Ấn Độ giảm mạnh nhập dầu Nga
10:27 SA @ Thứ Tư - 21 Tháng Hai, 2024

Sau thời gian ồ ạt mua dầu giá rẻ từ Nga, gần đây Ấn Độ bắt đầu giảm mạnh. Giới quan sát cho rằng đây cũng là một dấu hiệu cho thấy nỗ lực siết trừng phạt Nga của Mỹ và các đồng minh đang phát huy hiệu quả....

Năm 2023, Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Ấn Độ, chiếm khoảng 30% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này của quốc gia Nam Á - Ảnh: Reuters
Năm 2023, Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Ấn Độ, chiếm khoảng 30% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này của quốc gia Nam Á - Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu mới nhất, nhập khẩu dầu thô Nga của Ấn Độ trong tháng 1/2024 đã giảm 35% so với mức đỉnh của năm ngoái, xuống mức thấp nhất một năm. Điều này diễn ra trong bối cảnh quốc gia Nam Á đang đa dạng hóa nguồn cung dầu.

Chia sẻ với tờ báo Nikkei Asia, Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ Hardeep Singh Puri nhận xét sự sụt giảm này phản ánh “nhu cầu phải cung cấp năng lượng với mức giá rẻ nhất” cho người dân.

"Chúng tôi là một nền dân chủ. Chúng tôi phải hồi đáp nguyện vọng của cử tri”, ông Puri cho biết trong một cuộc khỏng vấn tại triển lãm Tuần lễ Năng lượng Ấn Độ diễn ra tại bang Goa hôm 9/2.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022, Ấn Độ bắt đầu ồ ạt nhập khẩu dầu Nga nhằm tranh thủ mức giá giảm sâu do ngành dầu khí Nga hứng loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây. Từ mức gần như bằng 0 vào tháng 1/2022, một tháng trước khi xung đột nổ ra, nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ tăng vọt lên 1,27 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2023 – theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Vortexa.

Năm 2023, Nga trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Ấn Độ, chiếm khoảng 30% tổng lượng nhập khẩu mặt hàng này của quốc gia Nam Á. Mức nhập khẩu đạt đỉnh 1,99 triệu thùng/ngày vào tháng 7/2023.

Tuy nhiên, gần đây, lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào Ấn Độ có xu hướng giảm, xuống còn khoảng 1,29 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2024. Ấn Độ giờ đây nhập khẩu dầu nhiều hơn từ các nhà cung cấp khác như Iraq.

“Trong 2 năm qua, chúng tôi đã đa dạng hóa nguồn cung dầu. Hiện chúng tôi đang nhập khẩu dầu thô từ 39 quốc gia trên thế giới”, ông Puri nói và cho biết các nhà cung cấp khác có thể sẽ đưa ra mức giá tốt hơn nữa cho Ấn Độ.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo trong giai đoạn từ 2023-2030, nhu cầu dầu của Ấn Độ sẽ tăng khoảng 20% lên 6,6 triệu thùng/ngày.

Theo ông Puri, Ấn Độ là một trong số ít thị trường dầu đang tăng trưởng nhanh và tất cả các nước xuất khẩu dầu mỏ đều muốn bán nhiều hơn cho quốc gia này.

Giới quan sát cho rằng việc Ấn Độ giảm nhập khẩu dầu Nga cũng là một dấu hiệu cho thấy nỗ lực siết trừng phạt Nga của Mỹ và các đồng minh đang phát huy hiệu quả.

Tháng 12/2022, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) thống nhất áp mức giá trần 60 USD/thùng với dầu Nga. Tất cả những hợp đồng mua bán dầu Nga có giá trên ngưỡng này sẽ không mua được bảo hiểm vận tải biển – lĩnh vực mà châu Âu hiện thống trị. Tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã trừng phạt 2 tàu biển thuộc sở hữu của các công ty ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm giá trần.

Tuy nhiên, Moscow được cho là sử dụng các “đội thuyền bóng đêm” gồm các tàu chở dầu cũ để lách trừng phạt của phương Tây.

Trong bối cảnh ngành tài chính của Nga cũng bị trừng phạt, năm 2022, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) năm 2022 đã thiết lập một hệ thống cho phép thực hiện các giao dịch thanh toán bằng đồng nội tệ rupee. Tuy nhiên, việc sử dụng hệ thống này cũng hạn chế do rủi ro về tỷ giá và phí giao dịch.

Ấn Độ được cho là thanh toán dầu Nga chủ yếu bằng đồng USD hoặc đồng dirham của UAE. Quốc gia Nam Á cũng bắt đầu trao đổi các loại hàng hóa khác lấy dầu. Theo truyền thông Nga, một số đơn hàng dầu Nga của Ấn Độ được thanh toán bằng chuối. Hai bên hiện đang thảo luận về việc trao đổi một số loại trái cây khác cho các hợp đồng dầu.

Về phía Nga, sau khi bị phương Tây trừng phạt do xung đột ở Ukraine, Nga quay sang xuất khẩu dầu sang châu Á. Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Nga, doanh thu dầu và khí đốt tháng 1 của nước này đã tăng 59% so với cùng kỳ năm trước lên khoảng 680 tỷ rúp (khoảng 7,41 tỷ USD).

Nguồn: