Ngày 17/12/2014, trên trang web của báo Đất Việt (baodatviet.vn) có đăng bài "Xăng Việt đắt hơn xăng Mỹ: Do có độc quyền nhóm..." của tác giả Thành Luân. Sau đây Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam xin đăng tải nguyên văn bài viết, đồng thời thể hiện quan điểm của Hiệp hội về nội dung bài viết này.
Xăng Việt đắt hơn xăng Mỹ: Do có độc quyền nhóm...
Thành Luân
(Thị trường) - Tăng thuế nhập khẩu xăng dầu chỉ có Nhà nước và doanh nghiệp được lợi, còn người tiêu dùng chẳng được gì.
PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) nói thẳng với Đất Việt khi đề cập đến động thái tăng thuế nhập khẩu của liên bộ trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục lao dốc.
PV: - Trong khi giá dầu thế giới đang tiếp tục lao dốc thì ngày 6/12, liên bộ Công thương-Tài chính đã quyết định tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, trong đó có loại tăng đến 10% và điều này khiến giá xăng dầu trong nước có mức giảm giá thấp hơn. Điều kỳ lạ là chính các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đề nghị tăng thuế. Điển hình là ngay trước thời điểm giảm giá ngày 6/12, PVOil đã có văn bản đề nghị liên bộ tăng thuế nhập khẩu lên 5-7%. Ông có thể lý giải động thái này của doanh nghiệp xăng dầu? Vì sao họ lại đề nghị tăng thuế trong khi theo nguyên tắc thị trường, giá cao sẽ bớt sức cạnh tranh?
PGS.TS Ngô Trí Long: - Giá dầu thế giới vẫn đang hạ, nếu vẫn giữ mức thuế ấy thì chắc chắn giá trong nước phải hạ. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp muốn tăng thuế là vì họ đã nhập lô trước với giá tương đối cao trong khi mức thuế lại thấp, giờ tiếp tục hạ giá xăng dầu xuống thì doanh nghiệp không được lời là mấy. Do đó, quan điểm của doanh nghiệp là phải giữ nguyên giá xăng dầu đồng thời tăng thuế nhập khẩu lên để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.
PV: - Lý do xin tăng thuế nhập khẩu xăng dầu, theo văn bản của PVOil là giá thế giới liên tục giảm, trong khi doanh nghiệp phải dự trữ đủ 30 ngày theo quy định, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này? Sự hợp lý và bất hợp lý trong lập luận của các doanh nghiệp xăng dầu ra sao? Thực chất trong khoảng thời gian này doanh nghiệp lợi hay thiệt khi giá thị trường lên xuống từng giờ?
PGS.TS Ngô Trí Long: - Sự bất hợp lý là doanh nghiệp chỉ nghĩ lợi ích cá nhân của họ. Nếu tăng thuế thì Nhà nước và doanh nghiệp được lợi, còn người tiêu dùng chẳng được gì. Trong khi đó, nền kinh tế phải hài hoà lợi ích của ba nhà: nhà nước, nhà doanh nghiệp và người tiêu dùng (Nhà nước được thuế, doanh nghiệp được lợi nhuận, còn người tiêu dùng được hưởng mức giá theo sự biến động của giá cả thế giới) chứ không phải như bây giờ, giá thế giới hạ mà người tiêu dùng Việt Nam lại phải chịu giá cao.
Theo quy định mới, doanh nghiệp không phải dự trữ 30 ngày nữa mà chỉ dự trữ 15 ngày. Đáng lý dự trữ quốc gia phải để riêng, nhưng hiện nay quốc gia không có đủ năng lực dự trữ cho nên phải bắt cả doanh nghiệp dự trữ. Trong bối cảnh giá dầu hạ, họ vin vào cái cớ này để đòi tăng thuế.
Trong khi giá xăng dầu thế giới hạ thì người tiêu dùng Việt Nam lại phải chịu giá cao.
PV: - PVOil dự kiến kết quả kinh doanh cả năm 2014 của tổng công ty này sẽ không có lãi và thực tế DN đã lỗ từ tháng 8/2014. Tương tự, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác như Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP HCM (Saigon Petro), Công ty xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn), Tổng công ty xăng dầu khu vực IV... cũng đồng loạt kêu lỗ hoặc kinh doanh không có lãi. Trong khi đó, giá xăng của Việt Nam hiện tại đang cao hơn Mỹ khoảng 5.000 đồng/lít. Điều này có coi là nghịch lý hay không và vì sao?
