Dưới chân đồi vùng Cao nguyên của Scotland có một nơi lưu trữ nhiên liệu ngầm lớn nhất do con người xây dựng thường được gọi là The Tunnel (hầm ngầm) hoặc tên chính thức là Inchindown, nằm ở khu vực Easter Ross, Scotland.
Trong bất kỳ cuộc chiến nào, khả năng duy trì và tuyến đường cung cấp nhiên liệu thiết yếu đóng vai trò quan trọng hơn cả. Khả năng lưu trữ các nguồn quân nhu và khí tài cần thiết cũng như di chuyển chúng đến các đơn vị binh sĩ cần chúng khi cần thiết thường gặp nhiều khó khăn và trở ngại do các tuyến cung ứng thường là mục tiêu của kẻ địch.
Dưới chân đồi vùng Cao nguyên của Scotland có một nơi lưu trữ nhiên liệu như thế. Đó là một kho chứa nhiên liệu ngầm lớn nhất do con người xây dựng thường được gọi là The Tunnel (hầm ngầm) hoặc tên chính thức là Inchindown, nằm ở khu vực Easter Ross, Scotland.
Kho chứa dầu dưới lòng đất
Trong suốt Thế chiến II, công tác lưu trữ và phân phối nhiên liệu đóng vai trò thiết yếu. Một trong những cơ sở được thiết lập để phục vụ mục đích trên là kho nhiên liệu mang tên Inchindown ở Scotland.
Kho chứa nhiên liệu ngầm ở Scotland trong Thế chiến II.
Theo Cơ quan Mật vụ Scotland, kho chứa này nằm cách thị trấn cảng Invergordon khoảng 4 dặm về phía Bắc và được xây dựng từ giữa năm 1939 và 1942 giữa lúc quân đội Hoàng gia Anh quan ngại về việc Đức củng cố sức mạnh quân đội từ những năm 1930. Trong những giai đoạn đầu xây dựng công trình này, đa phần công nhân là đàn ông bản địa có kinh nghiệm xây dựng các nhà máy thủy điện.
Sau đó, Hải quân Hoàng gia Scotland cũng tham gia xây dựng công trình này. Kho chứa được kết nối với xưởng đóng và sửa chữa tàu, bến cảng và kho quân nhu của Hải quân Hoàng gia ở thị trấn Invergordon thông qua một hệ thống đường ống ngầm, vốn giúp cho các công tác nói trên tránh được các cuộc oanh tạc của quân địch.
Theo ông Allan Kilpatrick, thuộc Ủy ban Hoàng gia về di tích lịch sử cổ đại Scotland, hệ thống đường hầm bên trong kho chứa này là một công trình xây dựng hết sức ấn tượng.
Ông Kilpatrick chia sẻ: "Quy mô dự án xây dựng kho hầm ngầm này rất lớn lao, một công trình xây dựng lớn nhất ở vùng Cao nguyên Scotland kể từ sau khi kênh Caledonian (được một số ý kiến cho là kênh lớn nhất thế giới) được xây dựng và chắc chắn là một công trình ngầm dưới mặt đất lớn nhất cho đến khi nhà máy điện tích năng Ben Cruachan của Scotland được xây dựng và hoàn thành trong những năm 1960".
Vào thời điểm đó, kho chứa nhiên liệu này nằm trong số 5 kho như vậy tại Scotland và mục đích của chúng là cung cấp nhiên liệu cho Hải quân Hoàng gia trong trường hợp các kho chứa nhiên liệu được biết đến của Scotland bị quân Đức phong tỏa.
Tại thị trấn Invergordon, kho nhiên liệu này thường chỉ được biết đến là "một đường hầm" (The Tunnel). Thế nhưng, bên trong kho chứa này là 6 bể chứa nhiên liệu khổng lồ. Chỉ có hai đường hầm dẫn đến 6 bể chứa này và dọc hai đường hầm không hề được bố trí bất kỳ cánh cửa hầm nào.
Vì vậy, cách duy nhất để đến được hoặc chui ra khỏi các bể chứa nhiên liệu này là bằng các đường ống. 5 trong số 6 bể chứa này có thể lưu trữ 32 triệu gallon nhiên liệu (khoảng hơn 121 triệu lít) và một bể còn lại dung lượng chứa nhỏ hơn.
Theo ông Kilpatrick, những bể chứa này đều chứa tối đa nhiên liệu và hoạt động hết công suất trong thời gian xảy ra chiến tranh Falkland năm 1982, một chiến tranh kéo dài trong 10 tuần giữa Argentina và Anh quốc về hai lãnh thổ là quần đảo Falkland và Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich tại Nam Đại Tây Dương.
Dầu nặng (hay còn gọi là dầu cặn nguyên chất) chứa trong 6 bể này không còn sử dụng được nữa. Các bể chứa dầu này hiện đã được làm sạch dầu và các chất cặn bã độc hại để trở thành những hiện vật phục vụ du khách trong các chuyến du lịch tham quan di tích lịch sử.
Phim tài liệu về Inchindown
Theo BBC, gần đây, hai nhiếp ảnh gia là David Allen và Simon Riddell đã quyết định khám phá kho nhiên liệu ngầm này. Hành trình khám phá của họ gặp phải thách thức là chụp được hình ảnh của bể chứa nhiên liệu thứ nhất, mà không sử dụng công nghệ số, sau đó xử lý và in âm bản, đồng thời ghi lại được hình ảnh của hành trình trải nghiệm của họ bên trong đường hầm.
