(Chinhphu.vn) - Ngày 29/11, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Xăng dầu giả, thiệt hại thật”.
Các khách mời tham gia tọa đàm - Ảnh: VGP/Thái Hòa
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược của mỗi quốc gia, thiết yếu đối với đời sống xã hội, có tác động trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế.
Bên cạnh xăng dầu chính ngạch nhập khẩu đã qua kiểm tra chất lượng, hiện nay xăng dầu sản xuất trong nước được chứng nhận hợp quy là bảo đảm chất lượng; sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 80-90% nhu cầu thị trường. Song, bên cạnh đó, xăng dầu giả, kém chất lượng do buôn lậu, pha chế, kinh doanh trái phép còn tồn tại và có chiều hướng gia tăng do gian lận tinh vi phức tạp. Trong bối cảnh ngày càng nhiều đường dây sản xuất, buôn bán xăng kém chất lượng, xăng không rõ nguồn gốc bị phát hiện và triệt hạ thời gian qua thì vấn đề minh bạch xuất xứ và siết chặt quản lý chất lượng xăng dầu ngày càng trở nên cấp thiết.
Vậy làm thế nào để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng xăng giả, xăng kém chất lượng? Làm thế nào để người dân biết cách lựa chọn sản phẩm bảo đảm chất lượng cho mình? Nhân dịp kỉ niệm ngày chống hàng giả, hàng nhái 29/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Xăng dầu giả, thiệt hại thật” với sự tham dự của các vị khách mời:
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương
Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN
Ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn
Ông Nguyễn Anh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL)
Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN - Ảnh: VGP/Thái Hòa
thị trường xăng dầu hiện nay, ngoài xăng dầu nhập khẩu còn có xăng dầu nội địa do Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất và sắp tới đây là Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; ông đánh giá như thế nào về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường Việt Nam hiện nay?
Ông Trần Quốc Tuấn: Qua công tác quản lý thì chúng tôi thấy xăng dầu nhập khẩu chính ngạch đã qua kiểm soát chất lượng và xăng dầu của các cơ sở sản xuất đã thực hiện chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và thực hiện đầy đủ các yêu cầu của pháp luật về quản lý đo lường chất lượng kinh doanh xăng dầu thì xăng dầu đó đảm bảo chất lượng để đưa ra thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trên thị trường vẫn còn tình trạng xăng dầu kém chất lượng, thậm chí là xăng dầu giả do tình trạng gian lận trong kinh doanh và pha chế trái phép diễn ra trên thị trường.
Chất lượng xăng dầu hiện nay được đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí nào?
Ông Trần Quốc Tuấn: Xăng dầu có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 1/2015 của Bộ KH&CN sửa đổi bổ sung năm 2017 về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu, đây là cơ sở để căn cứ để đánh giá về mặt kỹ thuật chất lượng xăng dầu được phép nhập khẩu, được phép đưa ra thị trường. Bên cạnh quy chuẩn quốc gia, Bộ KH&CN còn ban hành Thông tư số 15/2015 quy định quản lý đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu trên cơ sở quy định tiêu chuẩn quốc gia, những xăng dầu đáp ứng các tiêu chuẩn đó được phép nhập khẩu, được phép lưu thông trên thị trường.
Thưa ông, hoạt động buôn bán xăng giả, xăng kém chất lượng diễn biến ngày càng phức tạp, việc phát giác và truy quét đường dây Trịnh Sướng chỉ là một vụ điển hình trong số rất nhiều vụ được cơ quan chức năng xử lý trong thời gian gần đây. Ông có thể khái quát bức tranh toàn cảnh về tình hình buôn bán xăng giả, xăng kém chất lượng trên thị trường hiện nay?
Ông Trần Hữu Linh: Trong những năm qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng xăng dầu diễn biến tương đối phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực xăng dầu. Cụ thể, tháng 10/2017, chúng ta đã phát hiện vụ pha chế và tiêu thụ 2 triệu lít xăng giả ở địa bàn Nghệ An. Gần đây nhất, năm 2019, công an tỉnh Đắk Nông đã triệt phá đường dây pha chế xăng giả, lấy xăng pha với chất dung môi, hòa chất tạo màu để tạo thành xăng A95 và E5 bán ra thị trường. Đây là vụ việc rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, có thể gây ảnh hưởng đến hiệu suất của động cơ, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao và gây thất thu cho nhà nước.
Từ đầu năm 2018 trở lại đây, quản lý thị trường đã xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến xăng dầu (khoảng 5000 vụ việc) và xử lý vi phạm hơn 1000 vụ việc, tước quyền sử dụng 37 giấy phép kinh doanh, tịch thu 6 cột bơm và một cây xăng. Địa bàn gian lận thương mại xăng dầu hiện nay tương đối phổ biến như một số địa phương khu vực miền Tây Nam Bộ, khu vực Trung Bộ và lác đác một số tỉnh khu vục phía bắc. Qua công tác kiểm tra 2 năm qua, chúng tôi phát hiện các hành vi vi phạm điển hình như sau: Thứ nhất, bán xăng dầu ngoài hệ thống. Thứ hai, kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực. Qua công tác kiểm tra, có những trường hợp 50% mẫu xăng A95 và 100% mẫu xăng E5 tại một vài cửa hàng đều không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Đó là sơ bộ về bức tranh chung về buôn lậu xăng dầu trong thời gian qua.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương - Ảnh: VGP/Thái Hòa
Những khó khăn trong công tác điều tra?
Ông Trần Hữu Linh: Lĩnh vực xăng dầu do nhiều đơn vị cùng quản lý nên trong quá trình kiểm tra dễ bị trùng lặp. Chính vì vậy, chúng ta cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng thì mới ngăn chặn được việc nhập lậu. Bên cạnh đó, do chưa có nguồn tin tốt, chúng ta chưa ngăn chặn triệt để được việc nhập lậu xăng dầu vào nội địa. Riêng về công tác kiểm tra chất lượng, hiện nay cũng có nhiều đơn vị chịu trách nhiệm, tuy nhiên, do hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn thông tin, quy chế cách thức phối hợp với nhau cho nên đôi khi chúng ta không phát hiện kịp thời các vi phạm về chất lượng xăng dầu. Hay, trong lúc chờ đợi kết quả kiểm nghiệm thì xăng dầu vẫn phải lưu thông liên tục khi mà phát hiện ra sai phạm về chất lượng thì lúc đó xăng trong bồn đã tiêu thụ hết, gây khó khăn trong vấn đề xử lý tang vật. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có sự điều chỉnh về mặt chính sách cũng như phối hợp giữa các bên thì mới có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng này.
Quan điểm của ông về ý kiến trên như thế nào?
Ông Trần Quốc Tuấn: Tôi đồng tình với ý kiến của Tổng cục Quản lý thị trường về những hành vi, thủ đoạn trong gian lận thương mại cũng như những chia sẻ khó khăn trong quá trình kiểm tra, kiểm soát. Nhưng phải khẳng định rằng, xăng dầu nhập khẩu chính ngạch qua kiểm tra chất lượng và xăng dầu sản xuất trong nước đã thực hiện những quy định của pháp luật tại các cơ sở sản xuất về chứng nhận hợp quy là những sản phẩm bảo đảm. Qua thống kê của chúng tôi, từ năm 2017 đến nay, xăng dầu được nhập khẩu chính ngạch, sản xuất bảo đảm chất lượng đưa ra lưu thông là trên 36 tỷ triệu lít. So với những vụ xăng dầu giả ra thị trường là một số triệu lít thì chúng ta thấy đa số là bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, góp phần bảo đảm chất lượng cuộc sống.
Với 10 năm sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường, hiện nay tổng sản lượng sản phẩm xăng dầu mà Nhà máy lọc dầu Dung Quất cung ứng cho thị trường là bao nhiêu? Đáp ứng được khoảng bao nhiêu % nhu cầu thị trường, thưa ông?
Ông Bùi Minh Tiến: Nhà máy lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên ở Việt Nam được đưa vào sản xuất từ năm 2009. Trong suốt 10 năm vận hành nhà máy, chúng tôi đưa ra thị trường trên 7 triệu m3 xăng dầu các loại. Riêng năm 2019, chúng tôi đã đưa ra thị trường trên 6,5 triệu m3 xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thị trường.
Ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn - Ảnh: VGP/Thái Hòa
Ngoài sản lượng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất thì hiện nay sản phẩm xăng dầu được sản xuất từ các đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cung ứng ra thị trường là bao nhiêu?
