Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Đáng chú ý, tại dự thảo luật này, Bộ Công Thương đề xuất quy định nhà nước không tham gia vào quá trình điều hành giá, nhưng công bố các yếu tố hình thành giá và để doanh nghiệp tự quyết định giá.
BẢO HIỂM GIÁ
Dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương soạn thảo, có 4 chương, 39 Điều, gồm: những quy định chung; Kinh doanh xăng dầu; Quản lý kinh doanh xăng dầu và Điều khoản thi hành.
Cụ thể, về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu, dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu quy định: được phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm; Được nhập khẩu, xuất khẩu; mua bán dầu thô; Được phân phối xăng dầu thông qua các đơn vị trực thuộc; được công bố giá bán xăng dầu theo công thức của Bộ Công Thương quy định.
Về việc điều chỉnh giá bán xăng dầu, Bọ Công thương đưa ra nguyên tắc như sau: Giá bán buôn, giá bán lẻ xăng dầu trong và ngoài hệ thống được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu quyết định không cao hơn giá bán xăng dầu theo công thức do Bộ Công thương quy định. Theo đó, công thức giá bán xăng dầu tối đa bằng chi phí tạo nguồn, cộng với chi phí kinh doanh định mức, cộng lợi nhuận định mức, cộng thuế giá trị gia tăng.
Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần để làm cơ sở điều chỉnh giá xăng dầu trong nước.
Đặc biệt, về nguyên tắc điều hành kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đề xuất quy định theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước; hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; giảm bớt khâu trung gian trong chuỗi cung ứng xăng dầu.
Tuy vậy, góp ý vào dự thảo Nghị định này, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã đề xuất Bộ Công Thương cho phép các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được sử dụng công cụ, nghiệp vụ phái sinh để bảo hiểm giá, giống Nghị định 83 trước đây. Bởi xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên cần đưa quy định này trở lại Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo hướng: Cho phép tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được phép giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa để bảo hiểm giá.
Một số chuyên gia cho rằng, việc đưa vào quy định về công cụ bảo hiểm giá thông qua Sở Giao dịch hàng hóa cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là rất cần thiết. Điều này giúp cho thị trường xăng dầu minh bạch, công khai, giúp các doanh nghiệp phòng vệ trước các biến động mạnh về giá. Đây cũng là công cụ được hầu hết các công ty xăng dầu trên thế giới từ sản xuất, tiêu thụ đến tiêu dùng đều sử dụng.
Dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công thương lấy ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương, và đã được Bộ Tư pháp thẩm định. Dự thảo nghị định này sẽ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ ban hành trong quý III năm nay.
KINH NGHIỆM BẢO HIỂM GIÁ XĂNG DẦU
Vì sao nhiều doanh nghiệp đề xuất bổ sung công cụ bảo hiểm về giá thông qua Sở Giao dịch hàng hóa đối với mặt hàng xăng dầu? Kinh nghiệm thế giới sử dụng công cụ này ra sao? PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN xung quanh nội dung này:
PV:Bộ Công thương đang chủ trì soạn thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu. Theo ông thì với các quy định mới của dự thảo thì đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay chưa?
Ông Bùi Ngọc Bảo: Hiện tại bây giờ đang dự thảo, sau đó là các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, người dân cũng tiếp tục đóng góp. Hiện tại thì nó có một số vấn đề liên quan đến công thức xác định giá thì vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp tư nhân phân phối trong quyền tự định giá theo theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Điều này cũng đang được sửa đổi.
Phần thứ hai nữa là có một số những quy định thì cũng phải có sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp, của thị trường và những chế tài, cũng như những điều kiện liên quan đến Quỹ bình ổn giá thì doanh nghiệp cũng đề nghị sẽ tập trung ở Chính phủ chứ không nên giao cho các doanh nghiệp tiếp tục giữ.
Và ngày tồn kho của các doanh nghiệp thì đề nghị vẫn giữ nguyên cho khoảng 20 ngày. Các thương nhân phân phối thì cũng đề nghị nghị là nên có một mức, hoặc là tự do, có thể người ta vẫn tiếp tục mua bán lẫn nhau, hoặc là có quy định một tỷ lệ nhất định nào đó để người ta mua bán, điều hòa ở trong thị trường lúc cần thiết.
PV:Ông có cho rằng cần có công cụ bảo hiểm về giá thông qua Sở Giao dịch hàng hóa và được đưa vào Nghị định để có thể tạo sự minh bạch cho thị trường xăng dầu được không?
Ông Bùi Ngọc Bảo:Trong nghị định nên tiếp tục đưa vào, giống như Nghị định 83 là các doanh nghiệp được phép sử dụng các nghiệp vụ phái sinh thông qua các Sở Giao dịch hàng hóa hoặc là một số những định chế tài chính khác là một yêu cầu cần thiết để đảm bảo được cho doanh nghiệp có khả năng tự phòng vệ bảo hiểm giá của mình, giảm thiểu những rủi ro do biến động thị trường mang lại. Đây là điều hết sức cần thiết đối với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
PV: Kinh nghiệm thế giới về sử dụng công cụ bảo hiểm giá này ra sao? Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng kinh nghiệm này như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Ngọc Bảo:Đây đã thành một thông lệ, hầu hết tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên thị trường quốc tế người ta đều phải sử dụng các nghiệp vụ phái sinh để đảm bảo được việc quản lý rủi ro hàng hóa. Ở một số nước, đặc biệt là đối với lượng hàng tồn kho, những ngân hàng mà cung cấp tín dụng thì yêu cầu là các doanh nghiệp đấy dứt khoát phải có các nghiệp vụ phái sinh để đảm bảo được an toàn, tránh rủi ro cho hàng hóa khi giá cả bất ổn định. Đây nó là một cái thường xuyên và tất cả các doanh nghiệp kinh doanh đều phải áp dụng.
