NMLD Dung Quất được xây dựng với nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, từng bước giúp Việt Nam giảm nhập khẩu xăng dầu,hạn chế phụ thuộc nguồn nhập khẩu.
Bác Hồ là người đặt nền móng cho ngành Dầu khí Việt Nam. Thực hiện mong muốn của Người, ngành Dầu khí Việt Nam có những bước tiến vững chắc và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhưng đến tận đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mảnh ghép cuối cùng hoàn thiện ngành Dầu khí Việt Nam vẫn còn thiếu. Đó là mảnh ghép về lĩnh vực lọc, hóa dầu. Đối với ngành Dầu khí Việt Nam cùng thế giới, lĩnh vực lọc, hóa dầu là miếng ghép cuối cùng để hoàn thiện các cơ cấu của ngành từ khâu thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn.
Khát vọng Dung Quất
Nếu như khâu thượng nguồn là các lĩnh vực tìm kiếm thăm dò, khai thác; khâu trung nguồn là vận chuyển, tàng trữ, phân phối thì khâu hạ nguồn là việc đưa các sản phẩm dầu, khí trực tiếp vào cuộc sống. Nếu không có nhà máy lọc dầu thì sau khi khai thác được dầu thô, chúng ta sẽ phải bán cho các nước có ngành lọc, hóa dầu phát triển và mua lại các sản phẩm xăng, dầu diesel… đã được lọc từ họ. Còn đối với lĩnh vực hóa dầu là hàng loạt những sản phẩm khác như đạm, tơ nhân tạo, cao su nhân tạo và hơn 2.000 sản phẩm khác. Việc này sẽ gây khó khăn trong việc dự trữ ngoại hối của đất nước và quan trọng hơn là không tự chủ được an ninh năng lượng quốc gia. Chính phủ Việt Nam tốn rất nhiều công sức để xây dựng nhà máy lọc dầu (NMLD) đầu tiên của đất nước là để giải quyết bài toán này. Và Dung Quất là nơi được lựa chọn.
Tại sao Dung Quất được lựa chọn là một câu chuyện dài. Trở lại thời điểm năm 1994, địa điểm dự kiến đặt NMLD đầu tiên của Việt Nam được chốt lại tại 1 trong 5 địa điểm: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Hòn La (Quảng Bình), Dung Quất (Quảng Ngãi), Vân Phong (Khánh Hòa) và Long Sơn (Vũng Tàu). Thời điểm đó, tiêu thụ xăng dầu trong nước của 3 miền Bắc, Trung, Nam lần lượt là 35%, 18% và 47 %. Nếu căn cứ đơn thuần vào nhu cầu tiêu thụ và nguồn dầu thô nguyên liệu thì Long Sơn là ứng viên số 1. Bởi đây nằm trong vùng tiêu thụ xăng dầu lớn nhất cả nước và gần vùng dầu thô nguyên liệu Vũng Tàu.
Vịnh Vân Phong cũng là một lựa chọn “nặng ký” khi nơi đây có cảng nước sâu, thuận lợi cho việc xuất - nhập dầu thô và các sản phẩm, nhưng khi xem xét kỹ thấy Vân Phong có tiềm năng du lịch rất lớn nên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định để dành Vân Phong cho du lịch. Nghi Sơn cũng là một lựa chọn được đặt lên bàn cân, nhưng nếu sử dụng nguồn dầu thô trong nước, đây lại là địa điểm quá xa để vận chuyển nguyên liệu.
Còn Dung Quất có cảng nước sâu, phù hợp cả yếu tố kinh tế và chính trị. Chính phủ muốn biến Dung Quất (trong đó hạt nhân là NMLD) trở thành động lực để kéo kinh tế cả một vùng miền Trung nghèo khó vươn lên. Với vị trí tại trung tâm đất nước, NMLD Dung Quất như một trái tim “thình thịch đập” để đưa dòng chảy năng lượng như dòng máu nóng đi khắp Việt Nam. Và câu chuyện phía sau đã trở thành lịch sử. Với tầm nhìn sâu rộng, trí tuệ sáng suốt và sự quyết đoán của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Dung Quất được chọn là nơi bắt nguồn cho khát vọng phát triển ngành lọc hóa dầu Việt Nam.
