Công ty TNHH dầu khí Idemitsu Q8 - một liên doanh giữa Nhật và Kuwait - đã được Chính phủ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chờ cấp đăng ký doanh nghiệp để tham gia vào thị trường phân phối xăng dầu trong nước. Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu khi ký WTO, vậy tại sao lại có ngoại lệ này?
Tại công trường dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn Ảnh: TL
Thông cáo của Công ty Idemitsu Kosan (Nhật Bản) cách đây hai ngày cho biết, họ cùng đối tác Kuwait Petroleum International (Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait - KPI) thành lập liên doanh mang tên Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 để phân phối các sản phẩm dầu khí tại thị trường Việt Nam.
Hai đối tác góp 50-50% vốn trong liên doanh này đồng thời cũng là hai đối tác lớn tại dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa. Dự án này dự kiến sẽ đi vào vận hành từ năm 2017 với công suất 8,4 triệu tấn dầu thô/năm trong giai đoạn đầu và nâng cấp lên 10 triệu tấn/năm giai đoạn sau đó.
Theo tuyên bố của Idemitsu thì doanh nghiệp phân phối mới thành lập tại Việt Nam sẽ bán buôn, bán lẻ và xây dựng chuỗi cửa hàng dịch vụ xăng dầu trên toàn quốc.
Đây là lần đầu tiên một công ty nước ngoài chính thức đặt chân vào thị trường kinh doanh xăng dầu, nơi có 24 doanh nghiệp đầu mối nội địa cung ứng, trong đó có một nửa thị phần thuộc về doanh nghiệp lớn nhất là Petrolimex (48%).
Khi ký Hiệp định thương mại tự do WTO năm 2006, Việt Nam đã giữ lại quyền kinh doanh xăng dầu, không mở cửa thị trường. Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài không được quyền kinh doanh, phân phối, xuất, nhập khẩu xăng dầu. Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài sẽ không được tự động tham gia vào hệ thống phân phối xăng dầu trong nước. Các cam kết về quyền kinh doanh sẽ không ảnh hưởng đến quyền của Việt Nam trong việc đưa ra các quyết định cụ thể để quản lý dịch vụ phân phối, đặc biệt là xăng dầu.
Tuy cam kết như vậy nhưng Chính phủ Việt Nam cũng đã có những ngoại lệ về mở cửa thị trường phân phối với các nhà đầu tư tại các dự án lọc dầu. Khi cấp phép cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn và các dự án lọc hóa dầu sau đó, Bộ Chính trị và Chính phủ đã có nghị quyết chấp thuận cho các nhà đầu tư đồng thời có quyền được phân phối sản phẩm do họ đầu tư sản xuất ra tại thị trường nội địa. Do đó, Công ty TNHH dầu khí Idemitsu Q8 được thành lập để chuẩn bị cho lộ trình bán hàng của dự án Nghi Sơn kể từ năm tới.
Theo nguồn tin của TBKTSG Online, Chính phủ chỉ cho phép các đối tác ở Nghi Sơn lập doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại thị trường nội địa chứ không cấp quyền xuất nhập khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể, họ có thể được cấp quota xuất nhập khẩu, ví dụ như trong giai đoạn chuẩn bị bán hàng (pre – marketing) trước khi nhà máy vận hành chính thức, hoặc trong trường hợp nhà máy dừng bảo dưỡng. Nhưng quyền này phải xin phép từng trường hợp cụ thể.
Các dự án lọc hóa dầu khác như Nhơn Hội Victory, Nam Vân Phong hay Vũng Rô cũng được cấp quyền phân phối nếu như các đối tác trong liên doanh thực hiện đúng cam kết đầu tư.
Đến nay, đã có thêm đối tác Nhật khác là tập đoàn JX NOE (Nhật Bản) mua 8% cổ phần của Petrolimex như một bước đệm để tiến vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam, trong trường hợp họ góp vốn cùng Petrolimex đầu tư vào dự án Nam Vân Phong vốn đang chậm khởi động.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)