PGS.TS Ngô Trí Long: - Cách đây mấy ngày giá dầu thô tại Mỹ đã xuống khoảng 14.500 đồng, bây giờ còn thấp hơn nữa, vào khoảng 14.300 đồng/lít. Vừa rồi Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu nói rằng các doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ, đó là vì ông ấy bảo vệ các doanh nghiệp.
Thực ra, doanh nghiệp xăng dầu luôn tiền hậu bất nhất, hễ chuẩn bị có chủ trương gì của Nhà nước bất lợi cho họ thì họ báo lỗ, nhưng kết quả kiểm toán cuối năm không bao giờ lỗ, lên sàn chứng khoán họ cũng toàn báo lãi. Tôi cho rằng, để làm rõ điều này, cơ quan kiểm toán cần kiểm toán các doanh nghiệp khi họ đang hoạt động, chứ không phải chỉ kiểm toán tài chính cuối năm. Việt Nam chưa làm cái này nhưng hoàn toàn có thể làm được.
Điều rất nghịch lý là khi doanh nghiệp dự trữ đã được Nhà nước trừ hết cho rồi, nhưng giờ họ lại cố gắng tìm đủ mọi cớ để nguỵ biện. Cho nên đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, những thông tin do các doanh nghiệp đưa ra chưa hẳn đã đáng tin cậy vì mục tiêu của doanh nghiệp là lợi nhuận, có lợi nhuận mới tồn tại, mà lợi nhuận thu được thông qua giá.
PV: - Có ý kiến cho rằng vì xăng dầu ở Việt Nam hiện nay đang ở thế độc quyền, chưa có cuộc cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp xăng dầu nên họ chẳng cần phải giảm giá làm gì. Ông có đồng tình với ý kiến này và vì sao?
PGS.TS Ngô Trí Long: - Nói trên thị trường xăng dầu còn độc quyền là không đúng. Độc quyền là chỉ có một, nhưng trên thị trường Việt Nam có trên 23 đầu mối xăng dầu. Trên thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay có hiện tượng độc quyền nhóm, nói cách khác còn có doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường.
Hiện nay, độc quyền nhóm được Luật Cạnh tranh quy định: một doanh nghiệp chiếm 30% thị phần trên thị trường liên quan; hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên; bốn doanh nghiệp chiếm có tổng thị phần từ 75% trở lên.
Hiện nay, một mình ông lớn Petrolimex chiếm 47,8% thị phần trên thị trường xăng dầu. Ba doanh nghiệp Petrolimex, PVOil, SaigonPetro chiếm trên 70% thị phần. Thực tế, trên thị trường xăng dầu Việt Nam chưa có cạnh tranh thực sự mà vẫn còn những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường.
Cho nên trong độc quyền nhóm không bao giờ để doanh nghiệp tự định giá dù là biên độ rất thấp, nếu không doanh nghiệp đó sẽ lợi dụng biên độ và tần suất cho phép để tăng giá, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84 là bình cũ rượu mới, vẫn mang tư duy phi thị trường. Nghị định 84 quy định 3 mức điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 0-7% so với giá liền kề trước đó, doanh nghiệp được tự định giá, phạm vi 7-12% doanh nghiệ và Nhà nước cùng tham gia, trên 12% thì Nhà nước toàn quyền.
Còn Nghị định 83 lại thu hẹp biên độ xuống: trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 0-3% so với giá liền kề trước đó thì doanh nghiệp tự quyết định, phạm vi 3-7% thì doanh nghiệp và Nhà nước cùng tham gia, trên 7% là Nhà nước toàn quyền.
Như vậy là phi thị trường, không có loại cơ chế nào, thị trường nào ở biên độ này thì doanh nghiệp tự định giá, biên độ kia thì Nhà nước và doanh nghiệp cùng tham gia và trên mức đó thì Nhà nước toàn quyền quyết định.
Luật giá của các nước có nền kinh tế thị trường và Luật giá của Việt Nam chỉ rất rõ rằng, đối với thị trường độc quyền và thị trường còn có doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường thì giá do Nhà nước định (mức giá cụ thể, khung giá, giá trần - tối đa, giá sàn - tối thiểu).
Đối với thị trường cạnh tranh, giá do thị trường quyết định, Nhà nước chỉ sử dụng các cộng cụ và biện pháp gián tiếp như tài chính, tín dụng, thương mại... để quản lý và khắc phục những khuyết tật thị trường khi giá cả có sự biến động để bình ổn giá.