Quyết định lịch sử cho an ninh năng lượng đất nước
Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Đỗ Quang Toàn, nguyên Vụ trưởng Vụ Dầu khí, Văn phòng Chính phủ kể lại rằng, khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt họp Chính phủ để bàn việc ra quyết định xây dựng NMLD đầu tiên, cố Thủ tướng có nói với các thành viên dự họp: “Hôm nay chúng ta quyết định chọn Dung Quất - Quảng Ngãi làm NMLD số 1. Đã quyết định rồi, tôi đề nghị các đồng chí không được bàn tán gì nữa, quyết là làm”. Đến năm 2005, trong thư gửi Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 7, khóa XI, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết: “Cho đến nay, nếu được xem xét lại, tôi vẫn chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng NMLD như nhận định ban đầu, để góp phần rất có ý nghĩa cho khu vực kinh tế miền Trung và cho cả nước trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế”. Và những câu chuyện sau này là lịch sử.
NMLD Dung Quất được xây dựng với nhiệm vụ tối quan trọng là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, từng bước giúp Việt Nam giảm nhập khẩu xăng dầu, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Và trong suốt quá trình hoạt động, NMLD Dung Quất đã thể hiện rất tốt vai trò trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Khi chưa có NMLD Dung Quất thì sau khi khai thác dầu thô, Việt Nam phải bán toàn bộ cho các nước có ngành lọc hóa dầu phát triển và mua lại các sản phẩm xăng dầu của họ. Việc này giống như “bán thô, mua tinh”, đồng nghĩa với việc bán rẻ, mua đắt, gây khó khăn trong việc dự trữ ngoại hối của đất nước và quan trọng hơn là không tự chủ được nguồn cung, gây ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia. Nếu một ngày đất nước có chiến tranh hoặc biến động về địa chính trị, thiên tai, dịch bệnh…, nguồn cung xăng dầu từ bên ngoài bị gián đoạn thì vai trò của NMLD trong nước là rất quan trọng.
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) luôn quản lý tốt và vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định ở công suất trung bình 103-112% công suất thiết kế, hằng năm sản xuất trên 6 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại, đáp ứng hơn 30% nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước. Xâu chuỗi lại các số liệu trong 16 năm qua (từ thời điểm NMLD Dung Quất đi vào vận hành thương mại) thì hơn 30% nguồn cung từ NMLD Dung Quất là nguồn cung ổn định nhất cho thị trường trong nước khi xảy ra biến động. Khi thị trường dầu thô và sản phẩm xăng dầu toàn cầu bị ảnh hưởng lớn do giá và nguồn cung biến động mạnh, để chủ động ứng phó với khủng hoảng, BSR đã áp dụng các giải pháp linh hoạt nhằm duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, ổn định, góp phần bình ổn giá và thị trường, đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng từ dầu thô - sản xuất - phân phối sản phẩm. BSR cũng đã chủ động bám sát diễn biến thị trường, duy trì công suất vận hành ở mức cao, đẩy nhanh công tác bán hàng và xuất bán tối đa sản phẩm nhằm tăng nguồn cung để đáp ứng nhu cầu xăng dầu nội địa, bình ổn thị trường xăng dầu theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trong thời điểm thị trường biến động, vai trò quan trọng của NMLD Dung Quất lại càng được thể hiện. Sự quan trọng đó khó có thể định lượng bằng các con số cụ thể. Nhưng nếu phân tích kỹ, vai trò đó là luôn đảm bảo nguồn cung trong khả năng của nhà máy (ở thời điểm hiện tại là khoảng 30% nhu cầu thị trường). Điều tiết sản lượng, nhanh chóng xuất hàng để bình ổn thị trường. Đó là những việc làm cụ thể, khẳng định vai trò quan trọng của NMLD Dung Quất - một trong những “viên gạch” quan trọng giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng, xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển đất nước.
BSR hiện đang tích cực triển khai Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất và quyết tâm, nỗ lực phấn đấu để tiếp tục đạt được những thành tựu mới trên chặng đường phát triển mới. Chiến lược phát triển của BSR đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là xây dựng và phát triển BSR đóng vai trò nòng cốt trong việc hình thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của Petrovietnam và đóng góp tích cực vào việc đạt được các mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Mô hình tăng trưởng mới của BSR trong thời gian tới sẽ lấy lọc hóa dầu là nền tảng với sự đột phá về kinh doanh và đầu tư.
Xin kết lại bài viết bằng một ý của nhà thơ Thanh Thảo khi viết về công cuộc xây dựng NMLD Dung Quất: “Bản thân công cuộc xây dựng NMLD Dung Quất đã là một bản anh hùng ca về lao động, về sự hy sinh, về tình yêu của con người với đất nước mình. Có thể rồi chúng ta sẽ có nhiều NMLD ở Việt Nam, nhưng NMLD Dung Quất là nhà máy đầu tiên, NMLD số 1”.
TIN KHÁC
Đâu là 5 nhà khai thác dầu lớn nhất năm 2023?(29/12/2023)