Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty CP Lọc hóa đầu Bình Sơn (BSR) hoàn thành và về đích trước kế hoạch cả năm 2023 ở nhiều chỉ tiêu quan trọng. Mấu chốt PVOIL, BSR lấy nòng cốt chuyển đổi số và con người để thành công.
Thành công nhờ chuyển đổi số
PVOIL có năm 2023 đạt nhiều kết quả tích cực, về đích sớm nhiều chỉ tiêu quan trọng trong sản xuất và kinh doanh với sự gia tăng vượt bậc. Lũy kế 11 tháng qua, sản lượng kinh doanh xăng dầu của PVOIL đạt khoảng 4,7 triệu m3, tăng 28% so với cùng kỳ và hoàn thành 156% kế hoạch 11 tháng.
Ước cả năm, sản lượng kinh doanh của toàn hệ thống PVOIL đạt khoảng 5,2 triệu m3, tăng khoảng 1 triệu m3 so với năm 2022 (4,2 triệu m3). PVOIL cũng phát triển mạnh hệ thống bán lẻ, nâng số lượng cửa hàng xăng dầu trong toàn hệ thống đến nay đạt 770 cửa hàng trải khắp cả nước, góp phần cùng Nhà nước đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu trong nước.
Chủ tịch HĐQT PVOIL Cao Hoài Dương cho biết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, bán lẻ, số lượng khách hàng lên tới hàng chục triệu. Do đó, đơn vị rất chú trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào trong các hoạt động kinh doanh. Điều này hướng đến 2 mục tiêu: quản trị và nâng cao, nâng tầm trải nghiệm của khách hàng, từ đó, nâng cao lợi thế cạnh tranh của PVOIL.
“Doanh nghiệp có thể tự hào và tự tin, sản lượng kinh doanh năm nay sẽ đạt được 5,2 triệu m3. Với con số này, đạt được tăng trưởng 25% so với năm ngoái. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp đạt được mức tăng trưởng trên 25%. Kết quả đấy, thành tích đấy là tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó có việc chuyển đổi số”- ông Cao Hoài Dương nói.
Ông cho biết, lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực có mức độ cạnh tranh rất khốc liệt. PVOIL có đến hơn 95% là khách hàng bên ngoài. Hiện nay, PVOIL cũng rất tự hào là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ 4.0, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ.
Hiện nay, khách hàng đến PVOIL có rất nhiều phương thức thanh toán: Tiền mặt, thẻ tín dụng, mã QR. Đơn vị cũng đang thí điểm một ứng dụng triển khai trên 20 cửa hàng xăng dầu, và sắp tới cũng sẽ áp dụng trên toàn hệ thống. Theo đó, khách hàng có thể ngồi trong xe, có thể ra lệnh bằng giọng nói, sau đó sẽ được bơm xăng và thanh toán chỉ bằng một nút chạm “OK” trên điện thoại thông minh.
“PVOIL cũng có phần mềm cho các khách hàng công nghiệp khi đến mua tại kho xăng dầu, có thể hoàn toàn thực hiện trên điện thoại thông minh. Phần mềm này không chỉ giúp khách hàng thanh toán đơn giản, thuận tiện mà còn giúp khách hàng quản trị. Việc chuyển đổi số là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần vào việc gia tăng sản lượng kinh doanh của PVOIL” - ông Cao Hoài Dương chia sẻ.
Vị này cho hay, ngay khi Nghị định số 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành vào tháng 11, đơn vị lập tức nghiên cứu đánh giá hệ thống cây xăng của mình để hướng tới có thể xuất hóa đơn điện tử cho từng giao dịch một. Trong hệ thống đã có những cây xăng sẵn sàng, có những cây xăng mua lại của các doanh nghiệp khác hoặc thuê, trong đó có những trụ bơm phải nâng cấp. Đơn vị có nghiên cứu đánh giá rất nhanh, để có thể đầu tư 100% các trụ bơm của PVOIL đáp ứng nhu cầu về xuất hóa đơn điện tử ngay sau khi bơm xong, với kinh phí đầu tư 200 tỉ đồng.
“Đây cũng là một khoản kinh phí lớn, đặc biệt lợi nhuận của PVOIL từ kinh doanh xăng dầu rất mỏng. Đây cũng là thách thức nhưng xác định là nhiệm vụ thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế… PVOIL sẽ triển khai theo từng giai đoạn, có những cây xăng có thể triển khai ngay được, có những cây xăng có thể mất từ 3 - 6 tháng để có thể triển khai…” - ông Cao Hoài Dương nói.
Người lao động là mấu chốt
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc BSR Nguyễn Việt Thắng thông tin, đơn vị đã đảm bảo công tác vận hành sản xuất, đảm bảo nguồn nhiên liệu, năng lượng quốc gia, với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô, sản phẩm, đáp ứng 30% nhu cầu trong nước.
Trong 11 tháng năm 2023, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của BSR đều vượt kế hoạch đề ra: Sản lượng sản xuất trên 6,7 triệu tấn; doanh thu đạt 134.208 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước 15.343 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế vượt xa kế hoạch đề ra. Dự kiến tháng 12/2023, sản lượng sản xuất của NMLD Dung Quất sẽ đạt 617.575 tấn sản phẩm các loại. Ước tính hết năm 2023 BSR sẽ đạt hơn 7,34 triệu tấn, vượt 31% so với kế hoạch sản xuất năm 2023.
“BSR là doanh nghiệp có nhiều người lao động. Thành công chung của doanh nghiệp không thể không nhắc đến sự đóng góp miệt mài của hơn 1.500 người lao động đang làm việc 24/24h. Người lao động là mấu chốt của thành công của doanh nghiệp nên các chế độ lương đào tạo, lương, thưởng cũng được doanh nghiệp những năm qua đặc biệt quan tâm, đặt lên hàng đầu” - ông Nguyễn Việt Thắng khẳng định.
Nhằm tạo động lực tinh thần cho nhân viên làm việc, doanh nghiệp còn chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, tuyên dương, thưởng cho những phát huy sáng kiến, hoàn thành hiệu quả kinh doanh. Không dựng lại ở đó, doanh nghiệp luôn ý thức trách nhiệm xã hội, triển khai nhiều hoạt động, chính sách an sinh xã hội, quan tâm đến người lao động trên khắp cả nước như xây dựng hàng trăm công trình trường học, nhà tình nghĩa, chương trình Tết, chương trình vì người nghèo…
TIN KHÁC
PLC xin điều chỉnh giảm lợi nhuận và cổ tức tối thiểu năm 2024(11/12/2024)
Hai giải thưởng lớn về Báo cáo thường niên và Quản trị công ty năm 2024 đã được trao cho Petrolimex(21/11/2024)
Petrolimex đào tạo, nâng cao kỹ năng Kiểm soát viên năm 2024(15/11/2024)
Thách thức và cơ hội của BSR với "chính sách, thị trường và xu thế mới trong kinh doanh xăng dầu"(11/11/2024)
Petrolimex và GEAPP phối hợp thực hiện chuyển dịch năng lượng xanh(06/11/2024)