Hà Nội đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn xe buýt chạy dầu diezel sau năm 2035
09:32 SA @ Thứ Sáu - 05 Tháng Bảy, 2024

Trong Đề án phát triển giao thông công cộng bằng buýt điện, năng lượng xanh, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ thay thế hoàn toàn xe buýt chạy dầu diezel sang xe buýt chạy năng lượng xanh.

 Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ chuyển đổi xe buýt chạy dầu diezel trong giai đoạn 2024 - 2030 là 70-90%. Giai đoạn 2031-2035 là 100%.

Sáng ngày 4/7, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Đề án phát triển giao thông công cộng bằng buýt điện.

Tại Đề án, Hà Nội đặt mục tiêu trong giai đoạn 2026 – 2030 có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG với nguồn lực tài chính 43.000 tỷ đồng.

Xe buýt hoạt động trong khu vực đô thị trung tâm (trong đường vành đai 4) được định hướng chuyển sang chạy điện. Các tuyến buýt mới mở ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh.

Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ chuyển đổi xe buýt chạy dầu diezel trong giai đoạn 2024 - 2030 là 70-90%. Giai đoạn 2031-2035 là 100%.

Về kế hoạch chuyển đổi, toàn bộ xe buýt đã khấu hao và hết hạn thầu sẽ được thành phố thay thế toàn bộ. Với xe chưa hết khấu hao, sẽ được sử dụng đến hết thời gian khấu hao để chuyển sang xe buýt xanh.

Theo dự kiến, giai đoạn 2024-2030, tỷ lệ chuyển đổi xe buýt chạy dầu diezel tại Hà Nội là 70-90%. Giai đoạn 2031-2035 là 100%.

Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt, trong đó 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt City tour. 11 đơn vị vận hành 132 tuyến buýt trợ giá, trong đó 122 tuyến đấu thầu và 10 tuyến đặt hàng. Số xe buýt trợ giá là 2.034 với 277 xe sử dụng năng lượng sạch.

Trả lời trên báo Lao động, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ôtô tại Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc chuyển đổi sử dụng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh, bước đột phá quan trọng đối với giao thông đô thị của Hà Nội mang lại nhiều lợi ích đến môi trường, giảm khí phát thải nhưng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo tính toán, việc phát triển xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh sẽ góp phần giảm phát thải khí CO2 ra ngoài môi trường. Cụ thể, số CO2 phát thải giảm được khoảng 170.480 tấn CO2/năm.

Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu đề án đề ra, các chuyên gia cho rằng còn nhiều thách thức phía trước, nhất là về mặt kinh phí. Vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực, nguồn vốn của doanh nghiệp.

Hiện nay, việc chuyển đổi đòi hỏi phải triển khai đồng bộ các bước, như quy hoạch về trạm sạc, trạm cấp nhiên liệu. Tuy nhiên, hiện tại chưa có cơ chế, chính sách để hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải, nhà đầu tư, xã hội hóa... đầu tư cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng xanh, ví dụ như trạm sạc điện tại các bến bãi, các điểm đầu cuối và các điểm đỗ xe công cộng.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư và vận hành xe buýt xanh cao hơn so với xe buýt chạy bằng diezel. Theo chuyên gia, giá xe buýt điện gấp khoảng 3 - 4 lần so với xe buýt chạy bằng diezel cùng sức chứa. Tương tự, giá xe buýt sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng CNG gấp khoảng 2 lần xe buýt dùng nhiên liệu diesel. Pin xe buýt điện chiếm khoảng 40 - 50% giá trị xe và sẽ suy hao dung lượng sau 4 - 5 năm sử dụng.

Tuy nhiên, với việc xác định “Xanh hóa” xe buýt là yêu cầu tất yếu nhằm tiến tới một hệ thống giao thông công cộng hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có những buổi làm việc với 11 doanh nghiệp đang khai thác dịch vụ xe buýt. Tinh thần xuyên suốt trong những buổi làm việc là các doanh nghiệp cần phải bắt tay vào chuyển đổi ngay lập tức, không có đường lùi. Bên cạnh đó, để nắm bắt được tâm tư của các doanh nghiệp, Sở sẽ song hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc nhằm đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh.

Nguồn: