Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ tiến hành đợt bảo dưỡng tổng thể lần ba NMLD Dung Quất dự kiến trong quý II/2017. Đây là công việc rất phức tạp, đòi hỏi huy động nhân lực, vật lực và hoàn thành trong một thời gian ngắn. Cùng với việc vận hành tuyệt đối an toàn nhà máy lọc dầu Dung Quất, LHD Bình Sơn đang triển khai dự án nâng công suất nhà máy và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về cổ phần hóa DNNN. Phóng viên Lao Động đã có cuộc phỏng vấn Tổng giám đốc Cty TNHH MTV LHD Bình Sơn, ông Trần Ngọc Nguyên.
Tổng Giám đốc Trần Ngọc Nguyên điều hành công viêc tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Ảnh: PV
Xin ông cho biết, những công việc quan trọng của đợt bảo dưỡng tổng thể nhà máy lần này là gì? Trong quá trình NMLD Dung Quất nghỉ bảo dưỡng, việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước có bị xáo trộn không?
- TGĐ Trần Ngọc Nguyên (TGĐ.TNN): Theo kế hoạch, BSR sẽ tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 3 NMLD Dung Quất trong vòng 52 ngày (từ ngày 5.6 đến 23.7.2017), trong đó có 38 ngày bảo dưỡng chính. Đợt bảo dưỡng lần này được chia làm 7 gói thầu với khoảng 6.000 đầu công việc. Gói thầu số 1 và 2 được coi là phần việc phức tạp nhất, liên quan đến các phân xưởng công nghệ chính của nhà máy. Dự kiến có khoảng 3.000 nhân sự nhà thầu cùng tham gia đợt BDTT lần 3 cùng rất nhiều chủng loại máy móc thiết bị chuyên dụng.
Trong lần bảo dưỡng này, BSR đặt mục tiêu đảm bảo tối đa hóa việc tự chủ trong quá trình thực hiện, giảm thiểu việc sử dụng các dịch vụ kỹ thuật bên ngoài, để tiết giảm chi phí; phấn đấu rút ngắn thời gian bảo dưỡng tổng thể lần 3 nhằm mục tiêu tăng hiệu suất hoạt động của nhà máy, tạo ra hiệu quả cao nhất. Mục tiêu của đợt BDTT lần 3 giúp NMLD hoạt động an toàn, ổn định ở công suất từ 110% trở lên; kéo dài thời gian BDTT từ 3 năm lên 4 năm, đồng thời rút ngắn thời gian BDTT lần 3 khoảng 7 ngày, tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Đặc biệt, trong thời gian nhà máy dừng bảo dưỡng, việc cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước vẫn được đảm bảo và không bị xáo trộn vì kế hoạch dừng nhà máy đã được BSR thông báo cho các khách hàng từ đầu năm 2016. BSR cũng liên tục cập nhật thường xuyên tiến độ cấp hàng cho các khách hàng. Do vậy, các đầu mối đã được thông tin về kế hoạch và chủ động nguồn hàng để cung ứng cho thị trường trong nước. BSR cũng đã xây dựng phương án tăng sản lượng sản xuất, dự trữ và cung ứng cho thị trường trước và trong TA3. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ khách hàng để duy trì nhận hàng đường bộ trong giai đoạn bảo dưỡng này.
Ông có thể cho biết các bài học kinh nghiệm của Bình Sơn cho vận hành nhà máy, đạt các thành tích vượt trội như đã đạt được?
- TGĐ.TNN: Để đạt được các thành quả về sản xuất kinh doanh, duy trì nhà máy vận hành liên tục ở mức công suất trung bình 105-107% so với thiết kế, trong suốt nhiều năm qua cũng như đạt chỉ số giờ công an toàn cao nhất từ trước đến nay. Đó là nhờ sự nỗ lực, tinh thần quyết tâm dám nghĩ dám làm của tập thể người lao động BSR cùng với sự sát sao trong công việc, sự định hướng rõ ràng trong công tác quản lý, công tác kế hoạch của ban lãnh đạo Công ty, ban lãnh đạo nhà máy. Bên cạnh đó, công tác quản trị là nhiệm vụ trọng tâm, tập trung nâng cao hệ thống quản trị ở tất cả các khâu trong hoạt động SXKD; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Đa dạng sản phẩm... Hiện tại NMLD Dung Quất có các sản phẩm đã được cung ứng ra thị trường (sản phẩm khí hóa lỏng LPG, xăng RON 92 và RON 95, xăng E5, nhiên liệu phản lực Jet A1, dầu diesel, dầu hỏa, dầu đốt FO, hạt nhựa PP). Tương lai, sau khi NCMR, NMLD DQ sẽ cho ra đời thêm các sản phẩm mới là lưu huỳnh, nhựa đường, sản phẩm hóa dầu, hóa chất để nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng doanh thu và lợi nhuận. Bên cạnh đó, BSR đã thực hiện ứng dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, mang lại lợi nhuận cao cho nhà máy. Trong 7 năm hoạt động, BSR đã thực hiện 130 sáng kiến, làm lợi cho nhà nước 128,9 triệu USD (gần 3.000 tỉ đồng); có 596 cải tiến Kaizen, làm lợi 1,85 triệu USD và thực hiện 33 đề tài, nghiên cứu khoa học khác…
Liên quan đến dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, tính đến hiện tại, xin ông cho biết dự án đã thực hiện đến đâu? Dự kiến khi hoàn thành, nhà máy sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường ra sao?
