10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm 2023
08:59 SA @ Thứ Ba - 02 Tháng Giêng, 2024

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, nền kinh tế trong nước đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, những tác động tiêu cực của thời kỳ “hậu COVID-19” lan rộng trên nhiều ngành, lĩnh vực… việc giữ ổn định đà hồi phục tăng trưởng kinh tế nhờ những quyết sách quyết liệt có thể coi là thành công đáng ghi nhận của Việt Nam. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân, đại biểu tham dự buổi gặp mặt chiều ngày 11/10/2023 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

1. Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nghị quyết số 41-NQ/TW xác định, đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tại Nghị quyết, Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn. Tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp quy mô lớn.

Nghị quyết cũng chỉ rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên.

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030 (Ảnh: TH)

2. Quốc hội thông qua Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 9/1/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm được xác định tại Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 45-KL/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội về phát triển vùng, ngành, lĩnh vực.

Đây là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.

Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030; trong đó, về kinh tế: phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030.

Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2023, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm (Ảnh: M.P) 

3. Giảm lãi suất 4 lần liên tiếp

Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2023, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm.

Đây được đánh giá là giải pháp linh hoạt, phù hợp điều kiện thị trường. Đồng thời, thể hiện rõ việc hiện thực hóa quan điểm nhất quán của Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và cả nền kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục giảm tốc, gặp khó khăn, một số nền kinh tế rơi vào suy thoái; lạm phát giảm chậm khiến định hướng điều hành chính sách tiền tệ, lộ trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương khó lường hơn.

Quyết định của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của tổ chức tín dụng tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo động lực để tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ.


Thành phố Hà Nội khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào ngày 25/6/2023. (Ảnh: TL)

4. Khởi công tuyến đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội

Ngày 25/6, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được khởi công. Tuyến đường có chiều dài 112,8 km, đi qua 3 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên với tổng mức đầu tư lên tới 86.000 tỷ đồng.

Việc khởi công tuyến đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội thể hiện sự cụ thể hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển hạ tầng chiến lược; trong đó hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, đang được tích cực triển khai trên toàn quốc.

Trước đó, tháng 6/2022, Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với mục tiêu cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Các nước đang phát triển đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc củng cố các quy tắc và xây dựng năng lực về kiểm soát chuyển giá 

5. Việt Nam là thành viên thứ 147 Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế

Ngày 22/3/2023 tại Paris, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã tổ chức lễ ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC) với Việt Nam. MAAC được OECD và Hội đồng châu Âu (EC) cùng phát triển vào năm 1988 và được sửa đổi bởi Nghị định thư năm 2010 để mở rộng cho các nước không phải thành viên OECD, Liên minh châu Âu (EU) được tham gia ký MAAC.

Đây là một khuôn khổ pháp lý quốc tế đa phương toàn diện nhất hiện nay, quy định bao quát các hình thức hợp tác quốc tế về hành chính thuế để giải quyết tình trạng trốn thuế, tránh thuế và các hình thức không tuân thủ khác, từ đó tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin thuế. Đồng thời, giúp gia tăng nhanh chóng mạng lưới trao đổi thông tin thuế với các bên tham gia MAAC.

Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023) (Ảnh: TL)

6. Tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 1/11/2023, Việt Nam tiếp tục là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và dự báo tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025.

Thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong phát triển kinh tế. Tổng giá trị hàng hoá (GMV) của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) ở mức 20%, từ 30 tỷ USD vào năm 2023 lên gần 45 tỷ USD vào năm 2025.

Kỳ vọng các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng cao, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam phát triển mạnh hơn, tạo bước đà cho kinh tế phát triển, giúp các doanh nghiệp khôi phục và mở rộng thị trường.


GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước (Ảnh: qdnd.vn)

7. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,05%

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12/2023 cho thấy, GDP năm 2023 ước tính tăng 5,05% so với năm trước.

Nền kinh tế nước ta năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao. Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu,… đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp.

Với xu hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 quý sau cao hơn quý trước, với quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%, và quý IV ước tính tăng 6,72%.

Nhờ đó, nền kinh tế nước ta tiếp tục có sự phục hồi, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.


Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Ảnh: vneconomy.vn)

8. Phê duyệt Quy hoạch điện VIII

Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Quy hoạch điện VIII quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng gắn với hiện đại hóa sản xuất, xây dựng lưới điện thông minh, quản trị hệ thống điện tiên tiến, phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển khoa học công nghệ của thế giới.

Hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tổng thể dựa trên năng lượng tái tạo, năng lượng mới, tổng công suất đặt các nguồn điện đến 2030 là 150,489 GW (gần gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay, khoảng 80 GW).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sản lượng xuất khẩu gạo năm 2023 có thể đạt 8 triệu tấn, kim ngạch 4,6 tỷ USD (Ảnh: baodautu.vn) 

9. Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục

Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu gạo nước ta đã đạt gần 7,8 triệu tấn, kim ngạch 4,4 tỉ USD. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sản lượng xuất khẩu gạo năm 2023 có thể đạt 8 triệu tấn, kim ngạch 4,6 tỷ USD.

Đây là con số kỷ lục chưa từng có kể từ năm 1989 đến nay (sau 34 năm gạo Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới).

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có mức cao nhất. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 1/11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, giá gạo Việt Nam đang có mức cao nhất, với giá gạo tấm 5% của Việt Nam đạt 653 USD/tấn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có số lượng giống lúa năng suất, chất lượng cao (chiếm tới 85 - 90%) đã tạo cơ sở cho việc chỉ đạo sản xuất, tạo ra sản lượng lúa gạo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Với sản lượng trên 43 triệu tấn lúa, ngoài việc dành cho tiêu thụ nội địa, chế biến, dự trữ, Việt Nam có thể đảm bảo xuất khẩu 7,5 - 8 triệu tấn gạo.

Điều này khẳng định vị thế của Việt Nam trên thị trường lúa gạo toàn cầu cũng như việc đảm bảo an ninh lương thực.

Năm 2023 cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 28 tỷ USD, gấp hơn 2,3 lần so với năm 2022 (Ảnh: VGP)


10. Xuất siêu ước đạt 28 tỷ USD

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12/2023 cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 12 ước tính xuất siêu 2,28 tỷ USD. Tính chung cả năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 28 tỷ USD, gấp hơn 2,3 lần so với năm 2022 (năm 2022 xuất siêu 12,1 tỷ USD).

Cán cân thương mại ghi nhận tiếp tục xuất siêu; đã góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Nguồn: