Giải thích cho quyết định tăng thuế nhập khẩu xăng dầu thêm 8-11 điểm phần trăm vào hôm 6-1, Bộ Tài chính cho rằng làm như vậy để "giúp các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh".
Vì phải thực hiện dự trữ 30 ngày nên doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ khi giá giảm liên tục trong hơn 4 tháng qua. Ảnh: Minh Tâm
Trong thông cáo báo chí gửi các cơ quan báo chí ngày hôm 7-1, Bộ Tài chính cho biết, ngày 6-1 Bộ đã ban hành thông tư 03/2015/TT-BTC điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng dầu (thuộc nhóm 27.10 tại biểu thuế).
Cụ thể, thuế nhập khẩu xăng tăng từ 27% lên 35%; dầu hoả tăng từ 26% lên 35%; dầu madut tăng từ 24% lên 35%; dầu diesel tăng từ 23% lên 30%.
Theo Bộ Tài chính, việc này nhằm giúp các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh. Các mức thuế này phù hợp với mức khung thuế suất mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua, phù hợp với cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là 0 - 40%.
Các loại thuế chiếm 39% giá xăng Theo bảng tính giá cơ sở đăng tải trên website của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), với mức thuế hiện tại, các loại thuế đang chiếm 6.863 đồng/lít (với giá nhập khẩu để tính giá cơ sở là 64 đô la Mỹ/thùng) trong cơ cấu giá xăng, tức hơn 39%. Trong khi đó, với dầu diesel là 4.967 đồng/lít, bằng 30% và dầu hỏa là 5.339 đồng, chiếm 31% ( khi giá nhập khẩu hơn 69 đô la Mỹ/thùng). |
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện một đầu mối xăng dầu cho biết, việc tăng thuế đã giúp doanh nghiệp đầu mối bán được hàng hơn, giảm tình trạng “ứ kho” diễn ra trong suốt nhiều ngày qua vì khi giá giảm ít, các tổng đại lý, đại lý sẽ tăng cường lấy hàng, không còn tâm lý chờ đợi như trước.
Tuy nhiên, vị này không cho rằng, việc tăng thuế hai lần liên tiếp trong vòng 1 tháng qua là giúp các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh như Bộ Tài chính giải thích. “Thuế ổn định thì mới chủ động kinh doanh,” vị này nói.
Doanh nghiệp đầu mối kêu lỗ
Còn nhớ lần tăng thuế nhập khẩu xăng dầu mà Bộ Tài chính thực hiện hôm 5-12 (tăng thuế nhập khẩu xăng dầu từ 14%-18% lên mức 23%-26%), chính Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề nghị tăng thuế nhập khẩu thêm 5-7% vì giá thế giới giảm liên tục trong khi doanh nghiệp phải thực hiện dự trữ lưu thông 30 ngày nên kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng.
Chuyện kinh doanh lỗ vì giá liên tục giảm cũng đã được nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối “kêu” trong thời gian vừa qua. Ví dụ như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), khi báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm của Bộ Công Thương mới đây, đã cho biết, tính chung cả năm 2014, mảng kinh doanh xăng dầu lỗ vì lợi nhuận của 9 tháng đầu năm đã bị số lỗ của 3 tháng cuối năm làm triệt tiêu hết.
Trong khi đó, lãnh đạo của một doanh nghiệp đầu mối phía Nam cho biết thêm: “Tình hình này kéo dài thì hết quí 1-2015, doanh nghiệp xăng dầu… xỉu”.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)