Tính đến thời điểm hiện tại, quyết định giảm sản lượng của OPEC mới chỉ là cam kết và nhiều nhà phân tích không mấy tin tưởng vào những gì OPEC sẽ thực hiện nhằm lật ngược tình thế giá dầu thấp.
OPEC có đảo ngược được xu hướng giảm giá của dầu mỏ. Ảnh: marketwatch.com
Để tìm hiểu về những chuyển biến trên thị trường dầu mỏ hiện tại và tương lai, Phóng viên (PV) BNEWS đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao.
BNEWS:Trở lại với trường quay, thưa PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, vai trò của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã sa sút như thế nào trong thời gian hai năm gần đây, khi mà giá dầu tuột dốc không phanh?
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn:Năm 1962, OPEC được thành lập để đối phó với sự độc quyền của các công ty sản xuất dầu thuộc Mỹ, các nước phương Tây, cũng như đảm bảo nguồn cung dầu cho các nước trên thế giới và đảm bảo lợi ích của các nước thành viên OPEC.
OPEC đóng vai trò quan trọng trong việc đưa giá dầu lên trong các cuộc khủng hoảng giá dầu tăng năm 1973, 1979 nhằm chống lại phương Tây. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay khi giá dầu giảm, chúng ta nhận thấy dường như OPEC bất lực khi muốn đưa giá dầu tăng trở lại.
BNEWS: Sự nhất trí giữa Arập Xêút và đối thủ truyền kiếp của nước này là Iran về cắt giảm sản lượng là điều gây bất ngờ nhất trong cuộc họp không chính thức của OPEC ngày 28/9 vừa qua. Ông có thể cho độc giả được biết mâu thuẫn giữa hai quốc gia này sâu sắc đến mức nào và họ đã phải nhượng bộ nhau thế nào vì mục tiêu đẩy giá dầu lên?
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn: Iran và Arập Xêút có mâu thuẫn khá lâu đời. Mâu thuẫn này bắt nguồn từ mâu thuẫn sắc tộc và tranh giành ảnh hưởng trong khu vực cũng như đe dọa đến an ninh của nhau. Iran theo Hồi giáo dòng Shiite, còn Arập Xêút theo Hồi giáo dòng Sunny và giữa hai dòng Hồi giáo này có mâu thuẫn lâu đời và cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Đỉnh điểm là vào tháng 1 vừa qua, khi Arập Xêút tuyên bố tử hình một số người Iran thì mâu thuẫn này được đẩy lên cao trào và hai bên rơi vào thế kình địch mạnh.
Một nguyên nhân nữa về tranh giành ảnh hưởng, đó là hiện nay Iran có công nghệ phát triển hạt nhân khá tốt và Iran cũng tập trung nhiều tiền của và sức lực để phát triển công nghệ hạt nhân này. Arập Xêút muốn đưa giá dầu xuống thấp nhằm làm nhụt ý chí của Iran trong việc tập trung vào nghiên cứu công nghệ hạt nhân.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao. Ảnh: BNEWS/TTXVN
BNEWS: Liệu OPEC thực thi theo đúng thỏa thuận hôm 28/9 thì quốc gia nào trong khối gánh trách nhiệm giảm sản lượng nhiều nhất khi mà Iraq vẫn có ý định tăng sản lượng?
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn: Khi OPEC được thành lập, họ đã đưa ra một nguyên tắc là các nước được sản xuất bao nhiêu dầu là do OPEC cấp quota. Đến bây giờ, khi OPEC đạt thỏa thuận về cắt giảm sản lượng thì tất cả các thành viên sẽ phải cắt giảm sản lượng theo tỷ lệ tương ứng theo quy định của OPEC.
Lấy ví dụ là Arập Xêút hiện sản xuất 10 triệu thùng dầu/ngày thì OPEC quyết định cắt giảm 5% sản lượng thì Arập Xêút sẽ phải giảm ít nhất 5% của 10 triệu thùng/ngày và các nước khác cũng phải giảm sản lượng tương ứng.
BNEWS: Liệu OPEC có đủ sức vực dậy giá dầu trên thị trường thế giới nếu thiếu sự ủng hộ chính thức từ Nga và các nước xuất khẩu dầu mỏ khác nằm ngoài OPEC hay không?
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn: Có hai nhóm nguyên nhân khiến giá dầu giảm trong thời gian qua, đó là nhóm nguyên nhân về kinh tế và nhóm nguyên nhân về chính trị.
Nhóm nguyên nhân kinh tế bao gồm việc Mỹ sở hữu công nghệ khai thác dầu đá phiến, giúp sản lượng dầu đá phiến của nước này tăng vọt. Chính phủ Mỹ đã cho phép các công ty của nước này xuất khẩu dầu thô.
Việc phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng và đặc biệt là năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời giúp nguồn cung năng lượng trở nên dồi dào hơn, khiến giá dầu giảm. Giá dầu giảm còn là do nền kinh tế thế giới giảm sút mạnh.
Còn về chính trị, người ta cho rằng cả Nga và Venezuela có âm mưu chính trị đằng sau việc giá dầu giảm. Còn có một nguyên nhân nữa khiến giá dầu giảm là sự cạnh tranh thị trường giữa các nước thành viên trong OPEC.
Như vậy, giá dầu giảm là do rất nhiều nguyên nhân khiến giá dầu giảm và nếu chỉ một mình OPEC thôi thì chắc chắn họ không đủ sức làm giá dầu tăng bền vững.
BNEWS:Thưa ông Nguyễn Anh Tuấn, là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới nhưng nằm ngoài OPEC, chiến lược tranh giành thị phần với OPEC của Nga trong suốt những năm qua đã tác động như thế nào đến giá dầu trên thị trường?
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn:Nga và OPEC đã có thời kỳ hợp tác với nhau tương đối chặt chẽ nhằm khống chế giá dầu. Lúc đó, Nga và Arập Xêút đã phối hợp đưa xu hướng đa cực hóa phát triển mạnh mẽ hơn và chống lại sức ép của Mỹ đối với các nước OPEC và Nga.
Tuy nhiên, khi P5+1 áp lệnh trừng phạt Iran thì Arập Xêút cũng đi theo xu hướng này nên quan hệ Nga và Arập Xêút trở nên căng thẳng. Nga dường như bị mất lòng tin vào Arập Xêút, vì thế có lúc Nga đã tăng sản lượng để tranh giành thị phần với OPEC, trong đó đặc biệt là Arập Xêút. Sự cạnh tranh này góp phần làm giá dầu hạ vì cả hai phía đều tăng sản lượng.
BNEWS: Nếu các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ nhanh chóng trở lại cuộc đua khai thác, thì sự bắt tay của OPEC với Nga về hạn chế sản lượng liệu có tác dụng đẩy giá dầu đi lên một cách vững vàng hay không?
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn:Không phải tất cả các công ty khai thác đầu đá phiến của Mỹ có chi phí sản xuất như nhau. Có công ty chỉ mất chi phí 30 USD để sản xuất 1 thùng dầu nhưng cũng có công ty cần tới 40 hoặc 50 USD mới có thể sản xuất được 1 thùng dầu.
Nếu bây giờ Nga và OPEC bắt tay nhau cùng đẩy sản lượng lên thì các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ nhanh chóng gia nhập trở lại thị trường dầu mỏ, thay vì cắt giảm sản lượng như trước đây và điều này sẽ gây sức ép làm giá dầu giảm, đồng nghĩa với việc những cố gắng của Nga và OPEC có thể mất tác dụng.
BNEWS: Ông dự báo thế nào về giá dầu khi thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC có hiệu lực?
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn:Giá dầu giảm do nhiều nguyên nhân kinh tế và chính trị, trong nguyên nhân kinh tế có nhiều nguyên nhân nhỏ. Chính vì vậy, việc Nga có bắt tay với OPEC để giảm sản lượng chỉ là một lý do đẩy giá dầu lên. Trong khi đó, còn những yếu tố khác như yếu tố chính trị, đầu cơ, sự phục hồi của kinh tế thế giới, nhu cầu… cũng tác động mạnh đến giá dầu, khiến giá dầu thay đổi.
Nhìn chung theo các đánh giá khác nhau thì giá dầu trên thế giới năm nay giá dầu dao động trong khoảng 50-55 USD/thùng, còn trong năm tới từ 55-65 USD/thùng và năm 2020 dự đoàn vào khoảng 70-80 USD/thùng, vì khi đó nhiều vấn đề về chính trị được giải quyết.
BNEWS:Đối với nền kinh tế Việt Nam, thì giá dầu ở mức bao nhiêu là hợp lý?
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn: Đối với Việt Nam, nước vừa nhập khẩu vừa xuất khẩu dầu, vì thế khi giá dầu giảm nền kinh tế Việt Nam cũng có lợi, các doanh nghiệp có lợi và người tiêu dùng cũng có lợi.
Tuy nhiên, đứng về mặt sản xuất và xuất khẩu dầu lửa thì Việt Nam bị thiệt hại do giá dầu thấp vì doanh thu và đóng góp của ngành dầu mỏ cho ngân sách chắc chắn giảm đi. Vì thế, nếu tính để giá dầu có lợi nhất cho nền kinh tế Việt Nam thì giá dầu phải ở mức 70-80 USD/thùng./.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)