Chính phủ đồng ý giao dự toán, chi ngân sách Trung ương năm 2023 (chi đầu tư phát triển khác của ngân sách Trung ương) cho PVN số tiền 8.247 tỷ đồng để xử lý tài chính cho PVN khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 kinh phí xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Theo đó, Quyết định giao dự toán, chi ngân sách Trung ương năm 2023 (chi đầu tư phát triển khác của ngân sách Trung ương) cho PVN số tiền 8.247 tỷ đồng để xử lý tài chính cho PVN khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn giai đoạn 2018 - 2023.
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về các nội dung, số liệu báo cáo đề xuất. PVN chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, nội dung báo cáo và thực hiện đầy đủ các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến các vấn đề ảnh hưởng tới kết quả thực hiện chuỗi bao tiêu ảnh hưởng tới số tiền quyết toán chi phí bù giá.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 6, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương 2024, trong đó có khoản chi bù giá cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn là 9.653 tỷ đồng trên cơ sở Chính phủ trình Quốc hội xem xét, bố trí cho nhiệm vụ chi này.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dành nguồn 9.653 tỷ đồng trong dự toán để thực hiện bù giá trên cơ sở Chính phủ xác định chính xác số liệu và thực hiện kiểm toán theo quy định.
Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) là công ty liên doanh được thành lập vào tháng 4/2008, bởi bốn nhà đầu tư: PVN, Công ty Kuwait Petroleum Europe (KPE) của Kuwait, Công ty Idemitsu Kosan (IKC) và Mitsui Chemicals (MCI) của Nhật Bản.
Với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 9 tỷ USD và công suất chế biến 200.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm).
Theo thỏa thuận cam kết bảo lãnh Chính phủ (GGU), PVN bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nhà máy này trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương giá nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-5-7% (tức cộng thêm 3% với các sản phẩm hóa dầu, 5% với LNG và 7% với các sản phẩm xăng dầu). Trong 10 năm (đến 2028), nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.
TIN KHÁC
Petrolimex đào tạo, nâng cao kỹ năng Kiểm soát viên năm 2024(15/11/2024)
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 14/11/2024(14/11/2024)
Dự kiến từ 1/1/2025 áp dụng lộ trình mới về tiêu chuẩn khí thải ô tô, xe máy(14/11/2024)
Bộ Công Thương làm việc với Trung tâm Nhiên liệu Xanh Toàn cầu về phát triển nhiên liệu sinh học(14/11/2024)
VCCI tán thành đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu(13/11/2024)