- TGĐ.TNN: Tính đến tháng 4.2017, dự án nâng cấp mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật tổng thể FEED và đang chuẩn bị các thủ tục tiếp theo để lựa chọn nhà thầu EPC. Hiện nay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đạt 98%, công tác xây dựng khu tái định cư đang khẩn trương triển khai. Theo kế hoạch đến ngày 30.6, UBND tỉnh Quảng Ngãi sẽ bàn giao 100% mặt bằng sạch cho BSR triển khai dự án.
Sau khi dự án NCMR hoàn thành vào cuối năm 2021, công suất NMLD tăng từ 6,5 triệu tấn dầu thô/năm lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm (148.000 thùng/ngày lên 192.000 thùng/ngày), đáp ứng được 50-60% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước và cung cấp nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như nhựa đường, nguyên liệu cho hóa dầu, hóa chất… Ngoài ra, khi NCMR nhà máy sẽ giúp tăng độ linh động chế biến và có thêm nhiều cơ hội lựa chọn nguồn dầu thô giá rẻ trong và ngoài nước, đảm bảo được nguồn nguyên liệu lâu dài, đồng thời sản phẩm nhiên liệu (xăng, ADO) sẽ đáp ứng tiêu chuẩn môi trường EURO V cũng như các yêu cầu, cam kết trong quá trình hội nhập quốc tế.
Với việc Chính phủ cho phép Bình Sơn được tự chủ về tài chính, việc tăng gấp đôi công suất lọc dầu và cung ứng xăng dầu cho nhu cầu tiêu dùng, nền kinh tế sẽ được hưởng lợi như thế nào? Từ đó khẳng định vai trò của Công ty LHD Bình Sơn cũng như của ngành dầu khí đối với các cân đối vĩ mô của nền kinh tế?
- TGĐ.TNN: Quyết định 1725 của Chính phủ đã tạo điều kiện để Công ty cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu quốc tế từ 1.1.2017, trong đó BSR được bán sản phẩm theo giá thị trường và nhà nước không thu điều tiết và cũng không cấp bù cho BSR như trước đây. Đây cũng là điều kiện, cơ hội để BSR có thể tự chủ động, nâng cao năng lực cạnh tranh, cắt giảm chi phí dẫn đến cắt giảm giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, BSR có 4 lợi thế so với hàng nhập khẩu: Chi phí vận chuyển và bảo hiểm; thời gian nộp thuế sau 30 ngày; giao dịch bằng VNĐ nên không bị ảnh hưởng của tỷ giá tăng; ít bị ảnh hưởng bởi giảm giá hàng lưu kho. Chính vì thế, các đầu mối trong nước sẽ ưu tiên mua hàng từ BSR và tạo điều kiện cho NMLD Dung Quất hoạt động tối đa vượt công suất thiết kế (trung bình 105 - 107% công suất) trong thời gian qua, góp phần tăng thêm sản lượng sản xuất, đồng nghĩa với gia tăng lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước hàng nghìn tỉ đồng.
Từ khi đi vào vận hành thương mại từ 1.6.2010 đến nay, Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã sản xuất và tiêu thụ hơn 47 triệu tấn sản phẩm các loại, đáp ứng trên 35% nhu cầu sản lượng xăng dầu trong nước; đạt doanh thu thuần lên tới 785 nghìn tỉ đồng; nộp ngân sách nhà nước 133 nghìn tỉ đồng - tương đương 7 tỉ USD.
Không chỉ nộp ngân sách mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng, BSR đã thực hiện các chương trình ASXH trong tỉnh Quảng Ngãi và các địa bàn vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn trong cả nước. Kinh phí thực hiện các chương trình ASXH từ năm 2010 đến này trên 236 tỷ đồng (tính riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là hơn 192 tỷ đồng). Từ đó khẳng định BSR nói riêng và ngành dầu khí nói chung đã đóng góp vai trò rất lớn trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và là đầu tàu kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước.
Chính phủ đã có chủ trương cổ phần hóa các DNNN hoạt động hiệu quả. Trong đó, có lộ trình cổ phần hóa Công ty LHD Bình Sơn trong năm nay. Xin ông cho biết tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp thực hiện đến đâu? Lộ trình CPH sẽ giúp Công ty tăng khả năng cạnh tranh, phát huy hiệu quả hoạt động ra sao?
- TGĐ.TNN: Thời gian qua, Công ty đã chủ động triển khai thực hiện chiến lược cổ phần hóa BSR trong năm 2017: BSR đã hoàn thành kiểm toán nhà nước về giá trị doanh nghiệp và tiến hành trình cấp thẩm quyền phê duyệt để công bố giá trị doanh nghiệp cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5.2017; Song song, BSR cũng đã hoàn thành việc lập phương án CPH, trình Tập đoàn Dầu khí VN xem xét trong tháng 5.2017; Đồng thời, xúc tiến các hoạt động liên quan đến tìm kiếm đối tác mua cổ phần, nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là xây dựng chiến lược truyền thông phục vụ CPH. Theo lộ trình đã được phê duyệt, Công ty LHD Bình Sơn thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối năm nay.
Cổ phần hóa tạo ra sự thay đổi căn bản về phương thức quản lý, tăng cường tính hiệu quả trong công tác quản trị, từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển quy mô, nâng cao năng lực tài chính, tạo ra một kênh huy động mới thu xếp nguồn vốn cho các dự án đầu tư chiến lược tương lai của NMLD Dung Quất, đặc biệt tập trung vào lĩnh vực chế biến sâu và hóa dầu có lợi nhuận cao, tăng cường vai trò làm chủ thật sự, gắn chặt trách nhiệm, công việc và quyền lợi của người lao động góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Công ty, mở rộng thị trường và phát triển bền vững trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn ông.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)