Ông Bùi Minh Tiến: Ngoài nhà máy lọc dầu Dung Quất, chúng ta có thêm nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa hằng năm sản xuất được khoảng gần 8 triệu m3 xăng dầu các loại nếu sản xuất đúng 100% công suất. Như vậy, cả 2 nhà máy có thể cung ứng cho thị trường khoảng 15 triệu m3 xăng dầu các loại và đáp ứng khoảng 80% nhu cầu trong nước.
Qua những chia sẻ vừa rồi thì ông đánh giá như thế nào về tình hình buôn bán xăng giả, xăng kém chất lượng hiện nay trên cả nước?
Ông Bùi Minh Tiến: Tình trạng buôn bán xăng giả, xăng lậu tiếp tục diễn biến phức tạp và tinh vi. Điều này ảnh hướng đến nền kinh tế nói chung cũng như các nhà sản xuất, nhà phân phối và khách hàng. Chúng tôi nghĩ về lâu dài khách hàng sẽ là những người lựa chọn sản phẩm một cách thông minh, hàng giả, hàng gian về lâu dài sẽ bị đào thải. Và các nhà sản xuất, các nhà cung ứng sản phẩm có chất lượng sẽ tồn tại lâu dài. Chúng tôi là nhà sản xuất, chúng tôi luôn cam kết đưa ra thị trường các sản phẩm bảo đảm chất lượng, tuân thủ đúng các quy định của nhà nước về tiêu chuẩn, về quy chuẩn. Đồng thời, chúng tôi có hệ thống thí nghiệm cũng như các kỹ sư để bảo đảm các lô hàng xuất ra khỏi nhà máy luôn được kiểm tra đúng theo các công bố, bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Trên thực tế, buôn bán xăng giả, xăng kém chất lượng chủ yếu xảy ra ở các cửa hàng nhỏ lẻ. Vẫn còn tình trạng bán lẻ xăng dầu không xuất hóa đơn, nhất là đối với những khách hàng mua nhỏ, lẻ thì họ ít khi có nhu cầu lấy hóa đơn. Điều này khiến cho đại lý xăng dầu rất dễ “hợp thức hóa” khi mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường. Với hệ thống gần 600 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và hơn 3000 đại lý, PVOIL đã thực hiện việc quản lý, kiểm soát chất lượng xăng dầu do mình cung cấp ra thị trường như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Toàn: Xăng dầu lưu thông không ngừng, từ nhà máy lọc dầu hoặc nhập khẩu, hoặc có sản xuất, pha chế của doanh nghiệp, xăng dầu sẽ thông qua kho chứa, phương tiện vận tải để đến các cửa hàng xăng dầu để bán lẻ đến người tiêu dùng. Khâu phức tạp nhất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất chính là việc bán lẻ. Tại các thành phố lớn, công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì xác suất sẽ tốt hơn, tại các địa bàn vùng sâu vùng xa thì việc kiểm tra sẽ khó hơn. Tôi cho rằng căn nguyên là từ việc quản lý hệ thống. Chúng tôi luôn cam kết với tiêu chí xăng dầu đủ tiêu chuẩn mới lưu thông. Việc của chúng tôi là chứa trong kho của mình, xuất ra cho khách hàng, vận chuyển đến tận địa điểm bán hàng là khách hàng kiểm tra, kiểm soát. Chúng tôi có những quy trình rất chặt chẽ như lưu kho, lấy mẫu, kiểm tra, niêm phong và bàn giao. Tại các cửa hàng, chúng tôi khuyến cáo các đại lý phải thường xuyên kiểm tra chất lượng và lưu mẫu đầy đủ để nếu có rủi ro gì xảy ra thì xác định được trách nhiệm. Nói chung, đối với những doanh nghiệp uy tín trên thị trường thì người tiêu dùng hoàn toàn có thể tin tưởng chất lượng xăng. Tuy nhiên đây là mặt hàng rất nhạy cảm nên tôi cũng đề nghị người tiêu dùng nên lưu ý hơn các thương hiệu trong quá trình mua hàng.
Ông Nguyễn Anh Toàn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) -
Ảnh: VGP/Thái Hòa
Người tiêu dùng có thể nhận diện thương hiệu của PVOIL như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Toàn: Chúng tôi là nhà phân phối tới người tiêu dùng nên cửa hàng nào cũng có logo ngọn lửa của tập đoàn và có tên PVOIL, cửa hàng của chúng tôi sơn màu xanh. Ngoài ra, đối với hệ thống 600 cửa hàng sở hữu, chúng tôi có chương trình giám sát để nâng cao chất lượng phục vụ, từ thái độ phục vụ cho tới đong đếm, chào hỏi, bán hàng… Tất cả những việc này đã được đồng bộ từ 3 năm nay. Sau khi chúng tôi triển khai đề án 1114 thì sản lượng bán lẻ tăng khá mạnh và phản ứng từ người tiêu dùng rất tích cực. Có khá nhiều đại lý trước đây ký hợp đồng với thương hiệu khác, nay đã tiếp xúc với chúng tôi để trở thành khách hàng. Mặc dù về trang trí, các đại lý có khác với cửa hàng chúng tôi một chút, nhưng chúng tôi luôn cố gắng phân định trách nhiệm rõ ràng để hỗ trợ họ trong quá trình kiểm tra, giám sát để xăng dầu trong hệ thống cửa hàng của đại lý giảm tối đa các rủi ro, bảo đảm chất lượng xăng dầu đến tay người tiêu dùng.
Theo quy định của Nghị định 83/2014/NĐ-CP việc kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu do Bộ KH&CN, sở KH&CN địa phương đảm nhiệm. Vậy công việc này được tiến hành như thế nào trong thời gian qua?
Ông Trần Quốc Tuấn: Theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa nói chung, công tác đối với kiểm tra kiểm soát chất lượng xăng dầu nói riêng, Bộ KH&CN là đơn vị chịu trách nhiệm chính kiểm tra về chất lượng trong nhập khẩu. Toàn bộ xăng dầu nhập khẩu chính ngạch phải thông qua kiểm tra nhà nước bởi chất lượng hàng hóa nhập khẩu, sau khi đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì bắt đầu được phép đưa vào lưu thông thị trường Việt Nam.
Xăng dầu sản xuất trong nước cũng vậy. Trước khi đưa ra thị trường, phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật mới được đưa ra thị trường.
Bên cạnh đó, cơ quan Nhà nước sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện vi phạm và xử lý. Theo quy định này, hằng năm, ngoài việc thực hiện kiểm tra định kỳ, có kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề. Năm 2018, Bộ KH&CN đã tổ chức cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng về đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Trong kết quả thanh tra, kiểm tra tại 2723 cơ sở, phát hiện 113 cơ sở kinh doanh xăng dầu có vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 6,8 tỉ đồng. Bên cạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên đề, hoạt động kiểm tra đột xuất cũng được tiến hành sau khi phát hiện khảo sát thị trường thấy có dấu hiệu vi phạm thì xử lý. Năm 2019, chúng tôi có khảo sát, kiểm tra đột xuất trên thị trường, phát hiện một số cửa hàng xăng dầu vi phạm tại khu vực Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang… Có những cửa hàng bị phạt 205 triệu đồng, có những cửa hàng bị phạt 494 triệu đồng. Yêu cầu các biện pháp bổ sung khác: Yêu cầu tái chế các lô hàng vi phạm, yêu cầu ngừng sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu trong thời hạn để doanh nghiệp khắc phục.
Năm 2018-2019, thông qua hoạt động kiểm tra, chúng tôi phát hiện những dấu hiệu vi phạm và thông tin với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về các cơ sở sản xuất dung môi. Trên cơ sở đó cung cấp số liệu cho cơ quan công an, Cục quản lý thị trường điều tra, xử lý đường dây sản xuất, pha chế trái phép như báo chí, lực lượng chức năng đã xử lý đường dây của Trịnh Sướng trong vấn đề sản xuất, pha chế xăng giả; đường dây ở Nghệ An trong vấn đề pha dung môi vào xăng.
Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì và thường xuyên hoạt động kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất để đảm bảo đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu.
Chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm buôn bán xăng giả, xăng kém chất lượng hiện nay như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Hữu Linh: Hiện nay về cơ sở pháp lý, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67/2017/NĐ-CP ngày 25/05/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu, kinh doanh xăng dầu và khí. Tuy nhiên, đứng trước tình hình gian lận thương mại xăng dầu khá phổ biến trong thời gian vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã trình Bộ, Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 67/2017/NĐ-CP. Nếu không có gì thay đổi, tháng 12/2019 sẽ có một Nghị định mới quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu, khí và gas.
Đồng thời, Bộ Công Thương đang tiến hành quy trình để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Đây là Nghị định rất quan trọng của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Đây là những triển khai về mặt chính sách pháp lý rất quan trọng của Bộ Công Thương cũng như lực lượng quản lý thị trường trước tình hình, thực trạng phát triển của lĩnh vực xăng dầu của Việt Nam trong thời gian vừa qua. Chúng tôi rất kỳ vọng với chính sách mới này, chúng ta đủ chế tài, đủ sức răn đe để hạn chế các hành vi buôn lậu như gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu trong thời gian sắp tới.
Vẫn còn những bất cập trong hệ thống quản lý phân phối kinh doanh xăng dầu nên có tình trạng tuồn xăng lậu, xăng kém chất lượng vào hệ thống bán lẻ (mặc dù đã có quy định thương nhân kinh doanh cửa hàng phải ghi chép chứng từ, số lượng và chất lượng xăng dầu, nhưng trên thực tế chỉ kiểm soát được đầu vào), ông nhìn nhận vấn đề này thế nào, theo ông cần lấp khoảng trống này ra sao?
Ông Trần Hữu Linh: Qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, chúng ta có thể khẳng định rằng vẫn còn một số tình trạng vi phạm về xăng dầu. Thứ nhất là không bảo đảm chất lượng như anh Tuấn vừa trao đổi. Thứ hai là kinh doanh xăng dầu nhập lậu không rõ nguồn gốc. Đối với xăng dầu nhập lậu không rõ nguồn gốc, tình trạng buôn lậu xăng để đưa vào hệ thống bán lẻ xăng dầu là có và đã có một số ổ nhóm, đối tượng tương đối chuyên nghiệp vẫn còn tồn tại, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Mặc dù thời gian qua, lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, công an đã có những chuyên án lớn để bắt giữ, khởi tố các vụ nói trên, tuy nhiên do vùng biển phía Tây Nam của chúng ta đã bị lợi dụng và vào lúc đêm tối vẫn có gian thương tận dụng thời điểm này để vận chuyển xăng dầu bất hợp pháp vào đất liền nên vấn đề này theo tôi các lực lượng chức năng phải thực hiện hết trách nhiệm cũng như rất quyết liệt mới nâng cao được công tác chống buôn lậu xăng dầu. Đặc biệt, phải phối hợp tốt giữa các lực lượng từ tuyến biên giới, ngoài biển vào trong đất liền, vào sâu trong thị trường tiêu thụ nội địa. Tăng cường thông tin về quản lý địa bàn, kiểm tra kiểm soát thường xuyên liên tục thì mới ngăn chặn có hiệu quả vi phạm về chất lượng xăng dầu.
Lực lượng Quản lý thị trường chúng tôi thường xuyên cùng với công an, đặc biệt là các thanh tra khoa học công nghệ, chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngay ở địa phương phân tích giám định mẫu xăng dầu giả, kém chất lượng kịp thời qua nguồn tin báo của người dân. Phát động quần chúng nhân dân chủ động, mạnh dạn tố giác những đối tượng, những cửa hàng xăng dầu có nghi vấn. Đường dây nóng của lực lượng quản lý thị trường thường xuyên nhận được những tin báo của người dân khi đi đổ xăng ở các cột xăng trên đường, khi có dấu hiệu vi phạm, người dân chủ động gọi điện thoại qua đường dây nóng lực lượng quản lý thị trường để đến kiếm tra tức thời, đột xuất, như vậy mới hiệu quả.
Theo tôi việc này phải làm thường xuyên, liên tục, đột xuất thì mới đủ sức ngăn chặn, răn đe những hành vi gian lận thương mại như vậy.
Với khoảng hơn 10 sản phẩm được Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sản xuất như xăng RON 92, RON 95, E5 RON 92,… chất lượng sản phẩm của Bình Sơn đạt chuẩn các tiêu chí, quy trình công nghệ như thế nào?
Ông Bùi Minh Tiến: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sản xuất xăng dầu theo một quy trình hoàn toàn khép kín, từ khâu nhập dầu thô, chưng cất, chế biến, phối trộn cho tới kiểm tra chất lượng sản phẩm, vận chuyển, tàng trữ và xuất bán. Chất lượng sản phẩm của chúng tôi luôn được kiểm tra bởi đội ngũ kỹ sư được đào tạo và có kinh nghiệm cũng như hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm chính xác, hiện đại hàng đầu trong nước và khu vực. Tất cả các lô sản phẩm đều được kiểm tra trước khi xuất bán. Chất lượng sản phẩm luôn luôn tuân thủ một cách tuyệt đối theo các quy định phù hợp với các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam. Chúng tôi luôn luôn kiểm tra các lô sản phẩm và xuất bán có cấp chứng thư cho từng lô một để đảm bảo chất lượng trước khi xuất bán.
