó đề xuất nhà nước nên để doanh nghiệp chủ động tính toán và quyết định giá bán theo cơ chế thị trường. Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và đại diện một số thương nhân đề xuất nội dung nguyên tắc điều chỉnh giá bán xăng dầu theo hướng: Nhà nước công bố công thức tính giá, mức giá tham chiếu quốc tế và premium bình quân; không công bố chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức. Căn cứ công thức tính giá và mức giá tham chiếu nhà nước công bố, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán buôn, giá bán lẻ và thời điểm điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường.
Thương nhân kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm làm thủ tục kê khai và công bố giá do mình quyết định theo quy định của pháp luật. Trường hợp thị trường xăng dầu diễn biến bất ổn, có quyết định bình ổn giá thì thực hiện theo nguyên tắc điều chỉnh giá xăng dầu như quy định tại dự thảo Nghị định.
Phương án của đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và một số doanh nghiệp đề xuất có ưu điểm: Doanh nghiệp hoàn toàn được chủ động quyết định giá bán xăng dầu và sát hơn với Luật Giá năm 2023. Tuy nhiên cũng có nhược điểm: Chi phí của các doanh nghiệp khác nhau, dẫn tới giá bán xăng dầu tại các khu vực khác nhau sẽ khác nhau, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa chi phí sẽ tăng cao gây khó khăn cho người dân tại khu vực này; nhà nước không có công cụ kiểm soát và có thể dẫn tới thiếu hụt, đứt gẫy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Phương án theo dự thảo Nghị định quy định có ưu điểm: Nhà nước duy trì được công cụ kiểm soát về giá xăng dầu qua đó giám sát được nguồn cung. Nhưng cũng có nhược điểm: Chưa sát với Luật Giá do còn kiểm soát giá bán xăng dầu thông qua giá trần. Doanh nghiệp chưa hoàn toàn được chủ động quyết định giá theo cơ chế thị trường.
Đây là vấn đề lớn, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng tới an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, việc thực hiện giá bán xăng dầu ngay theo cơ chế thị trường như đề xuất của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và một số thương nhân cần phải được xem xét kỹ lưỡng và có lộ trình thực hiện.
Nội dung của Dự thảo Nghị định mặc dù vẫn giữ công cụ để kiểm soát về giá nhưng để tiến thêm một bước hướng tới lộ trình thị trường hóa hoàn toàn đối với giá bán xăng dầu trong nước trong tương lai, dự thảo Nghị định dự kiến: chỉ công bố giá sản phẩm xăng dầu thế giới đối với 02 mặt hàng xăng, dầu điêzen tiêu dùng phổ biến trên thị trường (mặt hàng xăng RON95-III, dầu điêzen 0,05S) thay vì công bố giá của 05 mặt hàng như hiện nay (RON95-III, dầu điêzen 0,05S, E5RON92, dầu madut, dầu hỏa)
Mặt hàng xăng RON95-III, dầu điêzen DO 0,05S-II có tỷ trọng tiêu thụ lớn, là mặt hàng xăng, dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường, ảnh hưởng tới đa số người tiêu dùng nên Nhà nước cần tiếp tục công bố giá thế giới, các yếu tố đầu vào để doanh nghiệp thực hiện tính toán và công bố theo công thức.
Mặt hàng xăng E5RON92 và các mặt hàng xăng, dầu còn lại có tỷ trọng tiêu thụ không lớn nên có thể để doanh nghiệp chủ động công bố giá xăng dầu thế giới tại kỳ điều chỉnh giá và quyết định giá bán xăng dầu trên thị trường (hiện nay trên thị trường các mặt hàng như xăng RON95-V, xăng RON97, dầu điêzen DO 0,001S-V đã và đang do thương nhân đầu mối chủ động công bố giá). Các thương nhân công bố giá xăng dầu phải thực hiện kê khai giá theo quy định, trường hợp tăng giá bất hợp lý sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Quy định này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2007 của Bộ Chính trị khóa X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như đã nêu ở trên. Đây là nội dung mới của dự thảo Nghị định, là bước thí điểm, thăm dò thị trường để từng bước áp dụng giá xăng dầu hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Mặc dù vậy, tiếp thu ý kiến của Hiệp hội xăng dầu và đại diện một số doanh nghiệp, Bộ Công Thương dự kiến trình Chính phủ 02 phương án: Phương án 1: giữ nguyên như dự thảo Nghị định và phương án 2 theo phương án đề xuất của Hiệp hội và đại diện một số doanh nghiệp.
2. Ý kiến về việc xem xét bỏ quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Ý kiến của một số Bộ, ngành, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và đại diện một số doanh nghiệp đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu xem xét bỏ quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Qua thực tế triển khai thời gian qua, với việc điều hành giá 7 ngày/lần, giá xăng dầu thế giới cơ bản đã được điều chỉnh bám sát với giá xăng dầu thế giới, gần như không phải sử dụng đến Quỹ bình ổn giá theo quy định. Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội; căn cứ quy định về các biện pháp bình ổn giá tại khoản 1 Điều 19 Luật Giá năm 2023, khoản 4 Điều 31 dự thảo Nghị định quy định về trường hợp thực hiện bình ổn giá xăng dầu tương tự với các mặt hàng khác thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá quy định tại Luật Giá, cụ thể như sau: “Trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đánh giá mức độ biến động mặt bằng giá xăng dầu, mức độ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, đời sống người dân, có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Giá.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan đánh giá diễn biến thực tế và mặt bằng giá thị trường xăng dầu, có văn bản gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Giá”.
3. Ý kiến liên quan đến quyền mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu.
Thời gian qua, thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu đã tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Nhiều thương nhân phân phối xăng dầu được hình thành và phát triển trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu, tạo nên một hệ thống phân phối hoàn chỉnh bắt đầu từ khâu tạo nguồn (nhập khẩu, mua của nhà máy sản xuất) - phân phối - bán lẻ.
Quy định hiện nay cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau thời gian qua bộc lộ một số điểm mà qua quá trình kiểm tra, thanh tra và điều tra, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra đã chỉ ra:
(1) Việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp) làm tăng thêm chi phí trong khâu này là một trong những nguyên nhân dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, không khuyến khích doanh nghiệp bán xăng dầu ra thị trường.
(2) Việc mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau trên thực tế khiến cho cùng một lượng xăng dầu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nhưng đều nằm trong số liệu báo cáo tiêu thụ xăng dầu của nhiều thương nhân phân phối xăng dầu, tạo nên con số tiêu thụ "ảo" trên thị trường, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát nguồn cung, điều tiết thị trường.
(3) Việc thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau như hiện nay, trên thực tế còn phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, tạo doanh thu cho thương nhân phân phối xăng dầu để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng, không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Thực hiện ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối xăng dầu như đã trình bày. Dự thảo Nghị định thiết kế theo hướng Bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau, loại bỏ số liệu “ảo” về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường. Qua đó:
(1) Giúp cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài phục vụ cho tiêu thụ trong nước;
(2) Cơ quan quản lý nhà nước xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hàng năm cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhằm bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu thụ trong nước.
Qua quá trình lấy ý kiến về dự thảo Nghị định, nhiều thương nhân phân phối cho rằng: Bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau là hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ, là phân biệt đối xử, tạo lợi thế kinh doanh cho các doanh nghiệp có vị thế độc quyền… Các thương nhân phân phối xăng dầu đề nghị tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại. Quy định này sẽ tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho các thương nhân phân phối xăng dầu khác và thương nhân bán lẻ trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gặp sự cố đột ngột, trong khi lượng xăng dầu của thương nhân phân phối đã mua còn tồn nhiều, ngoài ra còn tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.
Trong thực tế, việc thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu lẫn nhau không tạo ra nguồn cung mới cho thị trường do trách nhiệm đảm bảo nguồn cung thuộc về thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Đồng thời, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn.
Hơn nữa, theo ý kiến của cơ quan kiểm tra, thanh tra qua quá trình kiểm tra, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp) làm tăng thêm chi phí trong khâu này dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ ở mức thấp, đồng thời khó kiểm soát nguồn cung.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến của các thương nhân, trình Chính phủ 2 phương án:
Phương án 1: Dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau, chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
- Ưu điểm: Thực hiện theo ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối. Cắt bỏ việc mua bán xăng dầu lòng vòng qua các thương nhân phân phối xăng dầu tạo số liệu “ảo“ về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường. Qua đó giúp cho cơ quan quản lý nhà nước xác định được nhu cầu tiêu thụ trong nước, giúp cắt giảm chi phí kinh doanh trong chuỗi cung ứng.
- Nhược điểm: Thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường hơn, thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, thương nhân phân phối hoàn toàn có thể trở thành thương nhân đầu mối nếu có nhu cầu và đáp ứng các quy định.
Phương án 2: Dự thảo Nghị định tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại.
- Ưu điểm: Phù hợp với kiến nghị của các thương nhân phân phối xăng dầu. Tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối xăng dầu.
- Nhược điểm: Chưa thực hiện đúng ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra. Không xác định chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế trên thị trường khi các thương nhân mua bán qua lại lẫn nhau tạo số liệu “ảo“ về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường. Có nguy cơ dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ chỉ ở mức thấp khiến cho các doanh nghiệp bán lẻ hạn chế bán hàng ra thị trường do bị lỗ.
TIN KHÁC
Hà Nội lập vùng phát thải thấp ở 2 quận, cấm nhiều loại ô tô, xe máy lưu thông từ 2025(13/12/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 12/12/2024(12/12/2024)
Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự Nhà máy Lọc dầu Dung Quất năm 2024(12/12/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra và giám sát hóa đơn điện tử trong kinh doanh bán lẻ xăng dầu(11/12/2024)
PLC xin điều chỉnh giảm lợi nhuận và cổ tức tối thiểu năm 2024(11/12/2024)