Việc thời gian gần đây, Chính phủ liên tiếp có những quyết định tăng giá nhiên liệu đầu vào như điện, xăng dầu (tăng cả giá và thuế môi trường) đã dấy lên nhiều lo ngại tác động tiêu cực lên giá cả hàng hoá, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy ảnh hưởng cụ thể của các quyết định này ra sao, biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng “té nước theo mưa”, đua nhau tăng giá…? Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật – Báo Công an nhân dân đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam:
PV: Là một chuyên gia về giá, xin ông cho biết giá điện tăng thêm 7,5% sẽ tác động thế nào đến sản xuất, đời sống và giá cả thị trường?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Điện là “đầu vào” quan trọng đối với sản xuất và đời sống, đã tăng giá, dù ở mức độ nào cũng sẽ tác động làm tăng chi tiêu của nền kinh tế và tác động đến mặt bằng giá cả thị trường. Về tổng thể, việc điều chỉnh tăng giá 7,5%, ngành Điện tăng thu thêm khoảng 13.000 tỷ đồng, thì cũng có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế phải tăng chi thêm ngần đó.
Theo tính toán của chúng tôi, đối với đời sống, nếu hộ gia đình sử dụng trong bậc thang đến 100 kWh/tháng, giá điện tăng 6,9% sẽ phải chi thêm 5.300 đồng/tháng. Tương tự, sử dụng bình quân trong mức 101- 300 kWh/tháng, mức tăng giá khoảng 7,5% và mức chi thêm sẽ vào khoảng 23.880 đồng và sử dụng bình quân trên 300 kWh, sẽ phải chi thêm 93.438 đồng/tháng (mức tăng khoảng 7,7 – 7,8%). Tuy nhiên, các hộ sử dụng điện trong bậc thang 50 kWh đầu tiên là các hộ nghèo vẫn được Nhà nước hỗ trợ trực tiếp.
Đối với sản xuất, có tỷ lệ tăng cao hơn so với điện sinh hoạt, giá tăng đẩy chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng, như giá thành phôi thép sẽ tăng khoảng 0,45%, thép tăng khoảng 0,5% – 0,7%, xi măng tăng 2,25%, giấy tăng 0,5% đến 0,8%. Với mặt bằng giá cả chung, tăng giá điện cũng sẽ làm cho chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 0,369%. Tác dụng của việc tăng giá điện lần này đối với sản xuất và mặt bằng giá như trên là logic về mặt lý thuyết “đầu vào, đầu ra” thông nhau, còn trên thực tế, “đầu ra” có tăng được hay không, tăng ở mức độ nào còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: cung cầu, các giải pháp, ứng xử của DN, của người tiêu dùng và các biện pháp bình ổn giá của Nhà nước.
PV: Ngay sau khi điện tăng giá thì xăng dầu cũng được điều chỉnh ở mức khá lớn. Điều này có gây lo ngại về tác động kép?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Giá xăng vừa qua tăng 1.600 đồng/lít (khoảng 10%) tất nhiên là cũng có tác động đến sản xuất và đời sống. Nếu người sử dụng xe máy đi làm việc hàng ngày (chỉ tính những người làm công ăn lương) sẽ phải chi thêm cho xăng bình quân khoảng 24.000 – 32.000 đồng/tháng.
Cước vận tải sẽ tăng khoảng 4%. Chỉ số giá tiêu dùng về lý thuyết sẽ tăng 0,83% (cả 2 vòng). Nhìn vào diễn biến của giá xăng dầu thế giới những ngày qua thì tôi cho rằng việc điều chỉnh giá xăng dầu là hợp lý, hợp lệ theo quy định của Nghị định 83 của Chính phủ và phù hợp với biến động đi lên của giá thị trường.
PV: Ông nhận định sao về việc lâu nay dư luận vẫn cho rằng giá xăng giảm thì ít, tăng thì nhiều?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi cho rằng nhận xét như vậy cũng chưa thật chính xác. Xăng dầu nước ta phải nhập khẩu là chủ yếu, giá trong nước phụ thuộc vào sự biến động của giá thị trường thế giới, do đó tăng giảm bao nhiêu cơ bản là bám sát mức tăng giảm của giá thế giới.
Thời gian qua đã có lúc giá xăng giảm hơn 2000 đồng/lít. Khi đã thực hiện giảm giá là giảm hết, không có “kiềm chế”, nhưng khi tăng lại phải có kiềm chế trên cơ sở thực thi các giải pháp bình ổn giá nhằm hạn chế tác động bất lợi đối với sản xuất và đời sống. Nếu phải dự báo về xu hướng giá, thì nhiều chuyên gia đều cho rằng giá xăng dầu thế giới sẽ nhích lên chứ không thấp như vừa qua. Chúng ta phải bám sát diễn biến này để ứng xử phù hợp theo nguyên tắc thị trường.
PV: Vừa rồi Thường vụ Quốc hội đã quyết định tăng thuế môi trường lên 300% theo đề nghị của Bộ Tài chính đồng thời giảm thuế nhập khẩu. Theo ông, quyết định điều hành này có ý nghĩa thế nào và có ảnh hưởng thế nào đến giá?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đều là thuế gián thu, nhưng mỗi loại thuế lại có sứ mệnh lịch sử và có tác dụng khác nhau. Thuế nhập khẩu có tác dụng khá nhiều chiều đến nền kinh tế như để Nhà nước thực hiện mục tiêu có bảo hộ sản xuất trong nước đối với những ngành nghề, lĩnh vực và doanh nghiệp… còn non trẻ; để điều tiết kinh doanh và định hướng tiêu dùng; để hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh của các DN nước ngoài; hay vì một nhu cầu nào đó đáp ứng lợi ích quốc gia như cân bằng cán cân thanh toán, thu ngân sách Nhà nước, chống bán phá giá…
Để điều hành thuế nhập khẩu hiệu quả trong điều kiện hội nhập kinh tế, ngoài sức ép phải điều hành thuế theo cam kết thì tuỳ vào sự phát triển của nền kinh tế phải có cách ứng xử hợp lý. Nếu kéo dài bảo hộ qua thuế sẽ giảm năng lực cạnh tranh của DN trong trung và dài hạn, tạo ra sự ỷ lại, mất động lực sáng tạo, đổi mới của DN…
Thuế bảo vệ môi trường lại được xây dựng trên nguyên tắc người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường phải nộp thuế. Thuế này được cấu thành vào giá hàng hoá nên nó có tác dụng kích thích và điều chỉnh sản xuất, tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc nghiên cứu tìm ra các nguồn năng lượng sạch, đổi mới công nghệ, hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước…
Như vậy, hai loại thuế này là 2 loại thuế khác nhau có mục tiêu, đối tượng, tác dụng và ý nghĩa khác nhau nhưng suy cho cùng đều có tác dụng tích cực chung đến nền kinh tế và đem lại lợi ích không chỉ ngắn hạn mà cả dài hạn cho sự phát triển nếu chúng ta điều hành có hiệu quả. Và cũng chính vì vậy, việc điều chỉnh 2 loại thuế đối với xăng dầu vừa qua cũng không tạo ra sự mâu thuẫn, xung đột.
PV: Liệu việc thực hiện lộ trình đưa giá các mặt hàng thiết yếu dần theo thị trường, giảm dần sự quản lý của Nhà nước có tạo điều kiện cho DN độc quyền không?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa:Chúng ta phải thực hiện cơ chế thị trường, nhưng không phải để tình trạng độc quyền hoành hành. Tuy độc quyền có những tác động tích cực thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung các nguồn lực để phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn… nhưng độc quyền có những nhược điểm gây ra những tổn thất cho xã hội, làm sai lệch chi phí và sai lệch việc phân bổ có hiệu quả các nguồn lực. Vì mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận, các DN độc quyền thường ứng xử: Hạn chế sản lượng hàng hoá, dịch vụ cung ứng ra thị trường, định giá bán với lợi nhuận độc quyền cao làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng. Chính vì thế, Nhà nước phải kiểm soát. Luật giá đã quy định “Nhà nước định giá đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh” (Khoản 1, Điều 19) và Luật Cạnh tranh cũng quy định “Nhà nước kiểm soát DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền Nhà nước bằng các biện pháp: Quyết định giá mua, giá bán, quyết định số lượng, khối lượng, phạm vi thị trường…” (khoản 1, Điều 15).
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)