Cùng là mặt hàng xăng dầu nhưng sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lại phải chịu mức thuế 20%, cao hơn tới 10% so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Hàn Quốc. Và điều này dẫn tới việc giá sản phẩm xăng của nhà máy cao hơn 4,87 USD/thùng so với giá sản phẩm xăng từ Hàn Quốc.
Dung Quất vì thế gặp khó, sản phẩm của Dung Quất khó tiêu thụ cũng là điều tất yếu. Vậy nên, việc Dung Quất phản ánh những khó khăn này đến các cơ quan chức là điều cần thiết cho sự tồn tại của nhà máy cũng như sự phát triển bền vững của một lĩnh vực năng lượng của quốc gia.
Một góc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Trước tiên phải khẳng định, trong số các sản phẩm năng lượng hiện nay, mặt hàng xăng dầu chỉ xếp sau mặt hàng điện về mức độ “nhạy cảm” đối với các hoạt động của nền kinh tế. Và nếu ví điện là “máu” nuôi sống “cơ thể” là nền kinh tế, là đầu vào của hầu hết các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh thì xăng dầu cũng là thứ “thức ăn” không thể thiếu để “cơ thể” đó “sống, vận được”. Điều này đã được khẳng định trong những năm gần đây khi giá xăng dầu tăng hay giảm luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội và tạo lên những tác động nhất định đối với các hoạt động của nền kinh tế.
Xăng dầu vì thế là mặt hàng chiến lược, có vị trí quan trọng trong cơ cấu các nguồn năng lượng quốc gia-nền tảng phát triển bền vững của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ. Cũng chính bởi tầm quan trọng như vậy nên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từng đánh giá, việc đưa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, khẳng định việc lựa chọn địa điểm và xây dựng nhà máy là một quyết định đầu tư đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta...
Ý nghĩa, tầm quan trọng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong nền kinh tế như vậy đã rõ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực thì những cơ chế, chính sách đối với Nhà máy cũng xuất hiện nhiều vấn đề bất cập. Giá xăng dầu được vận hành theo cơ chế giá thị trường nhưng hoạt động của Dung Quất lại không được theo cơ chế thị trường. Sản phẩm của Dung Quất vì thế đang chịu sự cạnh tranh thiếu công bằng từ các sản phẩm nhập khẩu cùng loại khiến việc tiêu thụ khó khăn, nguy cơ Nhà máy dừng hoạt động là rõ ràng.
Thực tế tìm hiểu của Năng lượng Mới cho thấy, ngày 16-12-2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 201/2015/TT-BTC về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc giai đoạn 2015-2018. Và theo Hiệp định này, các sản phẩm xăng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện đang áp mức thuế nhập khẩu là 20% sẽ cao hơn mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các sản phẩm xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc hiện đang áp dụng là 10%. Với mức thuế suất như vậy, sản phẩm xăng của Dung Quất sẽ cao hơn 4,87 USD/thùng so với xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc theo đơn giá trung bình của tháng 1-2016 với mặt hàng xăng. Việc này theo BSR đã gây khó khăn rất lớn đối với hoạt động sản xuất-kinh doanh của Dung Quân và nếu không có sự điều chỉnh hợp lý thì áp lực lên việc tiêu thụ sản phẩm sẽ là rất lớn. Và thực tế, ngay sau khi Thông tư trên được ban hành, Petrolimex đã đề nghị BSR có phương án giảm giá xăng bán bổ sung và giá dài hạn cho 6 tháng cuối năm để ngang bằng với giá mặt hàng xăng nhập khẩu.
Trong khi đó, thời gian qua, mặc dù Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BRS) đã nỗ lực đàm phán, giảm giá bán (mức phụ phí đối với dầu DO áp dụng 6 tháng đầu năm 2016 mà BRS đề xuất đã thấp hơn 1,3 USD/thùng so với 6 tháng cuối năm 2015), chia sẻ lợi nhuận với khách hàng nhưng các khách hàng chỉ đồng ý áp dụng với thời hạn 2-3 tháng đầu năm 2016 và giảm khối lượng đăng ký mua. Đáng chú ý trong đó là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)-khách hàng lớn nhất của Dung Quất-chỉ đồng ý áp dụng mức phụ phí trên cho 2 tháng đầu năm 2016 với khối lượng DO giảm từ 120.000m3/tháng xuống 80.000m3/tháng theo Hợp đồng năm 2016.
Và để đảm bảo việc cung cấp hàng hóa cho các tháng sau Tết không bị gián đoạn, BSR đã đàm phán với Petrolimex và các khách hàng lớn về phụ phí cho các tháng tiếp theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có sự điều chỉnh về thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với các sản phẩm của BSR nên tất cả các khách hàng đã đề nghị BSR tiếp tục giảm giá. Điều đó dẫn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của BSR của năm 2016 gặp nhiều rủi ro.
Mới đây, trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng nêu rõ: Trong cơ cấu sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, xăng dầu chiếm hơn 90% tổng sản lượng sản phẩm của toàn Nhà máy nên việc không tiêu thụ được sản phẩm xăng dầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn của Nhà máy và hiệu quả sản xuất-kinh doanh của BSR. Mặt khác với mức chênh lệch thuế suất quá lớn như hiện nay sẽ dẫn đến việc các khách hàng đầu mối tập trung nhập khẩu với chi phí vận chuyển và phụ phí cao, sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dù đã giảm mức phụ phí cũng không thể cạnh tranh được.
Nói vậy để thấy rằng, Dung Quất đang phải đối diện với vô vàn khó khăn-những khó khăn đến từ cơ chế, chính sách chứ không phải đến từ quá trình quản lý, vận hành nhà máy. Tuy nhiên điều này đã không được các cơ quan báo chí truyền thông nhìn nhận một cách khách quan, công bằng. Thậm chí trong nhiều bài viết còn cho rằng đây là cái cách để Dung Quất đòi cơ chế, đòi chính sách. Nhưng thử hỏi, trong nền kinh tế thị trường, có doanh nghiệp nào có thể tồn tại khi phải chịu sự cạnh tranh thiếu công bằng như vậy hay không. Chắc chắn là không.
Thứ nữa, có ai nhìn nhận sự ra đời của Dung Quất có tầm quan trọng như thế nào trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội đất nước của Đảng, Nhà nước, hướng tới đưa nước ta thành nước công nghiệp vào năm 2020 hay không. Mà như đã nói ở trên, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có vị trí quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng. Đảm bảo an ninh năng lượng thì có nghĩa sẽ đảm bảo nền tảng phát triển bền vững cho quốc gia, vùng lãnh thổ. Mà để có được điều đó, phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, làm ra các sản phẩm xăng dầu, giảm thiểu phụ thuộc vào sản phẩm nhập khẩu là điều kiện kiên quyết.
Câu chuyện ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất những ngày qua vì thế rất cần các nhà hoạch định chính sách, dư luận xã hội nhìn nhận và chia sẻ một cách công tâm nhất!
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)