Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nghiên cứu bài “Nghịch lý giá xăng: Mập mờ thật, ảo, doanh nghiệp lãi” của tác giả Thành Luân đăng trên báo Đất Việt ngày 02/7/2015. Để có thêm thông tin nhiều chiều cho bạn đọc, chúng tôi xin được trao đổi nhằm làm rõ những nội dung mà báo Đất Việt đã nêu.
Nguồn ảnh: Báo Đất Việt
Thứ nhất: Về cách tính giá CIF
“Theo PGS.TS Phan Duy Minh, với cách tính giá CIF này, đây chỉ là giá ảo tưởng và như vậy giá cơ sở chưa hợp lý. Giá CIF ở đây lẽ ra phải là giá xăng dầu thực tế nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cộng với các yếu tố khác (phí bảo hiểm, cước vận tải về đến cảng Việt Nam).”
Cách hiểu của ông Phan Duy Minh là hoàn toàn sai lệch. Theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83), giá CIF được cấu thành bởi giá xăng dầu thế giới + phí bảo hiểm + cước vận tải về Việt Nam. Theo ông Minh, giá CIF “lẽ ra phải là giá xăng dầu thực tế nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cộng với các yếu tố khác” trong khi giá xăng dầu thực tế nhập khẩu này đã chính là giá CIF (bởi khi nhập khẩu về đã chịu thêm phí bảo hiểm + cước vận tải). Vậy với cách tính của ông Minh, giá CIF sẽ phải cộng thêm 2 lần phí bảo hiểm và cước vận tải ?
Thứ hai: Về việc tính giá xăng chung của thị trường thế giới và lấy nước Nga làm ví dụ so sánh giá
"Nga không nhập khẩu xăng nhưng giá trên vẫn được coi là giá chung của thị trường thế giới vì đó là một nước lớn trong sản xuất xăng dầu. Trong kinh tế quốc tế, nước nào chiếm thị phần lớn trên thế giới thì giá của nước đó sẽ được coi như giá thế giới. Vài tháng trở lại đây, giá xăng của Nga ổn định ở mức này. Như vậy, có thể nói giá xăng thế giới cũng chỉ khoảng 15.000 đồng/lít, trong khi đó giá xăng ở Việt Nam hiện gần 21.000 đồng/lít.”
Rõ ràng, căn cứ để tính giá thế giới của ông Minh là không có cơ sở. Theo Nghị định 83, giá cơ sở được hình thành dựa trên tín hiệu giá xăng dầu thành phẩm thế giới cộng thêm các khoản thuế, phí. Nếu tính theo cách này, thì Trung Quốc cũng là một nước chiếm thị phần lớn trên thế giới; vậy sao không lấy giá xăng ở Trung Quốc (~25.000đồng/lít) để so sánh với giá của Việt Nam (20.380đồng/lít)? Phải chăng, nếu so sánh giá xăng, chúng ta nên so sánh giá của Việt Nam với ba nước có chung đường biên giới là Lào, Campuchia và Trung Quốc.
Thứ ba: Về lợi nhuận của Petrolimex
“...lợi nhuận của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) không phải là kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nỗ lực phấn đấu của Petrolimex mà đến từ việc tăng giá, người tiêu dùng bắt buộc phải mua xăng với giá cao hơn và sự chênh lệch đã tạo nên lợi nhuận cho Petrolimex", ông Minh nói rõ.”
Petrolimex là doanh nghiệp cổ phần; hàng năm, tập đoàn đều tổ chức Đại hội Cổ đông thường niên để báo cáo về kết quả sản xuất - kinh doanh, công khai lỗ lãi từ đó làm căn cứ chia cổ tức cho các cổ đông. Báo cáo thực hiện kế hoạch 2014 tại Đại hội Cổ đông thường niên 2015 cũng đã chỉ rõ “Tính hết 9 tháng đầu năm 2014, tình hình giá xăng dầu ổn định và công tác điều hành kinh doanh đúng hướng, Petrolimex đã đạt được lợi nhuận xăng dầu trên 600 tỷ đồng; nhưng chỉ Quý IV/2014 giá dầu thế giới liên tục giảm sâu (đến 50%, ở mức thấp nhất trong 5 năm qua) cùng với việc chuyển đổi sang vận hành cơ chế kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 83/NĐ-CP (thay thế NĐ 84/NĐ-CP) từ ngày 01.11.2014 đã trực tiếp ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh xăng dầu của Petrolimex: Tập đoàn đã mất đi lợi nhuận tích lũy được trong 9 tháng và còn lỗ thêm 450 tỷ đồng”.
Hiện nay, ở Việt Nam có 22 đầu mối nhập khẩu cũng đã tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Mặt khác, việc quyết định giá cơ sở và điều hành giá bán xăng dầu thuộc Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định theo đúng các quy định tại Nghị định 83 và Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC. Petrolimex cũng như các đầu mối khác phải chấp hành sự điều hành của các cơ quan quản lý.
Vậy có thể thấy rằng không có gì là “mập mờ thật, ảo” như tác giả bài báo trên đã nêu. Ý kiến chủ quan của tác giả và PGS. TS Phan Duy Minh đã phủ nhận hoàn toàn nỗ lực, cố gắng của tập thể người lao động và vô hình chung gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của doanh nghiệp. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề nghị Quý báo và tác giả Thành Luân xem xét, gỡ bỏ bài báo nêu trên.
Xin trân trọng cảm ơn!
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)