Sau một số vụ cháy nổ xe gắn máy, đã từng có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là do sử dụng xăng sinh học E5 RON92. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?
Ông Bùi Minh Tiến: Các nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định xăng E5 hoàn toàn an toàn cho các động cơ. Điều này không chỉ khẳng định qua các nghiên cứu và qua các thử nghiệm mà được khẳng định qua thực tế tiêu dùng của các khách hàng ở trong nước và nước ngoài.
Riêng đối với Việt Nam, tại tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh có Nhà máy lọc dầu Dung Quất, tất cả các phương tiện tại tỉnh cũng như các phương tiện vận tải của nhà máy lọc dầu được chúng tôi sử dụng xăng E5 từ cuối năm 2014. Đến nay, không xảy ra bất cứ một sự cố nào. Điều đó khẳng định thêm những dư luận đồn đoán việc xăng E5 gây ra hiện tượng cháy nổ là không có căn cứ.
Quan điểm của ông về ý kiến trên như thế nào?
Ông Trần Quốc Tuấn: Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh Bùi Minh Tiến. Thực tế, xăng E5 RON92 về mặt cơ sở khoa học và thực tiễn đã chứng minh, đó không phải là vấn đề liên quan đến cháy nổ. Các sự việc cháy nổ xảy ra nhiều vào năm 2012, khi đó Bộ KH&CN đã thành lập và chỉ đạo các nhóm nghiên cứu của các viện nghiên cứu tập trung nghiên cứu vấn đề này xem nguyên nhân ở đâu. Các nhóm nghiên cứu và các đề tài nghiên cứu thấy rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyện cháy xe. Có thể do nguyên nhân về cơ học, nguyên nhân về chập điện, các nguyên nhân về các yếu tố khác, thậm chí là do cấu tạo của các xe… chứ không phải là do nguyên nhân tại xăng.
Thực tế, xăng E5 RON92 mới được đưa vào theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Từ 1/12/2014, xăng sinh học mới được sử dụng trong phương tiện cơ giới đường bộ tại các địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ ngày 1/01/2018, chỉ cho phép sản xuất kinh doanh xăng E5 RON92 và xăng khoáng RON95 nhằm góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường tốt hơn. Do đó, không thể nói rằng nguyên nhân cháy xe là do sử dụng xăng E5 RON92.
Xin ông chia sẻ các thông tin về việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm xăng E5 của PVOIL hiện nay?
Ông Nguyễn Anh Toàn: Thực tế, xăng E5 rất tốt cho môi trường vì đốt sạch nguyên liệu, khí thải sạch hơn. Đây là lý do mà các nước khuyến khích sử dụng và Thủ tướng đã ban hành quyết định để lưu thông mặt hàng này theo lộ trình. Cũng như anh Linh vừa chia sẻ, trong xăng dầu có xảy ra buôn lậu một phần vì trốn thuế. Đối với thuế xăng dầu, nhà nước thu làm nguồn thu ngân sách tương đối từ mặt hàng xăng dầu. Cho nên có tình trạng xăng dầu giả vì lậu thuế. Chính phủ đã chú trọng trong vấn đề khuyến khích tiêu thụ xăng E5. Chính phủ đã có những chương trình giảm thuế nhất định để giá xăng E5 thấp hơn giá xăng khoáng. Tuy nhiên, vì cân đối ngân sách nên độ chênh này khoảng từ 1.000/1lít đồng đến 1.400 đồng/1lít. Người tiêu dùng có lẽ vì những thông tin trên phương tiện thông tin truyền thông về cháy nổ cũng như mức độ chênh lệch giá chưa có nhiều nên tôi cho rằng việc tiêu thụ xăng E5 đang thấp hơn kỳ vọng.
