Giá dầu thô đã giảm khoảng 10 USD/thùng kể từ mức đóng phiên trong tuần trước.
Giá dầu thế giới giảm hơn 5 USD/thùng trong phiên 4/10 do số liệu cho thấy nhu cầu xăng yếu đi và bức tranh kinh tế vĩ mô ảm đạm hơn.
Trong ảnh: Bể chứa dầu tại Carson, California, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 5,11 USD, tương đương 5,6%, xuống 85,81 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 5,01 USD, tương đương khoảng 5,5% xuống 84,22 USD/thùng.
Giá dầu thô đã giảm khoảng 10 USD/thùng kể từ mức đóng phiên trong tuần trước.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 4/10 cho biết lượng xăng thành phẩm, thước đo nhu cầu, đã giảm trong tuần trước xuống khoảng 8 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ đầu năm nay.
Ông Bob Yawger, lãnh đạo của ngân hàng Mizuho, cho biết một phần nhu cầu sụt giảm có thể do những trận mưa xối xả gây lũ lụt ở New York vào thứ Sáu tuần trước và cơn bão hậu nhiệt đới Ophelia đã gây ra mưa lớn ở vùng Đông Bắc vào cuối tháng 9/2023.
Theo các nhà phân tích hàng hóa tại ngân hàng JP Morgan, mức tiêu thụ xăng của Mỹ ở mức thấp nhất trong 22 năm. Các nhà phân tích cho hay giá nhiên liệu tăng 30% trong quý III/2023 đã dẫn đến nhu cầu giảm 223.000 thùng/ngày. Dự trữ xăng đã tăng khoảng 6,5 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với dự báo tăng 200.000 thùng.
Dự trữ dầu thô trên toàn quốc của Mỹ giảm 2,2 triệu thùng xuống 414,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 29/9, nhưng lượng dầu tại Cushing, Oklahoma, trung tâm phân phối WTI, tăng lần đầu tiên sau 8 tuần.
Ngày 4/10, Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+, đã khuyến nghị các nước thành viên duy trì chiến lược cắt giảm sản lượng hiện nay sau khi 2 nước xuất khẩu hàng đầu là Saudi Arabia và Nga tuyên bố tiếp tục chính sách cắt giảm sản lượng để giữ giá dầu ổn định.
Giá dầu đã khôi phục trong những tháng gần đây và lên khoảng 100 USD/thùng trong tuần trước sau khi Nga và Saudi Arabia giảm sản lượng hàng triệu thùng. Dù vậy, giá dầu thô có dấu hiệu giảm trong những ngày gần đây khi các thị trường đều lo ngại tăng trưởng kinh tế đang chậm lại, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) duy trì lãi suất ở mức cao.
Trong thông báo đưa ra sau hội nghị trực tuyến của JMMC, OPEC+ cho biết ủy ban này tái khẳng định các nước thành viên cần tiếp tục duy trì chiến lược giảm sản lượng tới cuối năm 2024. JMMC cũng sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết ở bất kỳ thời điểm nào, tùy theo các điều kiện thị trường.
Cuộc họp tiếp theo của JMMC diễn ra vào ngày 26/11 trước thềm cuộc họp cấp bộ trưởng các nước thành viên OPEC+. JMMC không có quyền đưa ra quyết định nhưng có nhiệm vụ thảo luận về các điều kiện thị trường và đưa ra những khuyến nghị để thảo luận chính thức tại cuộc họp cấp bộ trưởng của OPEC+.
Trước đó cùng ngày 4/10, Saudi Arabia và Nga thông báo sẽ tiếp tục tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu mỏ cho đến cuối năm nay. Theo đó, Saudi Arabia cho biết sẽ duy trì mức giảm 1 triệu thùng/ngày trong 2 tháng cuối năm 2023. Nga thông báo sẽ giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày cho tới cuối năm nay.
Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24 TV, ngày 4/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đánh giá thị trường dầu toàn cầu hiện đang ở điểm cân bằng nhờ nỗ lực từ các nước OPEC+ đồng thời dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ sẽ ở mức cao kỷ lục năm 2023. Ông Novak cho rằng nhu cầu dầu mỏ đang ở mức khá cao trong giai đoạn Hè và Thu. Con số này ước ở mức 102,4 triệu thùng/ngày.
Tin tức kinh tế cũng gây áp lực lên giá dầu. Dữ liệu cho thấy tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã chậm lại trong tháng 9/2023./.
TIN KHÁC
Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch biến động(15/11/2024)
Nhật Bản tiếp tục trợ cấp giá xăng tới năm 2025(14/11/2024)
Giá dầu thế giới phục hồi từ mức thấp nhất trong gần hai tuần(14/11/2024)
Giá dầu thế giới gần mức thấp nhất trong hai tuần(13/11/2024)
Mỹ: Chính quyền đương nhiệm mua đợt dầu cuối cùng cho kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược(11/11/2024)