Ngày 3/9/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) và có hiệu lực từ ngày 1/11/2014 đã có những tác động tích cực đối với việc điều hành mặt hàng này cũng như thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh xăng dầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)
Tuy vậy, sau 4 năm thực hiện, Nghị định 83/CP cũng đã nảy sinh một số bất cập mà theo như đánh giá của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam thì tính thị trường còn hạn chế, tính tự chủ về giá của doanh nghiệp chưa cao...
Ông Nguyễn Tiến Thỏa có những trao đổi với phóng viên xoay quanh vấn đề này.
- Sau 4 năm thực hiện Nghị định 83/CP về kinh doanh xăng dầu (từ ngày 1/11/2014), theo ông công tác điều hành xăng dầu thời gian vừa qua đã có những thay đổi gì lớn?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi cho rằng cái được lớn nhất của Nghị định 83/CP là đã tạo ra được một môi trường pháp lý, có những đổi mới hết sức cần thiết để đưa đến kết quả thành công của việc điều hành thị trường xăng dầu.
Đó là việc nhất quán chuyển kinh doanh xăng dầu sang cơ chế thị trường và cho phép tất cả tất cả các thành phần kinh tế được tham gia kinh doanh xăng dầu và đáng chú ý là đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và phân phối xăng dầu.
Cùng với đó là thực hiện các cam kết trong các hiệp định song phương về thể chế, mở cửa thị trường, trong dịch vụ và đầu tư về cắt giảm thuế quan... Chính những tác động cộng hưởng đó đã tạo ra những động lực cho kinh doanh xăng dầu phát triển, bảo đảm cân đối cung cầu và an ninh năng lượng trong mọi tình huống.
Tuy nhiên, thực tiễn điều hành 4 năm qua cũng đã bộc lộ một số vấn đề của Nghị định 83/CP. Đơn cử như tính thị trường còn hạn chế, tính tự chủ về giá của doanh nghiệp chưa cao và giá còn lệch pha với thị trường thế giới và vai trò can thiệp của Nhà nước còn khá đậm nét trong điều hành giá xăng dầu 4 năm qua.
- Nhiều chuyên gia đã có ý kiến đề xuất sửa đổi Nghị định 83/CP cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, quan điểm của ông như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Tôi đã kiến nghị sửa đổi Nghị định 83/CP gần 2 năm nay, chính là để phù hợp với cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước để kinh doanh xăng dầu có tính cạnh tranh cao hơn về giá và suy cho cùng là để kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường có hiệu quả hơn.
Những nội dung tôi đề nghị sửa đổi cần thiết là về thị trường phải mở cửa mạnh hơn cho kinh doanh xăng dầu để tạo cạnh tranh trong lĩnh vực này; thực hiện cải cách mạnh về quản lý giá bằng cách Nhà nước chỉ quy định các quy chế tính giá rồi ban hành các cơ chế hậu kiểm và bãi bỏ các quy định khống chế về tỷ lệ điều chỉnh giá.
Nhà nước chỉ can thiệp khi mà thị trường có những cú sốc như quy định của luật giá, rồi áp dụng chu kỳ tính giá theo tập quán kinh doanh quốc tế. Ví dụ như tiến tới để tính giá hàng ngày nhằm đảm bảo giá xăng dầu trong nước bám sát theo giá thị trường thế giới và bãi bỏ các quy định về chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức, cách tính thuế bình quân và đổi mới quy định về trích lập quỹ bình ổn giá (BOG)...
Theo tôi được biết, các bộ ngành liên quan đã có đề xuất sửa đổi Nghị định này. Tuy vậy, việc sửa đổi cũng cần có thời gian để tính toán, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định như thế nào, rồi sau đó còn lấy ý kiến các bộ, ngành và doanh nghiệp... Như thế, không thể nói xong là có thể sửa ngay được.
Nhưng rõ ràng là việc này cũng chậm so với yêu cầu của thực tế, gây ra tác động nhất định tới thị trường xăng dầu.
Với những bất cập như tôi nêu ở trên, nếu không được xử lý sớm thì tính cạnh tranh trên thị trường, tính tự chủ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ không được phát huy cao độ. Hơn nữa, giá cả vẫn chưa được vận động theo quy luật vốn có của nó và theo yêu cầu cảu quy luật kinh tế thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam. (Ảnh: baotintuc.vn)
- Quỹ bình ổn xăng dầu thời gian qua đã phát huy được hiệu quả trong việc bình ổn giá xăng dầu, song có ý kiến cho rằng nên bỏ quỹ này, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Chúng ta điều hành giá xăng dầu mục tiêu là để hạn chế những tác động bất lợi của giá thế giới khi nó tạo ra những biến động và cơn sốt giá tác động vào giá trong nước, gây ra tác động không thuận cũng như tác động bất lợi đến thị trường và sản xuất tiêu dùng chứ không phải sử dụng quỹ để triệt tiêu hoàn toàn sự vận động khách quan của thị trường.
Theo tôi, muốn làm như vậy cũng rất khó để mà dùng quỹ để cố định một mức giá phi thị trường thì tuân thủ mục tiêu là điều hành giá theo cơ chế thị trường cũng không thực hiện được.
Vì vậy, dù có sử dụng quỹ thì vẫn phải để giá phản ánh giá thị trường ở một mức nhất định bằng một mức độ nào đó phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế. Quan trọng là mức biến động mà chúng ta có thể kiểm soát được và nó không làm quá méo mó giá của toàn bộ nền kinh tế cũng như làm sai lệch tính cạnh tranh của toàn bộ các sản phẩm sử dụng xăng dầu.
Theo tôi Nghị định 83/CP đến bây giờ đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó và chúng ta phải tiến hành ngay việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định để rút ra những thành công để kế thừa cũng như thấy được những bất cập, tồn tại. Từ đó, tiến hành sửa đổi và bổ sung cho phù hợp theo tình hình mới, để kinh doanh xăng dầu thực hiện đúng với cơ chế mà nó nhất quán theo đuổi đó là giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
- Xin cảm ơn ông./.
TIN KHÁC
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu lại có thêm 3 kiến nghị 'nóng'(03/12/2024)
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)