Biến dầu thải thành nhiên liệu sinh học
09:32 SA @ Thứ Năm - 22 Tháng Hai, 2024

Một công ty Nhật Bản đã phát minh công nghệ chuyển đổi dầu ăn đã qua sử dụng thành nguồn nhiên liệu sinh học sạch hơn và thân thiện môi trường, được dùng cho ngành hàng không.

Biến dầu ăn đã qua sử dụng thành nhiên liệu sinh học. Ảnh: GETTY

Quá trình chuyển đổi dầu ăn đã qua sử dụng thành nhiên liệu hàng không sử dụng những kỹ thuật tiên tiến để có thể biến loại chất thải này thành nhiên liệu chất lượng cao, tương thích với động cơ máy bay hiện có. Vừa qua, chính quyền thành phố Omitama, tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) cùng Tập đoàn xăng dầu ENEOS và Công ty tinh chế dầu Yoshikawa Yushi của nước này đã ký kết thỏa thuận hợp tác về thu gom và tái chế dầu ăn đã qua sử dụng để sản xuất thành nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Theo CNN, từ tháng 12/2023, chính quyền thành phố Omitama và Công ty Yoshikawa Yushi đã bắt đầu thử nghiệm thu gom dầu ăn đã qua sử dụng tại các điểm thu gom đặt ngay ở những cơ sở chăm sóc trẻ em trong thành phố. Điều này khiến cho việc thu gom trở nên thuận tiện hơn, vì phụ huynh và con em họ có thể dễ dàng mang dầu ăn đã qua sử dụng từ nhà tới cơ sở giữ trẻ hằng ngày. Sau đó, với sự tham gia của ENEOS, dầu ăn đã qua sử dụng tại địa phương sẽ được cung cấp cho nhà máy sản xuất SAF. Dự kiến chương trình sẽ thu gom khoảng 1.800 lít dầu/năm. Omitama cũng là địa phương thứ hai của Nhật Bản thu gom dầu ăn thải làm nguyên liệu thô cho SAF.

Máy bay sử dụng nhiên liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ thải ra một lượng lớn CO2, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Khí thải hàng không còn giải phóng các chất ô nhiễm vào khí quyển do hoạt động của máy bay, vì vậy góp phần làm biến đổi khí hậu, suy thoái chất lượng không khí và tác động đến môi trường. Do đó, các nhà nghiên cứu kỳ vọng sử dụng SAF sẽ giảm đáng kể lượng khí thải này.

Ngoài ra, hoạt động này cũng phù hợp xu hướng phát triển nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy sử dụng tài nguyên có trách nhiệm và giảm chất thải. Việc tái sử dụng dầu ăn thành nguồn năng lượng có giá trị đang góp phần giúp ngành hàng không bền vững và linh hoạt hơn.

Nguồn: