Nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu (Dự thảo), trên cơ sở ý kiến của các DN và Hiệp hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới có ý kiến đến cơ quan soạn thảo là Bộ Công Thương.
Tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu quy định cơ chế giá bán mới, DN được quyết định giá bán xăng dầu nhưng không cao hơn mức trần. Đề cập đến quy định này, VCCI nêu ý kiến của các DN cho rằng, cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức, không thay đổi về bản chất việc quản lý giá xăng dầu.
“Công thức tính giá và các chi phí thành phần cũng không có sự thay đổi đáng kể so với hiện hành. Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành toàn bộ của việc cung ứng xăng dầu. Vì thế đại đa số DN vẫn sẽ phải bán theo giá trần, khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với DN khác. Như vậy, cơ chế mới này không có khác biệt trên thực tế so với hiện hành”, VCCI chỉ ra.
Từ đề xuất về cơ chế giá xăng dầu của Dự thảo, VCCI cho rằng, thủ tục kê khai giá bán xăng dầu với cơ quan nhà nước sẽ không còn cần thiết. Do đó đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc theo hai phương án: Một là, cho phép DN tự quyết định giá bán (không có giá trần), đi kèm với các quy định về công khai, minh bạch giá để người tiêu dùng lựa chọn. Hai là, bỏ thủ tục kê khai giá, hoặc miễn thủ tục này khi DN bán hàng đúng bằng giá trần theo quy định tại Dự thảo.
Khi DN tự định giá xăng dầu, đại đa số DN vẫn sẽ phải bán theo giá trần, khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với DN khác
Thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán lẫn nhau
Tại Điều 17 của Dự thảo quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối xăng dầu, trong đó không cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau. Lý giải cho điều này, cơ quan soạn thảo cho rằng, nếu cho phép thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau sẽ dẫn đến mua bán lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá xăng dầu lên cao.
VCCI nhận thấy, lập luận này không có cơ sở và đi ngược lại quy luật thị trường, khi các bên trên thị trường bán buôn xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn. “Giả sử có một nguồn hàng giá rẻ, nhưng do bị mua bán qua nhiều trung gian khiến giá bán tăng lên, thì người mua sẽ tìm đến tận gốc nguồn hàng để có thể mua rẻ hơn. Thương nhân phân phối nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường, do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và phân phối khác có giá rẻ hơn”, VCCI phân tích.
VCCI cũng viện dẫn Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP quy định hệ thống phân phối 1:1, nghĩa là thương nhân bán lẻ buộc phải phụ thuộc vào thương nhân phân phối. Trong trường hợp đó, nếu thương nhân phân phối tăng giá bán, thương nhân bán lẻ không thể đổi sang nhà cung cấp khác, nên buộc phải chịu giá cao. Tuy nhiên, từ Nghị định 80/2023/NĐ-CP đã cho phép thương nhân bán lẻ được nhập hàng từ nhiều nguồn. Tính cạnh tranh trên thị trường bán buôn tăng lên nên tình trạng trên đã không còn diễn ra.
Đối với một số ý kiến cho rằng, việc cho phép các thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau có thể khiến số liệu báo cáo về tình hình dự trữ xăng dầu không chính xác. Tuy nhiên VCCI chỉ rõ, theo Dự thảo, nghĩa vụ dự trữ lưu thông chỉ áp dụng cho thương nhân đầu mối, không áp dụng cho các thương nhân phân phối. Thêm vào đó, dự thảo đã bổ sung quy định tại Điều 9.5 về việc thương nhân đầu mối phải kết nối mạng với Bộ Công Thương báo cáo dữ liệu về kho chứa xăng dầu, tồn kho xăng dầu. Do đó, vấn đề dữ liệu tình hình dự trữ xăng dầu đã được xử lý.
“Từ những căn cứ phân tích và lập luận nêu trên, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Dự thảo theo hướng cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau”, VCCI nêu ý kiến.
Linh hoạt mức dự trữ xăng dầu
Ngoài những góp ý kể trên, đối với quy định giá bán lẻ xăng dầu tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một số khu vực cách xa nhà máy, hoặc cảng nhập khẩu vào diện được tăng giá thêm 2%. Điều này giúp các DN có thêm động lực để đưa xăng dầu lên các khu vực trên, phục vụ đời sống kinh tế xã hội.
Góp ý thêm về điều kiện đầu tư kinh doanh xăng dầu; quy định các hợp đồng thuê cảng, kho xăng dầu phải có thời hạn tối thiểu 5 năm…VCCI cho rằng nên bãi bỏ quy định về thời hạn hợp đồng 5 năm, bổ sung quy định DN phải duy trì quyền sử dụng cảng và kho trong suốt thời gian kinh doanh.
Để tránh sự tùy tiện, tạo cơ chế xin cho trong quá trình áp dụng việc phân bổ nguồn cung xăng dầu tối thiểu từ các thương nhân đầu mối, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ cơ sở tính toán để phân bổ tổng nguồn này cho các DN, bổ sung quy định cụ thể hơn tiêu chí để tính toán khi phân bổ tổng nguồn tối thiểu cho các DN phân phối.
Nhận thấy Dự thảo chưa có quy định về việc sử dụng xăng dầu dự trữ, VCCI lưu ý về nguyên tắc, khi đã có dự trữ hàng hóa thì phải có quy định về việc sử dụng hàng hóa đã dự trữ. Nếu không, hàng hóa dự trữ chỉ gây tốn kém chi phí xã hội mà không mang lại lợi ích thực tiễn nào.
VCCI cũng đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cơ chế Nhà nước điều hành lượng dự trữ lưu thông. Ví dụ, khi đứt gãy nguồn cung khiến xăng dầu trong nước thiếu hụt trong ngắn hạn, cơ quan quản lý có thể quyết định hạ mức dự trữ xuống 50% bình thường. Khi đó sẽ có thêm lượng xăng dầu được cung cấp ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đến khi nguồn cung xăng dầu được khôi phục, cơ quan quản lý có thể nâng mức dự trữ lên 100% như bình thường.
TIN KHÁC
Thành lập Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hà Nam(30/07/2024)