Quan điểm của VINPA về bài viết “Xăng Việt đắt hơn xăng Mỹ: Do có độc quyền nhóm…” Ý kiến của chuyên gia Ngô Trí Long:“…quan điểm của doanh nghiệp là phải giữ nguyên giá xăng dầu đồng thời tăng thuế nhập khẩu lên để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp...” Quan điểm của VINPA: Thuế nhập khẩu là do Nhà nước quyết định dựa trên diễn biến giá dầu thế giới mà cụ thể là giá dầu WTI. Đầu tháng 11 năm 2014, giá dầu WTI hạ xuống dưới 80 USD/ thùng và hiện tại đã giảm xuống dưới 60 USD/thùng. Bình quân 15 ngày (tính từ ngày 20/11 đến 04/12), giá dầu WTI là 71,42 USD/thùng. Nắm bắt xu hướng ngày càng giảm của giá dầu, Bộ Tài chính đã có Công văn số 17728/BTC-CST ngày 04/12/2014 hướng dẫn mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng dầu. Theo barem mới này, khi giá WTI dao động từ 60 đến dưới 75 USD/thùng, thuế nhập khẩu tối đa đối với xăng, dầu hỏa là 35%; đối với dầu diesel, mazut là 30%.Tuy nhiên, mức thuế hiện hành (theo Thông tư 185/2014/TT-BTC ngày 05/12/2014) vẫn thấp hơn so với barem trên. Có thể thấy việc điều hành thuế nhập khẩu xăng dầu nước ta hoàn toàn được quyết định theo luật và dựa trên giá dầu thế giới. Ý kiến của chuyên gia Ngô Trí Long:“…Sự bất hợp lý là doanh nghiệp chỉ nghĩ lợi ích cá nhân của họ. Nếu tăng thuế thì Nhà nước và doanh nghiệp được lợi, còn người tiêu dùng chẳng được gì. Trong khi đó, nền kinh tế phải hài hoà lợi ích của ba nhà: nhà nước, nhà doanh nghiệp và người tiêu dùng…” Quan điểm của VINPA: Nói doanh nghiệp chỉ nghĩ lợi ích cá nhân của họ là không đúng. Trước đây, khi giá xăng dầu thế giới leo thang đẩy giá trong nước lên cao, Nhà nước đã giảm thuế có khi về 0%, doanh nghiệp không được tính đầy đủ lợi nhuận định mức 300 đ/l (có thời điểm lợi nhuận định mức bằng 0). Nay giá xăng giảm, ảnh hưởng tới thu ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp lỗ (do mua cao, bán thấp), vậy người tiêu dùng cũng nên chia sẻ gánh nặng cùng Nhà nước và doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến thực tế hụt thu ngân sách Nhà nước sẽ ảnh hưởng tới các phúc lợi xã hội cũng là ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân. Ý kiến của chuyên gia Ngô Trí Long:“…Theo quy định mới, doanh nghiệp không phải dự trữ 30 ngày nữa mà chỉ dự trữ 15 ngày…” Quan điểm của VINPA: Khoản 1 Điều 31 Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83 CP) quy định rõ: “thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu bắt buộc tối thiểu bằng ba mươi (30) ngày cung ứng”. Do đó, nói doanh nghiệp chỉ phải dự trữ 15 ngày là hoàn toàn trái với nội dung Nghị định 83CP. Đề nghị PGS.TS Ngô Trí Long nghiên cứu lại Nghị định. Ý kiến của chuyên gia Ngô Trí Long:“…Vừa rồi Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu nói rằng các doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ, đó là vì ông ấy bảo vệ các doanh nghiệp.Thực ra, doanh nghiệp xăng dầu luôn tiền hậu bất nhất, hễ chuẩn bị có chủ trương gì của Nhà nước bất lợi cho họ thì họ báo lỗ, nhưng kết quả kiểm toán cuối năm không bao giờ lỗ, lên sàn chứng khoán họ cũng toàn báo lãi. Tôi cho rằng, để làm rõ điều này, cơ quan kiểm toán cần kiểm toán các doanh nghiệp khi họ đang hoạt động, chứ không phải chỉ kiểm toán tài chính cuối năm. Việt Nam chưa làm cái này nhưng hoàn toàn có thể làm được…” Quan điểm của VINPA: Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 149/QD-BNV, thực hiện chức năng nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các hội viên, tổ chức tuyên truyền về chủ trương điều hành giá cả xăng dầu của Chính phủ, Bộ ngành để tạo đồng thuận trong xã hội và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng như tôn chỉ mục đích của Hiệp hội. Ý kiến của chuyên gia cho rằng Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam chỉ bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là không trọn vẹn. Chuyện lãi lỗ của doanh nghiệp bấy lâu nay cũng gây không ít hiểu lầm. Chúng ta cần hiểu lãi ở đây là lãi hạch toán toàn ngành, còn lợi nhuận kinh doanh xăng dầu bao giờ cũng nhỏ hơn lợi nhuận định mức và hiện tại đang lỗ do giá thế giới giảm liên tục. Hàng năm đều có các đợt kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước tại các doanh nghiệp và những chi phí bất hợp lý của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đều không được chấp nhận. Ý kiến của chuyên gia Ngô Trí Long:“…trên thị trường Việt Nam có trên 23 đầu mối xăng dầu…” Quan điểm của VINPA: Hiện trên thị trường có tổng cộng 19 doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Danh sách cụ thể các doanh nghiệp đầu mối này được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công Thương. Kính mời PGS.TS Ngô Trí Long tham khảo thêm. Ý kiến của chuyên gia Ngô Trí Long:“…Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84 là bình cũ rượu mới, vẫn mang tư duy phi thị trường. Nghị định 84 quy định 3 mức điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 0-7% so với giá liền kề trước đó, doanh nghiệp được tự định giá, phạm vi 7-12% doanh nghiệp và Nhà nước cùng tham gia, trên 12% thì Nhà nước toàn quyền.Còn Nghị định 83 lại thu hẹp biên độ xuống: trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 0-3% so với giá liền kề trước đó thì doanh nghiệp tự quyết định, phạm vi 3-7% thì doanh nghiệp và Nhà nước cùng tham gia, trên 7% là Nhà nước toàn quyền. Như vậy là phi thị trường…” Quan điểm của VINPA: Chúng tôi xin nêu rõ tư tưởng và nội dung chủ đạo của Nghị định 83/2014/NĐ-CP như sau: - Hoạt động kinh doanh xăng dầu tiếp tục vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, phát huy quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Bảo đảm thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước. - Tăng cường tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu; quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối xăng dầu, bảo đảm cung ứng ổn định xăng dầu trong hệ thống, bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường. - Giá xăng dầu trong nước phản ánh kịp thời diễn biến giá xăng dầu thế giới; tần suất, biên độ điều chỉnh giá xăng dầu phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, tâm lý người tiêu dùng. - Khuyến khích phát triển nhiên liệu sinh học nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Với trường hợp cụ thể: - Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở kỳ công bố tăng trong phạm vi đến ba phần trăm (≤ 03%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, nhưng việc tăng giá ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố sử dụng Quỹ Bình ổn giá cùng thời điểm công bố giá cơ sở. Nếu Liên Bộ không có ý kiến sử dụng Quỹ Bình ổn giá thì doanh nghiệp được phép tăng trong phạm vi ≤ 3%. - Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở kỳ công bố tăng vượt ba phần trăm (> 03%) đến bảy phần trăm (≤ 07%) so với giá cơ sở liền kề trước đó, trong thời gian ba (03) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản kê khai giá, Liên Bộ Công Thương - Tài chính phải có văn bản trả lời thương nhân đầu mối về việc điều chỉnh mức giá và thông báo bằng văn bản về việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá (nếu có) để các thương nhân đầu mối thực hiện. - Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên bảy phần trăm (> 07%) so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, liên Bộ Công Thương - Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể. Ở Việt Nam, việc điều hành giá xăng dầu không khác biệt nhiều so với thế giới, bởi giá trong nước được hình thành trên cơ sở tín hiệu của giá thế giới và xăng dầu là mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá theo quy định của Luật giá và các quy định khác của Chính phủ. Do vậy cần có sự quản lý và điều hành giá theo quy định của Chính phủ; nghĩa là Nhà nước quyết định giá cơ sở, tần suất và biên độ điều chỉnh giá. Nghị định 83 CP quy định tần suất điều chỉnh giá là 15 ngày và tính giá bình quân là 15 ngày. Định kỳ mỗi lần tăng giảm giá, Liên Bộ đều đăng giá cơ sở và công văn điều hành giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của hai Bộ. Do vậy, việc điều hành giá không thể tùy tiện mà phải theo một nguyên tắc nhất định. Từ đầu năm tới nay, giá xăng đã giảm liên tiếp 11 lần với tổng giá trị 5.710 đ/lit; diesel giảm 18 lần với tổng giá trị 5.320 đ/l. Nếu so sánh giá xăng hiện tại 19.930 đ/l với giá xăng thời điểm cao nhất 25.640 đ/l vào tháng 7 năm 2014 thì giá xăng đã giảm 5.710 đ/l tương ứng với mức giảm 22,3%. Điều này cho thấy Liên bộ Tài chính – Công Thương đã điều hành theo đúng quy định của Nghị định 84 CP trước đây và Nghị định 83 CP hiện nay. |
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)