Tất cả các cửa hàng xăng dầu của PVOIL đều bán xăng E5. Sản lượng tiêu thụ xăng E5 đang nhiều hơn xăng khoáng. Đối với đại lý, chúng tôi luôn khuyến khích và có những hỗ trợ về thương mại, đưa chiết khấu bán hàng tốt hơn để họ tiêu thụ. Tuy nhiên, ở hệ thống đại lý, tỷ lệ xăng E5 còn thấp hơn. Tôi cho rằng nếu có chính sách hỗ trợ về thuế đủ hấp dẫn để có độ chênh về giá cùng với công tác truyền thông để người tiêu dùng hiểu xăng E5 hoàn toàn an toàn có thể tiến tới E10 thì công tác tiêu thụ xăng E5 sẽ có tiến triển tốt hơn.
Việc tiêu thụ xăng giả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, phát triển của nền kinh tế, đời sống sinh hoạt của người dân. Tổng cục Quản lý thị trường có biện pháp như thế nào để hạn chế tình trạng trên?
Ông Trần Hữu Linh: Chúng ta phải làm nghiêm kế hoạch chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; đối với ngành công thương thì Bộ Công Thương chỉ đạo rất sát sao và chúng tôi nghĩ phải thực hiện nghiêm, quyết liệt việc kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt, quản lý tốt địa bàn gắn với người dân; tăng cường kiểm tra những đơn vị xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng, hệ thống bán lẻ, phân phối… Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm thì chúng ta mới có thể chống gian lận thương mại xăng dầu một cách hiệu quả. Qua công tác kiểm tra kiểm soát thì có thể kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để thu hồi giấy phép.
Thứ hai, về cơ chế chính sách, chúng ta cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Bộ Công Thương đang dự thảo sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Chính phủ cũng sắp ban hành Nghị định mới thay thế hoàn toàn nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu, khí và gas. Đây là những điều chỉnh chính sách hết sức quan trọng trong thực tiễn kinh doanh xăng dầu hiện nay.
Lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát tăng cường phối hợp để giảm thiểu mức độ vi phạm; tăng cường trao đổi thông tin, quản lý địa bàn để có một cơ chế doanh nghiệp cùng với cơ quan lực lượng chức năng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm. Đây là những giải pháp trước mắt và dài hạn mà chúng ta có thể làm.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ KH&CN đã có sự phối hợp như thế nào với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương để hạn chế tình trạng pha trộn, buôn bán xăng giả, xăng kém chất lượng?
Ông Trần Quốc Tuấn: Chúng tôi là lực lượng thường xuyên phối hợp với quản lý thị trường cũng như các cơ quan chức năng khác trong vấn đề kiểm tra, kiểm soát để chống buôn lậu, gian lận thương mại theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Trong thời gian qua, hoạt động này được triển khai thường xuyên, tích cực. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thành lập các đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra định kì cũng như kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Ngoài ra, chúng tôi còn thực hiện các chuyên đề kiểm tra chuyên sâu về mặt hàng xăng dầu, về đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu. Từ sự phát hiện những dấu hiệu vi phạm trên thị trường, chúng tôi đã có những kiến nghị đối với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cung cấp thông tin cho quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện ra các đường dây pha chế xăng dầu giả.
Thực tế, trong thời gian vừa qua, Bộ KH&CN đã triển khai các lực lượng điều tra và phân tích, giám định để cung cấp các kết quả giám định làm căn cứ cho cơ quan công an, cảnh sát điều tra. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra kiểm soát về đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu từ Trung ương đến địa phương, tập trung vào các đầu mối có nguy cơ gian lận. Những doanh nghiệp lớn thì không phát hiện thấy gian lận mà chủ yếu là phát hiện ở những doanh nghiệp lấy từ nhiều nguồn. Trước đây, theo Nghị định 84 quy định mỗi thương nhân phân phối chỉ được lấy một nguồn nhưng giờ Nghị định 83 lại cho lấy nhiều nguồn nên khó kiểm soát. Tôi nghĩ rằng, tới đây nên quy định chặt chẽ thương nhân phân phối. Thậm chí, qua kiểm tra, chúng tôi thấy thương nhân phân phối thậm chí không có hệ thống mà toàn đi thuê mướn lại nhưng vẫn được tiêu chuẩn như thương nhân phân phối. Nguy cơ xảy ra vi phạm lại tập trung chủ yếu ở những thương nhân phân phối này nên cần tăng cường kiểm tra kiểm soát. Vừa rồi, chúng tôi đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường thành lập đoàn kiểm tra để rà soát các doanh nghiệp và thương nhân phân phối để xem xét sự chấp hành của các đơn vị đó.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động để bảo đảm theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, một mặt tăng cường kiểm tra kiểm soát nhưng đồng thời cũng phải tránh sự chồng chéo, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp. Theo tôi, Chỉ thị 20 rất đúng đắn là không kiểm tra kiểm soát theo kế hoạch chồng chéo một năm là quá một lần đối với một cơ sở nhưng việc kiểm tra đột xuất bất cứ lúc nào đối với cơ sở có dấu hiệu vi phạm. Theo tôi, giải pháp quan trọng ở đây là tiến hành trinh sát khảo sát và điều tra đột xuất.