PV: Xin cảm ơn ông.
CHỈ NÊN QUY ĐỊNH CÁC CƠ CHẾ ĐỂ MINH BẠCH
Nếu đưa công cụ bảo hiểm giá xăng dầu thông qua Sở Giao dịch hàng hóa vào dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu sẽ có những tác động xã hội như thế nào? PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội:
PV:Thưa ông, một số ý kiến cho rằng cần có những quy định về công cụ bảo hiểm giá xăng dầu thông qua Sở Giao dịch hàng hóa và cần đưa vào trong dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Hoàng Văn Cường:Chúng ta biết rằng là sàn giao dịch hàng hóa là nơi để giúp cho chúng ta có thể trao đổi hàng hóa một cách rất thuận tiện mà có khi người ta không nhất thiết phải biết được đối tác mình là ai và không mất chi phí trung gian lớn thông qua sàn này.
Và khi hoạt động giao dịch như thế thì nó sẽ hình thành nên các chỉ số về hàng hóa và dựa trên những chỉ số đó thì người ta mới sử dụng các công cụ phái sinh để thực hiện bảo hiểm, gọi là phòng ngừa rủi ro thì đúng hơn, cho sự thay đổi về giá bất thường. Như vậy, công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro biến động giá là một hoạt động độc lập so với sàn, chứ không phải sàn là công cụ phái sinh.
Tuy nhiên, nếu như những sàn hoạt động một cách chuyên nghiệp, có nhiều hàng hóa và tạo ra được các chỉ số bền vững thì người ta sẽ dựa vào đó để hình thành nên các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro.
PV:Theo ông có nên đưa công cụ bảo hiểm giá vào trong dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương đang soạn thảo?
Ông Hoàng Văn Cường: Về sàn giao dịch hàng xăng dầu đối với Việt Nam thì có lẽ chúng ta phải hiểu đây chỉ là nơi để giúp những nhà phân phối, các đầu mối nhập khẩu, cũng như những người bán lẻ có thể dễ dàng tiếp cận sản phẩm xăng dầu thành phẩm và không mang tính chất tạo ra những các sàn về chỉ số phát sinh.
Như vậy chúng ta có thể đưa giao dịch hàng hóa xăng dầu này lên những sàn giao dịch hàng hóa sẵn có và chúng ta chỉ nên quy định các cơ chế để làm thế nào cho hoạt động về giao dịch hàng hóa trên cái sàn hàng hóa này nó được minh bạch, công khai.
Tôi cho rằng việc đó không phải quá lớn, chúng ta chỉ cần có những cái mở ra trong nghị định là được, vì vấn đề công cụ phái sinh cho phòng ngừa rủi ro thì nó sẽ phụ thuộc vào nhiều quy định pháp lý khác, như là các doanh nghiệp nhà nước khi sử dụng các công cụ phái sinh thì có thể phát sinh ra những rủi ro về lỗ khi sử dụng công cụ phái sinh, thì khi đấy cái cơ chế quản lý với doanh nghiệp Nhà nước như thế nào?
Có lẽ nó không nằm trong nghị định về kinh doanh xăng dầu. Hoặc là hạch toán về chi phí phái sinh trong các doanh nghiệp như thế nào?
Với Nghị định về kinh doanh dầu, tôi cho rằng chỉ cần nhắc đến “đấy là một trong những công cụ để chúng ta sẽ giúp cho việc phòng ngừa rủi ro khi giá xăng dầu tăng mà các doanh nghiệp cần dùng đến.
PV:Nếu như quy định này được đưa vào thì sẽ tạo ra sự minh bạch như thế nào hoặc người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi gì?
Ông Hoàng Văn Cường: Điều mà chúng ta đang kỳ vọng nhất khi sửa đổi nghị định này là chúng ta sẽ sử dụng tối đa công cụ thị trường để cho những người mua, bán, phân phối xăng dầu sẽ được tự do trao đổi và từ chỗ tự do trao đổi như thế sẽ tạo ra một sự cạnh tranh và sự cạnh tranh này nó sẽ giúp cho các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để đưa ra một cái giá bán thấp nhất ra thị trường.
Điều đấy sẽ giúp cho hưởng lợi là người dân tiêu thụ xăng dầu.
PV:Xin cảm ơn ông.
Theo Bộ Công Thương, sau 10 năm thực hiện Nghị định 83, sau này được sửa đổi tại Nghị định 95 ban hành năm 2021, thị trường xăng dầu cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, giá xăng dầu tại thị trường trong nước vận hành theo xu hướng giá xăng dầu thế giới; hệ thống phân phối xăng dầu được mở rộng, bước đầu tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường...
Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định trong nghị định về kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là việc bảo hiểm về giá cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Bởi vậy, cần nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu một cách công khai minh bạch, từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh.
TIN KHÁC
Bộ Công Thương làm việc với Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu về phát triển nhiên liệu sinh học(14/11/2024)
VCCI tán thành đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu(13/11/2024)
Ông Lương Hồ Anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex(13/11/2024)
Thách thức và cơ hội của BSR với "chính sách, thị trường và xu thế mới trong kinh doanh xăng dầu"(11/11/2024)
Thủ tướng yêu cầu kiên quyết bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng(11/11/2024)