JX Nippon Oil & Energy nhận cổ tức lên tới gần 15 triệu USD ngay năm đầu tiên sau khi mua cổ phiếu của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), hay có tới 29 đầu mối kinh doanh xuất - nhập khẩu xăng dầu hiện nay cho thấy, thị trường này rất màu mỡ.
Lợi nhuận khủng
Năm 2016, Petrolimex đạt doanh thu thuần hợp nhất là 123.097 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 6.300 tỷ đồng (tăng 68% so với năm 2015).
Đại gia trong ngành xăng dầu này cũng chi trả cổ tức với tỷ lệ 32,24%. Tức mỗi cổ phiếu PLX của Petrolimex được nhận 3.224 đồng. Tổng số tiền đại gia xăng dầu chi cho đợt trả cổ tức bằng tiền mặt lần này khoảng 3.736 tỷ đồng cho 1,16 tỷ cổ phiếu đang lưu hành.
Với kế hoạch này, JX Nippon Oil & Energy, nhà đầu tư chiến lược hiện đang nắm 8% cổ phần tại Petrolimex, tương đương với 103.528.476 cổ phiếu PLX sẽ nhận được khoản cổ tức khủng lên tới 333,7 tỷ đồng, tương đương khoảng 14,8 triệu USD.
Năm 2016, để có được 8% cổ phần của Petrolimex, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài này đã bỏ ra khoảng 20 tỷ yên, tương đương 183 triệu USD. Nhưng với kết quả kinh doanh tốt đẹp của Petrolimex, ngay năm đầu tiên, JX Nippon Oil & Energy đã nhận được trái ngọt.
Cổ đông Nhà nước tại Petrolimex hiện đang được đại diện bởi Bộ Công thương. Với tỷ lệ nắm giữ 75,87% vốn tại Petrolimex, tương ứng 982 triệu cổ phần, cổ đông Nhà nước sẽ thu trên 3.160 tỷ đồng. Việc chi trả cổ tức sẽ diễn ra vào cuối tháng 8/2017.
Petrolimex chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) ngày 21/4/2017 với giá 43.200 đồng/cổ phiếu và hiện ở mức 69.000 đồng/cổ phiếu.
Trong Báo cáo thường niên năm 2016, Petrolimex đánh giá, thị trường dầu mỏ thế giới đứng ở mức thấp do tiếp tục thừa nguồn cung. Trong khu vực, thị trường sản phẩm tương đối phẳng lặng, cung lớn, cầu giảm, thị trường gần như đứng về phía người mua. Có lẽ vậy, kế hoạch ban đầu được Petrolimex đặt ra cho năm 2016 là gần 4.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đã nhanh chóng bị vượt lên tới 6.300 tỷ đồng. Mức cổ tức dự kiến chia tối thiểu là 8% và không ít hơn 15% của năm 2015 đã nhanh chóng bị xô đổ.
Thành công của Petrolimex cũng là tiền đề tạo ra làn sóng đổ bộ trở thành doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu diễn ra mạnh mẽ trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Cánh cửa hẹp, nhưng tiềm năng
Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu khi tham gia WTO và 11 hiệp định thương mại tự do, trừ các doanh nghiệp đầu tư vào các nhà máy lọc dầu tại Việt Nam để phân phối sản phẩm của mình làm ra.
Cũng bởi điểm này, Petrolimex và JX Nippon Oil & Energy đã lách được qua khe cửa hẹp khi nói về việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong Dự án Lọc hoá dầu Nam Vân Phong mà Petrolimex được giao là chủ đầu tư.
Theo ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil, các nhà đầu tư nước ngoài rất thèm khát thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam, bởi dư địa để phát triển còn rất lớn, nếu tính theo mức tiêu thụ xăng trên đầu người, cũng như khả năng phát triển của nền kinh tế. Số liệu từ thống kê nhập khẩu và Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn cho thấy, mức tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam hiện chỉ khoảng 17 - 19 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 65% được nhập khẩu. Với quy định hiện hành về chi phí kinh doanh bình quân định mức cho xăng E5, E10: 1.250 đồng/lít; xăng không chì: 1.050 đồng/lít; dầu diesel, dầu hoả: 950 đồng/lít, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu nào có tỷ trọng bán đến tay người tiêu dùng lớn, thì lợi nhuận càng cao bởi không phải trích nhiều cho các đại lý.
Hiện Petrolimex chiếm 44% thị phần xăng dầu cả nước, trong đó tỷ trọng bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng ở ngưỡng trên 50%; bán trực tiếp cho các khách hàng công nghiệp khoảng 20% và có kinh nghiệm trên 50 năm chỉ kinh doanh mặt hàng xăng dầu nên có nhiều lợi thế về thị trường.
Tuy nhiên, Petrolimex cũng gặp trần giới hạn khi không thể gia tăng thị phần trên 50% theo Luật Cạnh tranh. Cộng thêm việc Nhà nước sẽ giữ từ 65% đến 75% số cổ phần, nên cơ hội để nhà đầu tư nước ngoài “thay da, đổi thịt” và tiếp tục mở rộng thị phần của Petrolimex không có nhiều. Bởi vậy, cơ hội để tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến từ những doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu còn lại.
Trong số các doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu hiện nay nổi lên Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil). Dĩ nhiên, để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu thông qua PV Oil, họ còn cần thêm điều kiện đủ là có mua cổ phần của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn, nơi đang quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và cũng đang có kế hoạch cổ phần hoá ngay trong năm 2017 này.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)