Trong quá trình triển khai làm nhiệm vụ, chúng tôi cũng có những khó khăn như: Khó khăn về nguồn lực, thực tế cơ quan quản lý nhà nước đâu có nhiều công chức và địa bàn thì quá rộng. Cả nước có khoảng trên 20000 cửa hàng xăng dầu, mỗi cửa hàng xăng dầu một năm thử một mẫu, một mẫu thử hết khoảng 10 triệu đồng như vậy là mất khoảng 200 tỷ mà kinh phí ngân sách cấp thì không được nhiều như thế. Bên cạnh kinh phí, nguồn lực, con người, còn có trang thiết bị cũng rất khó khăn.
Thưa ông Nguyễn Anh Toàn, từ những khó khăn mà ông Linh và ông Tuấn vừa chia sẻ thì ông có ý kiến gì thêm về vấn đề này?
Ông Nguyễn Anh Toàn: Khâu phức tạp nhất trong vấn đề quản lý chất lượng là khâu lưu thông cuối đến các cửa hàng để đến tay người tiêu dùng. Đối với cửa hàng của chúng tôi, chúng tôi có một chương trình nâng cao chất lượng, từ chất lượng xăng dầu đến thái độ phục vụ, bảo đảm vệ sinh môi trường. Quy trình rất chặt chẽ và đầy đủ. Đối với các đại lý, chúng tôi cũng phân định rất rõ trách nhiệm từ khi kí kết hợp đồng đến khi thực hiện hợp đồng, lấy mẫu, niêm phong, bàn giao mẫu và khuyến cáo để họ có trách nhiệm phối hợp bảo đảm chất lượng lưu thông. Ví dụ, xăng dầu của chúng tôi khi đưa đến cửa hàng thì đều được lấy mẫu và được phân định trách nhiệm đầy đủ và mẫu đó sẽ được lưu lại theo quy định. Nếu trong trường hợp đại lý hay cửa hàng kí hợp đồng với chúng tôi mà đưa nguồn hàng khác vào không phù hợp với mẫu của chúng tôi đã cấp, đã lưu thì đương nhiên là trách nhiệm của họ. Bằng biện pháp như vậy thì chúng ta sẽ giảm thiểu được sức hấp dẫn của xăng dầu trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Ông Bùi Minh Tiến có chia sẻ gì thêm về vấn đề ngăn chặn việc buôn bán xăng giả, xăng kém chất lượng hiện nay?
Ông Bùi Minh Tiến: Tôi đồng tình với ý kiến của các vị khách mời vừa chia sẻ. Ngoài việc tuyên truyền để người dân tìm đến các cơ sở sản xuất uy tín, các biện pháp quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là việc quản lý các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ để hạn chế tình trạng các cây xăng mua xăng dầu không có nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bán cho người tiêu dùng thu lợi một cách bất hợp pháp.
Thưa ông, sau các chia sẻ của các vị khách mời, ông có chia sẻ gì thêm về phía người tiêu dùng?
Ông Trần Hữu Linh: Người tiêu dùng cần có sự liên hệ chặt chẽ với cơ quan chức năng. Trong bối cảnh thị trường xăng dầu phát triển, lợi nhuận lớn thì việc gian lận thương mại trong xăng dầu là không thể tránh khỏi. Do vậy, để ngăn chặn tốt tình trạng này thì cần tập trung vào hai vấn đề: Một là xăng dầu không có nguồn gốc, nhập lậu; hai là vi phạm về chất lượng thì đòi hỏi phải có chính sách, các lực lượng chức năng phải làm quyết liệt hơn trong thời gian tới. Doanh nghiệp và người tiêu dùng cần chủ động phát hiện tố giác.
Xin cảm ơn các vị khách mời!
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)