Điều này đồng nghĩa với việc để thực hiện chuyến khám phá này, họ vừa phải di chuyển bên trong đường ống dẫn đến bể dầu vừa phải nghỉ qua đêm tăm tối và rùng rợn trong lòng đất. Simon chia sẻ: "Tôi từng là lính cứu hỏa nên không lạ lẫm với những nơi khó khăn gian khổ song đây thực sự là nơi mà tôi cảm thấy ngột ngạt nhất... Bạn ở trong một nơi tối đen như mực và đó chính là thách thức to lớn nhất".
Để thực hiện chuyến khám phá này, họ sẽ phải tiếp cận bể chứa thông qua đường ống dẫn dầu trước kia và thậm chí ngủ qua đêm tại đó. Trong hai người thì nhiếp ảnh gia Simon là người đầu tiên đến được bể chứa dầu.
Ông đã dùng ván trượt đưa tất cả công cụ mà hai người cần sử đụng đến bể chứa trước khi David đến Simon tâm sự rằng ý tưởng khám phá này được khích lệ bởi cha ông, người cũng là một nhiếp ảnh gia và đam mê phiêu lưu. Khi cha ông qua đời, Simon đã sử dụng nhiếp ảnh như một cách thức để lưu giữ lại những hiện vật có giá trị nổi trội, vì vậy, hai người đã dành những thước phim họ ghi được ở kho nhiên liệu này để tặng người cha của Simon.
Ngoài khó khăn về tầm nhìn, hành trình khám phá còn gặp phải những trở ngại khác.
Thứ nhất, các bể chứa dầu dù hiện đều trống trơn song vẫn còn biển hiệu cảnh báo khách tham quan không sử dụng các nguyên vật liệu dễ gây cháy nổ gần thùng chứa.
Thứ hai, kho nhiên liệu này được xây dựng ẩn mình dưới chân đồi Inchindown nhằm tránh được bom đạn của kẻ thù trong Thế chiến II nên hiện bị hư hại vì đất đá sụt lở từ trên cao xuống. Do đó, đường hầm này cần tu bổ và cải tạo một phần.
Thứ ba, đá rơi cùng với sự rò rỉ cặn dầu khiến nền đường hầm trở nên trơn trượt và nguy hiểm. Cuối cùng, được Tạp chí khoa học Smithsonian bình chọn là một trong những kỳ quan âm thanh trên thế giới, kho chứa nhiên liệu ngầm do con người xây dựng này đạt kỷ lục về độ vang vọng âm thanh, điều khiến việc giao tiếp và truyền tải thông tin khi ở bên trong kho hầm này gặp nhiều khó khăn.
Lịch sử bị lãng quên
Sau khi thực hiện nhiệm vụ trong Thế chiến II, kho nhiên liệu ngầm này được bán cho tư nhân năm 1982. Do đó, các kế hoạch dự định được triển khai trong năm 1988 nhằm tu bổ và nâng cấp kho chứa này nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bị hủy bỏ sau này và kho hầm ngầm này đã bị đóng cửa năm 2002.
Gần 10 năm sau, do ẩn mình trong đồi Kinrive (Cao nguyên Scotland) trên khu đất tư nên kho hầm ngầm này chỉ được tiếp cận thông qua các chuyến du lịch khám phá. Tuy nhiên, hiện các chuyến tham quan như thế không còn được tổ chức nữa và việc tiếp cận kho hầm chứa ngầm này được người chủ tư nhân duy nhất kiểm soát.
Bộ phim tài liệu do Simon và David thực hiện mang tên "One Shot" đã ghi lại chuyến hành trình của hai người trong đường hầm ngầm tăm tối. Bộ phim đã đạt giải "phim tài liệu hay nhất" trong Liên hoan phim diễn ra hàng tháng ở Anh (UK Monthly Film Festival).
Hai nhiếp ảnh gia này hy vọng tác phẩm của họ sẽ đánh thức mối quan tâm của công chúng đối với kho chứa nhiên liệu trong lòng đất từng là một địa điểm mật trong Thế chiến II. Phim tài liệu của họ sẽ được trình chiếu tại thành phố cổ Inverness, Đông Bắc Scotland, vào tháng 11-2019.
Nhiếp ảnh gia David, 36 tuổi, giải thích: "Ý nghĩa lịch sử của kho chứa nhiên liệu ngầm này không thể bị lãng quên, kho chứa này đóng vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc bảo vệ đất nước của Vương quốc Anh trong Thế chiến II". Tuy nhiên, thông tin về toàn bộ cấu trúc và mục đích của kho nhiên liệu ngầm này lại rất hiếm.
TIN KHÁC
Biến 20.000 tấn rác thải nhựa thành dầu thô(09/08/2024)
Hệ thống thu gom dầu tràn trên biển(15/07/2024)
Cách nhận biết xe ô tô đang sử dụng xăng không đạt tiêu chuẩn(23/05/2024)
Vì sao nên đổ nhiên liệu Euro 5 cho xe diesel thế hệ mới?(12/04/2024)
Đâu là 5 nhà khai thác dầu lớn nhất năm 2023?(29/12/2023)