Chưa đầy 1 tháng nữa là đến thời hạn tất cả cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở các thành phố lớn sẽ thay thế xăng truyền thống bằng xăng sinh học E5. Thế nhưng trên thực tế, việc triển khai kế hoạch này gần như đang “phá sản”. Nguy cơ “vỡ trận” xăng sinh học đang hiển hiện!
Nguồn cung xăng sinh học đứng trước nguy cơ gián đoạn vì nhà máy sản xuất gặp khó. Ảnh: TL
Muốn dùng cũng không có!
Không phải bây giờ, mà từ rất lâu rồi, các chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu đã chỉ ra những nguyên do vì sao xăng E5 lại ì ạch khi mang sứ mệnh thay thế xăng RON 92 hay RON 95. Những nguyên nhân như giá thành chưa đủ sức hấp dẫn, khó khăn, đắt đỏ khâu sản xuất, chuyển đổi cây xăng thông thường sang xăng sinh học tốn kém hàng trăm triệu đồng… Những nguyên do đó, nhà quản lý cũng đã không ít lần thừa nhận. Điều đáng quan tâm ở đây là, trước những rào cản trên, ngành xăng dầu vẫn đề ra kế hoạch “phủ xăng sinh học E5” ở 8 thành phố lớn tính đến đầu tháng 6 năm nay. Để rồi, kế hoạch đó đứng trước nguy cơ “vỡ trận”.
Khảo sát của PV Báo GĐ&XH ở Hà Nội cho thấy, để tìm được một cây xăng có bán xăng sinh học E5 không phải là chuyện dễ.
Anh Trần Trọng Thành, ở 48 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội bức xúc: “Nhiều lần mình ghé các cây xăng thí điểm bán xăng E5, định là sử dụng thử xem thế nào, nếu chạy bình thường như các loại xăng khác thì sẽ tiếp tục sử dụng để góp một phần vào bảo vệ môi trường. Nhưng câu trả lời trong tất cả trường hợp là “hết xăng E5”(?!).
Còn anh Nguyễn Đức Tuấn ở phố Nguyễn Phúc Lai, quận Đống Đa dù rất ủng hộ chương trình sử dụng xăng E5 song vẫn băn khoăn: “Sản xuất xăng E5 rất rẻ, chưa đến 10.000 đồng/lít, nhưng vì phải mua dây chuyền công nghệ của nước ngoài quá đắt nên đẩy giá thành cao. Nói là cao nhưng vẫn thấp hơn xăng truyền thống. Nếu xăng E5 có bán ở tất cả các cây xăng, không có lý do gì để tôi không dùng. Hiện tại, tôi không dám đổ xăng sinh học vì nhỡ hết xăng giữa đường biết tìm cây xăng E5 nào để mua? Mới chỉ phổ biến một số tỉnh, nhỡ xe đi tỉnh phải đổ xăng thì tính sao?”.
Anh Tuấn cho biết thêm: “Không mấy ai còn nghi ngờ sự tiện dụng của xăng sinh học đâu. Tôi tin nếu phổ biến loại xăng này, dân sẽ dùng thôi”.
Nhận định của anh Tuấn không phải đại diện cho toàn bộ người tiêu dùng song tìm hiểu nguyên nhân xăng E5 chưa được người tiêu dùng sử dụng thì đa số cho rằng “vì nó chưa phổ biến”?! Đơn cử cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 56, phố Giáp Nhất (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi ngày, cửa hàng bán được hơn 3.000 lít xăng các loại, trong đó, xăng E5 bán được khoảng 700 lít đến 800 lít. Khách hàng sẵn sàng sử dụng và không còn dò hỏi về chất lượng xăng E5 như trước đây.
Vỡ kế hoạch vì đâu?
Nhiều ý kiến cho rằng, nhà nước cần có chính sách để xăng E5 có giá thấp hơn xăng khoáng: Bây giờ đang thấp hơn 500 đồng, thì phải thấp hơn nữa, khoảng 900-1.000 đồng/lít mới khuyến khích được người tiêu dùng.
Còn ở khâu pha trộn, phân phối, Việt Nam có khoảng 10 nhà máy sản xuất ethanol, phối trộn với xăng thường. Nhưng lại xuất hiện thông tin các nhà máy sản xuất xăng E5 tạm dừng hoạt động, khiến các cửa hàng, đại lý kinh doanh lo lắng nguồn cung. Nếu bị ngưng cung cấp thiệt hại cho doanh nghiệp không hề nhỏ. Chi phí để sản xuất ra sản phẩm xăng E5 cao, các doanh nghiệp phải tiến hành phối trộn, mua thiết bị phối trộn, trong khi đó, xăng khoáng thì không phải làm những công đoạn này. Do vậy, về yếu tố chi phí sản xuất là cao hơn. Về phân phối, khi doanh nghiệp đưa xăng E5 vào bán, doanh nghiệp phải xây dựng trạm, cột chứa, bồn bơm... sẽ làm tăng chi phí doanh nghiệp và diện tích mặt bằng.
Theo ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chỉ ra vướng mắc: “Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng... thì việc cải tạo cây xăng để bán xăng thường sang E5 là cực kỳ khó. Vì mặt bằng là không có, trong khi doanh nghiệp phải chôn bồn xăng E5 riêng, cột bán hàng riêng, hoặc phải xây mới... Chính vì hiệu quả kinh doanh thấp, đầu tư lớn nên việc triển khai bán xăng E5 chậm chạp.”
Ngoài ra, vấn đề về vùng nguyên liệu cho việc sản xuất ethanol cũng gặp khó khăn. Ông Ruệ cho rằng, phải có chính sách cụ thể để tái khởi động, việc trồng và mở rộng vùng nguyên liệu sắn sản xuất ethanol, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất.
“Quan trọng hơn cả, nhà nước phải có các hỗ trợ, giúp doanh nghiệp trong việc xây dựng các cơ sở pha trộn, khuyến khích xây dựng các trạm bán xăng E5. Không chỉ Chính phủ mà các địa phương phải tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận đất đai, hạ tầng xây dựng. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì chủ trương bán xăng E5 là khó thành công,” ông Ruệ nói.
Theo kế hoạch, chỉ còn hơn 20 ngày để hoàn thành chỉ tiêu thay thế toàn bộ xăng truyền thống ở 8 thành phố lớn. Quãng thời gian quá ngắn trước những vướng mắc mà người đứng đầu Hiệp hội xăng dầu Việt Nam chỉ ra thì gần như kế hoạch đó không thể hoàn thành đúng dự kiến.
Nhiều khả năng, xăng sinh học E5 lại “lỗi hẹn” với thị trường!
8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu và TPHCM phấn đấu đến ngày 1/6/2016 đạt 100% số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương bán xăng E5 và 100% lượng xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5. Các tỉnh thành phố trực thuộc khác, đến 1/6/2016 đạt tối thiểu 50% cửa hàng bán xăng E5 và 50% lượng xăng RON 92 được thay thế bằng xăng E5. |
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)