Trong bối cảnh mặt bằng giá hàng hóa trên thế giới tăng cao, tác động trực tiếp tới giá cả và sức mua ở trong nước, việc giữ ổn định thị trường nội địa có ý nghĩa quan trọng. Trước dự báo về những khó khăn trong thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, ngành Công Thương sẽ triển khai nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả bảo đảm bình ổn thị trường trong nước, góp phần cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông.
Thị trường trong nước chịu tác động của giá hàng hóa thế giới
- Thời gian qua, mặt bằng giá hàng hóa trên thế giới tăng cao đã tác động ra sao tới thị trường trong nước, thưa ông?
- Kể từ tháng 3-2022 đến nay, mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới có nhiều biến động, với xu hướng tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường hàng hóa trong nước. Các mặt hàng nhóm năng lượng như xăng, dầu chịu tác động mạnh và tăng khá cao so với trước. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng nông nghiệp có xu hướng tăng, như thịt lợn, rau quả…, tuy gần đây có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Với các mặt hàng thiết yếu khác, nhìn chung giá cả không có biến động bất thường.
Tuy giá cả một số mặt hàng tăng cao nhưng nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước luôn đáp ứng nhu cầu sản xuất, đời sống của người dân. Trong 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021, dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt, trong tháng 7, một số mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng có xu hướng giảm theo giá thế giới và tác động của việc điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường.
- Hiện nay việc cung ứng xăng, dầu được triển khai ra sao?
- Để bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời phân giao sản lượng nhập khẩu xăng, dầu tăng thêm trong quý II-2022 cho 10 thương nhân đầu mối, nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, trong quý II-2022, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu đã nỗ lực duy trì nguồn cung cho thị trường, bảo đảm không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng trong hệ thống phân phối.
- Giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu tăng cao thời gian qua còn do những bất cập trong khâu lưu thông, kiểm soát thị trường. Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?
- Hiện nay, hạ tầng thương mại của nước ta đã được đầu tư, phát triển song xét về tổng thể vẫn còn yếu kém và lạc hậu, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Các chợ đầu mối, trung tâm logistics, kho chứa hàng hóa chưa phát triển kịp với nhu cầu. Việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến chi phí trung gian của doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn ở mức cao do mạng lưới phân phối, tiêu thụ nguyên vật liệu và hàng hóa thành phẩm nhiều tầng nấc, khiến giá hàng hóa tăng cao, nhất là mặt hàng thịt lợn, rau quả...
Giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng còn có nguyên nhân do kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài… Ngoài ra, phải kể đến tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả trên thị trường nội địa vẫn diễn biến phức tạp.
Ổn định giá hàng hóa thiết yếu
- Từ thực tế bảo đảm cung - cầu hàng hóa, việc giữ ổn định thị trường trong nước đặt ra những yêu cầu gì với ngành Công Thương, thưa ông?
- Chúng tôi dự báo thị trường hàng hóa thế giới thời gian tới vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng nên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường hàng hóa trong nước. Do đó, ngành Công Thương luôn quán triệt phải bám sát thực tiễn, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phối hợp đồng bộ trong tổ chức thực hiện bảo đảm ổn định thị trường trong nước; theo dõi chặt chẽ, nắm chắc tình hình, chủ động dự báo để kịp thời ứng phó với những biến động bất ngờ của tình hình thế giới và khu vực nhằm có giải pháp điều hành phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm trong xây dựng chính sách, từ đó kịp thời điều chỉnh, đề xuất chính sách khả thi.
- Ông có thể cho biết, Bộ Công Thương có giải pháp gì để bình ổn thị trường trong thời gian tới?
- Bộ Công Thương sẽ ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong điều hành giá, kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành công điện yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, xăng, dầu, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, qua đó có đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, UBND và sở công thương các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp phân phối lớn, chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, có phương án điều tiết nguồn cung khi cần thiết, triển khai chương trình bình ổn thị trường... nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán. Đặc biệt, bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương cân nhắc thời điểm, mức điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý giá cho phù hợp, nhất là việc điều chỉnh giá mặt hàng xăng, dầu, tránh gây tác động cộng hưởng và tâm lý chung tới thị trường hàng hóa. Cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình giá cả, các điểm bán hàng bình ổn... để tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng.
- Đối với mặt hàng xăng, dầu, Bộ Công Thương có kịch bản nào trong việc bảo đảm nguồn cung, giữ ổn định giá thời gian tới?
- Trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng.
Ngoài ra, từ nay tới cuối năm 2022, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng, dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng, dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt, nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng, dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, qua đó bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, duy trì nguồn cung xăng, dầu ổn định, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)